Đất nước đang bước vào Xuân mới, với niềm hân hoan chào đón Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Hoà trong niềm vui chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bước vào năm mới 2011 với tâm thế và quyết tâm mới. Những thành tựu mang tính nền tảng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tạo cho Thái Nguyên vị thế mới.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thành công tốt đẹp, khẳng định sự đồng thuận và quyết tâm lớn, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của đất nước.
Nhìn lại giai đoạn 2005-2010, chúng ta có quyền tự hào về một chặng đường phát triển mang tính căn cơ, vừa có những bước đi bền vững chuẩn bị cho tương lai, vừa có những bước tiến nhanh, bảo đảm tăng trưởng và an sinh xã hội. Để đạt được thành công này, bài học kinh nghiệm quan trọng đầu tiên là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2005-2010), tạo sự đồng thuận và ủng hộ tích cực từ Trung ương Đảng, Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong từng năm, từng giai đoạn đã lựa chọn các vấn đề trọng tâm, trọng điểm và có tính đột phá để cụ thể hóa, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Bài học thứ hai là sự đổi mới và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; với phương châm lãnh đạo “Năng động, sáng tạo, sát tình hình, hiệu quả", cấp uỷ, chính quyền các cấp đã huy động được sức mạnh tổng hợp, làm động lực cho phát triển, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn chịu nhiều tác động tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, vượt qua rất nhiều thách thức, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nền kinh tế tiếp tục phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm đạt 11,11%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 17,5 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 18,7%/năm, đến năm 2010 đạt trên 12.000 tỷ đồng, nằm trong TOP 10 địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất toàn quốc. Dịch vụ phát triển cả về quy mô và loại hình, bình quân tăng trưởng 11,86%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 17,12%, vượt 2,12% so với mục tiêu. Từ năm 2008, thu ngân sách đã đạt mục tiêu 1.000 tỷ đồng, về trước kế hoạch 2 năm; đến năm 2010 đã đạt trên 2.200 tỷ đồng. Trong năm 2010, nhiều công trình, dự án lớn trên địa bàn đã được khởi công như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện An Khánh công suất 100MW, Dự án Cụm cảng Đa Phúc, Nhà máy Shinwon 100% vốn FDI... Năm 2010 cũng đã ghi nhận bước ngoặt phát triển của T.P Thái Nguyên khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại I, T.X Sông Công là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Công tác an sinh xã hội cũng đạt những kết quả đáng khích lệ: Thái Nguyên là một trong những địa phương đạt kết quả cao nhất toàn quốc trong chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo theo Quyết định số 167 của Chính phủ; là địa phương về đích đầu tiên trong chương trình xây dựng nhà ở cho sinh viên, với 52 công trình cao tầng đã hoàn thành; tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2010 là 10,8%, giảm 3,19% so với năm 2009, vượt mục tiêu kế hoạch Nghị quyết. Kinh tế phát triển cao cũng đã tạo điều kiện để việc thực hiện các mục tiêu văn hoá - xã hội trên địa bàn đạt và vượt kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Các thiết chế văn hoá, giáo dục, y tế được đầu tư xây dựng. Thái Nguyên đang từng bước xứng đáng với vai trò trung tâm vùng về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá của khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ...
Cùng với những thành tích cao trong tăng trưởng, một thành công lớn của Thái Nguyên trong giai đoạn 2005-2010 là xác định đúng cách tiếp cận, từ đó tạo lập được những nền tảng bền vững cho giai đoạn phát triển mang tính bùng nổ sắp tới.
Thứ nhất, về phát triển hạ tầng giao thông. Những năm qua, các cấp chính quyền trên địa bàn đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện trên 100 dự án phát triển hạ tầng giao thông. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37, các dự án cải tạo, mở rộng các tuyến tỉnh lộ, đường đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp được đẩy mạnh. Dự án đường hầm xuyên dãy núi Tam Đảo kết nối 2 khu du lịch nổi tiếng Tam Đảo và hồ Núi Cốc đang tích cực chuẩn bị đầu tư. Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 3 và xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được tập trung đẩy mạnh, sẽ hoàn thành trước năm 2013. Đến năm 2015 sẽ có 7 tuyến đường quốc gia đi qua Thái Nguyên, đưa tỉnh ta trở thành một trong những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt nhất khu vực. Cùng với sự ủng hộ tích cực của Trung ương, các dự án giao thông đã được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, góp sức, góp của cùng Nhà nước làm đường. Nhiều gia đình sẵn sàng hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường, tạo nên phong trào hiến đất làm đường rộng khắp trong toàn tỉnh, vừa ích nước, vừa lợi nhà.
