Trong giai đoạn 2009-2012, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên luôn được cấp trên đánh giá hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Có thành công đó chính là việc phát huy có hiệu quả phong trào thi Quyết thắng của từng tập thể, từng cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
Để phong trào thi đua quyết thắng (TĐQT) của lực lượng vũ trang đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt việc quán triệt các chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương, của Tỉnh ủy Thái Nguyên về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới; làm rõ vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị phải bám sát thực tiễn, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức phong trào thi đua cho phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Mục tiêu thi đua phải vừa phản ánh khách quan và thực hiện thắng lợi mọi mặt hoạt động của đơn vị, vừa thể hiện được tinh thần trách nhiệm của LLVT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt các phong trào TĐQT, như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, “Một tập trung, hai khâu đột phá”…
Việc thực hiện tốt phong trào TĐQT và phong trào thi đua yêu nước đã làm chuyển biến mạnh mẽ trình độ làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), sức mạnh chiến đấu của LLVT; xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của người công dân.
Thực hiện tốt phong trào TĐQT gắn với phong trào thi đua yêu nước, LLVT tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác dân vận, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã thường xuyên tổ chức đưa bộ đội đi làm công tác dân vận ở những xóm bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Bản Tèn (Văn Lăng, Đồng Hỷ); xóm Lũng Luông (Thượng Nung, Võ Nhai); nơi có 100% đồng bảo người dân tộc Mông sinh sống, với hàng nghìn ngày công lao động của bộ đội, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ủng hộ đồng bào trên 1 tỷ đồng.
Là lực lượng làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, yêu cầu đặt ra đối với các đơn vị là phải luôn duy trì kỷ luật chặt chẽ, sức cơ động cao, trình độ và khả năng SSCĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt ngay trong năm 2012 là năm đột phá về công tác huấn luyện. Bộ CHQS tỉnh đã đặt ra yêu cầu lấy rèn luyện kỷ luật làm cơ sở, huấn luyện làm trung tâm; phù hợp với thực tiễn của đơn vị, sát với đối tượng tác chiến và trang bị hiện có. Bởi vậy, công tác huấn luyện 9 tháng năm 2012 đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; huấn luyện lực lượng thường trực quân số luôn bảo đảm 98,5% trở lên, lực lượng dân quân, tự vệ đạt 100% đầu mối các cơ sở, kết quả đạt khá; huấn luyện quân dự bị động viên đạt 100% chỉ tiêu, trình độ chính quy, chấp hành kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước có nhiều chuyển biến tiến bộ.
Bên cạnh đó, ngành Hậu cần, Kỹ thuật của LLVT tỉnh cũng tích cực gắn phong trào TĐQT tới thực hiện tốt phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Cuộc vận động 50”. Qua đó, đã động viên được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, để hoàn thành tốt nhiệm vụ
Từ thực tiễn hoạt động phong trào TĐQT gắn với phong trào thi đua yêu nước xây dựng điển hình tiên tiến của LLVT tỉnh trong những năm qua đã rút ra một số kinh nghiệm. Thứ nhất: Công tác thi đua phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp uỷ Đảng, người chỉ huy, hội đồng thi đua. Chú trọng xây dựng động cơ thi đua, tạo ra động lực thúc đẩy phong trào thường xuyên, liên tục.
Thứ hai: Công tác thi đua phải mang tính quần chúng rộng rãi, bảo đảm phong trào thực sự là nơi quy tụ, tập trung sức mạnh tổng hợp của cao trào hành động cách mạng trong quần chúng.
Thứ ba: Chủ đề, mục tiêu, nội dung thi đua và chương trình hành động phải bám sát yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị; với những chủ đề sát thực, phù hợp với không gian, thời gian và ý nghĩa thiết thực tạo sức sống mãnh liệt của phong trào thi đua.
Thứ tư: Kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần và khuyến khích vật chất. Thi đua đi đôi với khen thưởng kịp thời, phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những mặt tiêu cực.
Thứ năm: Gắn thực hiện mục tiêu thi đua với việc thực hiện các nội dung xây dựng tổ chức Đảng TSVM, xây dựng đơn vị VMTD và các cuộc vận động. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các tổ chức, kết hợp chặt chẽ giữa phong trào TĐQT của đơn vị với phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP - QSĐP và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.