Trái tim cho em qua lời kể của người xác minh gia cảnh

11:12, 30/12/2011

Để tìm được đúng người, nhân viên xác minh gia cảnh băng qua hàng trăm km đường rừng, động viên những gia đình người dân tộc còn e ngại, sợ hãi để hướng dẫn thậm chí còn thuyết phục và làm giúp thủ tục hồ sơ xin trợ giúp của chương trình Trái tim cho em.

Những số phận bị che lấp trong rừng xanh, núi thẳm

 

Anh Nguyễn Đức Hòa, nhân viên Viettel chi nhánh Yên Bái không bao giờ quên câu chuyện đi xác minh gia cảnh em Lý Văn Yêu (Ngải Thiệu, Trung Tâm, Lục Yên, Yên Bái). Đó là một ngày mưa trơn trượt, phải nhờ chủ tịch xã dẫn đường và gọi thuyền của người quen hộ, anh mới tìm được đến nhà của bé Yêu. Ngôi nhà ở giữa lòng hồ, làm bằng nứa, sàn nhà kêu kẽo kẹt mới chỉ đặt một chân đã có cảm giác sàn võng xuống. Đồ đạc duy nhất trong nhà là chiếc giường tre.

 

Bé Yêu lúc đó rất yếu, nằm một chỗ và không thể có bất cứ hoạt động mạnh nào. Gia đình cũng hoàn toàn không biết đến chương trình “Trái tim cho em”. Anh Nguyễn Đức Hòa kể lại, sau một lần gia đình đưa bé Yêu đi khám tại Bệnh viện Việt Đức, dù bác sĩ phát hiện ra em mắc bệnh tim bẩm sinh, tứ chứng fallot phức tạp, cần phải mổ gấp. Tuy nhiên, chi phí để phẫu thuật lên tới hàng chục triệu đồng trong khi gia cảnh túng quẫn nên đành đưa em về. Rất may, các bác sĩ bệnh viện Việt Đức đã thông báo với phía Viettel để chương trình “Trái tim cho em” kịp thời tìm đến trợ giúp….Hai năm sau khi anh Hòa quay trở lại, nhà bé Yêu vẫn nghèo nhưng em đã có thể chạy nhảy, nô đùa và đi học bình thường.

 

“Đi xác minh gia cảnh như thế này mình chẳng thấy mệt hay vất vả gì đâu. Đó là công việc, cũng là niềm vui nữa. Vừa giúp được người dân quê mình tiếp cận được với dịch vụ, đồng thời tiếp cận được sự giúp đỡ của xã hội, quý lắm chứ! Là dân kinh doanh, được đi làm hoạt động xã hội và trực tiếp nhìn thấy kết quả, mình càng thấm thía hơn triết lý kinh doanh vì lợi ích cộng đồng của Tập đoàn.” - anh Hòa chia sẻ.

 

Anh Tô Ngọc Vũ, nhân viên Viettel chi nhánh Hòa Bình chia sẻ: “Khi thực hiện xác minh gia cảnh tại các khu vực miền núi, việc phải đi hàng chục đến hàng trăm km đường rừng là chuyện bình thường. Người dân nghèo lắm, hầu như nhà lá, dột và không có gì ngoài chiếc giường và hai manh chiếu rách. Biết con bị bệnh, cũng đành để con ở nhà thôi chứ chẳng nắm được thông tin mà nhờ giúp đỡ”.

 

“Dù không nắm được thông tin nhưng khi mình đến xác minh và hướng dẫn thủ tục để gia đình nhận được trợ giúp của chương trình thì lại có những người e ngại và sợ hãi, đặc biệt là các gia đình người dân tộc thiểu số. Anh em lại phải động viên và thuyết phục gia đình.” - anh Vũ Đức Tiến, nhân viên Viettel chi nhánh Hà Giang cho biết thêm.

 

Tự “bắc cầu” tìm đến với người cần giúp đỡ

 

Với thế mạnh về mạng lưới kinh doanh phủ rộng khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, Công ty Viễn thông Viettel - đơn vị thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội (nhà sáng lập chương trình Trái tim cho em) được giao nhiệm vụ rất quan trọng: xác minh hồ sơ để chương trình tìm đến được đúng người cần giúp đỡ. Thế là ngoài công việc sản xuất kinh doanh thường ngày, nhân viên Viettel có thêm “nhiệm vụ” đến tận nhà các em bị bệnh tim bẩm sinh để xác minh gia cảnh và phối hợp chặt chẽ với UBND xã đối chiếu thông tin. Những người được giao nhiệm vụ này đều hiểu rằng, chỉ một sai sót về gia cảnh của bệnh nhân cũng đủ ảnh hưởng tới lòng tin của các nhà hảo tâm. 

 

Thực tế của việc xác minh gia cảnh cho thấy, hầu hết người dân ở vùng sâu, vùng xa còn không nắm được thông tin chứ chưa nói đến việc nghe hướng dẫn hay lấy mẫu đơn từ “hotline” và website của chương trình. Chính vì vậy, Viettel đã đưa ra sáng kiến triển khai tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ và xác minh gia cảnh trên hệ thống cửa hàng của Viettel tại địa phương. Thông tin đã gần hơn với người dân khi xuống tận huyện, xã qua hệ thống hơn 800 cửa hàng và kênh phân phối rộng khắp của Viettel.

 

Không chỉ hỗ trợ các gia đình tìm đến với Trái tim cho em, năm 2011 Viettel chủ động tìm đến các gia đình cần sự hỗ trợ bằng cách phối hợp với các bệnh viên tổ chức 4 đợt khám sàng lọc bệnh tim miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Đồng Nai, Gia Lai. Thông qua chương trình đã có 3.700 trẻ em được khám sàng lọc và 183 trường hợp phát hiện bệnh được hướng dẫn làm hồ sơ trợ giúp phẫu thuật bệnh tim miễn phí.

 

Với hoạt động thiết thực này, Viettel đã mở đường, xây cầu mang “Trái tim cho em” đến với những mảnh đời bất hạnh đang còn khuất nẻo.

 

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các ca phẫu thuật tim mạch

 

Có một thực tế là rất nhiều em nhỏ bệnh tim đã được tài trợ nhưng lại phải xếp hàng chờ mổ. Trong khi đó với căn bệnh của các em, muộn một ngày là cơn đau hành hạ, số phận thêm chênh vênh giữa bờ vực của sự sống và cái chết.

 

Với mong muốn đẩy nhanh tiến độ các ca phẫu thuật tim mạch cho các em, năm 2011, Viettel đã tài trợ 1,5 tỷ đồng trang bị thêm các thiết bị phẫu thuật tim mạch nhằm nâng cao năng lực cho Bệnh viện Nhi Trung ương. Các thiết bị mới này sẽ giúp các ca phẫu thuật hở tim tăng tỉ lệ thành công lên tới 95% và giúp số bệnh nhân được phẫu thuật tăng thêm từ 8-12 ca/tháng. Trước đó, năm 2010, Viettel đã tài trợ bộ thiết bị trị giá 1 tỷ đồng cho Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

 

Là một trong những đơn vị sáng lập chương trình “Trái tim cho em”,  trong suốt hơn 3 năm qua, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel mà trực tiếp là Công ty Viễn thông Viettel đã phối hợp với nhiều bệnh viện lớn trong cả nước để phẫu thuật, can thiệp tim mạch cho hơn 1.400 trẻ em bị tim bẩm sinh. Đến nay, Viettel vẫn giữ vai trò là nhà tài trợ lớn nhất, cam kết đóng góp vào chương trình 17,7 tỷ đồng. Số tiền tuy lớn nhưng chưa thể so sánh được với tâm sức và quyết tâm của một doanh nghiệp đã chọn “kinh doanh vì trách nhiệm xã hội” làm triết lý xuyên suốt của mình./.