Thứ hai, công tác quy hoạch nói chung, đặc biệt là quy hoạch xây dựng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được ưu tiên đầu tư. Tính riêng lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN) tập trung, 28 cụm công nghiệp, tạo tiền đề phân bố lại lực lượng sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 6 KCN nằm trong danh mục các KCN của Chính phủ, bao gồm: KCN Sông Công I 220ha, KCN Sông Công II 250ha, KCN Nam Phổ Yên 200ha, KCN Tây Phổ Yên 200ha, KCN Điềm Thuỵ 350ha, KCN Quyết Thắng 200ha. Tỉnh ta cũng đang tiếp tục triển khai nhiều dự án quy hoạch có tầm cỡ quốc gia và quốc tế như: Dự án vùng du lịch hồ Núi Cốc quy mô 10.000ha; Dự án Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình quy mô trên 8.000ha; Dự án khu đô thị phía tây T.P Thái Nguyên và trung tâm hành chính mới, Quy hoạch vùng AKT liên hoàn 3 tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn...
Thứ ba, tập thể lãnh đạo tỉnh đã rút ra được rất nhiều bài học quý từ những thành công và chưa thành công cả trong quá khứ và hiện tại. Từ đó có những đổi mới quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng. Các hoạt động đi vào thực chất hơn, minh bạch hơn; vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, vừa tạo môi trường trưởng thành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ đổi mới cách làm, chúng ta đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, bình quân hàng năm tỉnh ta đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, vốn đầu tư từ Nhà nước chiếm tỷ trọng không lớn, từ 5-10%, nhưng giữ vai trò dẫn dắt, kích cầu các nguồn lực đầu tư khác như vốn FDI, ODA, vốn đầu tư của khối doanh nghiệp, nguồn xã hội hoá với trên 500 dự án đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp, tổng nguồn vốn trên 150.000 tỷ đồng. Từ vị trí của một tỉnh phải nỗ lực kêu gọi đầu tư, đến nay, Thái Nguyên đã có vị thế mới, có điều kiện lựa chọn những nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính, công nghệ và khả năng phát triển dự án...
Với những nền tảng vững chắc này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII xác định đây chính là thời điểm Thái Nguyên cần phải xây dựng tầm nhìn mới, chủ động đón nhận vận hội phát triển để tiến nhanh hơn, mạnh hơn và bền vững hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đặt quyết tâm phấn đấu đưa Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục - đào tạo của đất nước, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Thủ đô Hà Nội, là động lực để phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Đây cũng là trọng trách lớn mà Trung ương Đảng, Chính phủ giao phó và đặt niềm tin vào Thái Nguyên.
Ngay từ thời điểm này, Thái Nguyên đã lập các kế hoạch, hệ thống các mục tiêu cơ bản cho giai đoạn 5 năm, 10 năm tới và quyết tâm thực hiện bằng những nỗ lực cao nhất. Trong thời kỳ kế hoạch 5 năm 2011-2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định mục tiêu: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc để Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020 và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, đào tạo của cả nước”. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm từ 12-13%. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16,5%; dịch vụ tăng 13,5%, nông, lâm nghiệp tăng 4,5%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015 đạt: công nghiệp - xây dựng 46,5%; dịch vụ 38,5%; nông, lâm nghiệp 15%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 20% trở lên, đến năm 2015 đạt 100.000 tỷ đồng. Cân bằng được thu chi ngân sách. Tỷ lệ dân số đô thị hóa đạt 35% trở lên. Quy hoạch, hình thành được các thiết chế văn hóa, thể thao cấp vùng...
Năm 2011, năm đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Thái Nguyên đặt mục tiêu: “Tích cực triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động; chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch, dịch vụ; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo tổ chức thành công Festival Trà quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên năm 2011”. Việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giữ vững nhịp độ tăng trưởng, vừa tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Phấn đấu năm 2015 tỉnh ta cơ bản phải đạt được các yêu cầu của công cuộc đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tạo tiền vững chắc để tỉnh ta sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020...
Thời khắc bước vào năm mới 2011 đã tới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang hoà nhịp cùng toàn Đảng, toàn dân hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ được tổ chức trong những ngày đầu năm mới. Đất nước đang chờ đón một Đại hội thành công, tiếp tục mở ra vận hội phát triển mới của dân tộc. Thái Nguyên cũng sẽ chủ động nắm bắt thời cơ tăng tốc phát triển trong vận hội phát triển của đất nước. Cấp ủy và chính quyền các cấp cần tiếp tục đổi mới cách nhìn, cách định hướng, cách hành động để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống. Chắc chắn, con đường đi tới thành công còn phải vượt qua nhiều khó khăn, gian nan, thử thách. Nhưng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, chung sức chung lòng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII và quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh phồn vinh nhất miền Bắc theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần cuối cùng Người về thăm tỉnh ta sẽ sớm trở thành hiện thực.
Nhân dịp bước vào năm mới 2011 (Xuân Tân Mão), thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi xin gửi tới các đồng chí Lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng, toàn thể đồng bào, đồng chí, các lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất, kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
PHẠM XUÂN ĐƯƠNG
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh