Sáng nay (9-9), các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn. Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.
Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Thái Nguyên tại các địa phương trong tỉnh:
* Tính đến 9 giờ ngày 9-9, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 người mất tích tại xã Văn Lăng (như thông tin đã đưa trước đó). Thiệt hại về nhà ở, 10 hộ dân ở các xã Văn Lăng, Tân Long, Minh Lập, Hợp Tiến, Văn Hán bị tốc mái nhà.
Đường tỉnh 273 đoạn qua xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) bị sạt lở taluy âm, đã được lắp biển cảnh báo nguy hiểm. |
Về giao thông, hiện nay, mực nước tại các ngầm tràn, đường tràn cơ bản đang rút. Còn một số điểm ngầm tràn, đường tràn đang ngập nước tại xã Hòa Bình. Các điểm bị ngập đã được đặt biển cảnh báo, rào chắn và có lực lượng canh gác theo quy định. Tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng đến đường giao thông: Đường tỉnh 273 đoạn qua xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, bị sạt lở taluy âm; đoạn đường đèo Nhâu, xã Văn Hán, có 4 điểm sạt lở, xã đã cử lực lượng trực và căng dây cảnh báo theo quy định.
Thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) có 20 hộ dân thuộc các tổ dân phố 1, 3, 6 phải di dời do ngập úng. |
Mưa lớn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng, các địa phương đã di dời 102 hộ đến nơi an toàn (trong đó 20 hộ có nguy cơ sạt lở đất, 81 hộ bị ngập úng). Hàng trăm người gồm bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên, lực lượng xung kích đã tham gia hỗ trợ nhân dân di dời người, tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai ước khoảng 826 triệu đồng.
Sạt lở đất tại gia đình ông Trần Thanh Bình, ở xóm Bãi vàng, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). |
Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Hỷ cùng các xã, thị trấn đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, tìm kiếm nạn nhân mất tích do bị lũ cuốn tại xã Văn Lăng. Đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”...
* Tại TP. Phổ Yên có khu vực Phú Cốc (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc và Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân, thuộc phường Tân Phú, bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở hai bên bờ sông.
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt tại phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) di dời đến nơi an toàn. |
Trước tình hình trên, ngay trong đêm 8-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Tân Phú đã huy động lực lượng vận động nhân dân trong khu vực Phú Cốc sơ tán khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt. Tính đến 10 giờ ngày 9-9, phường đã vận động, di dời 9 hộ đến Hội trường đa năng bảo đảm an toàn (chủ yếu là những hộ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn).
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Tân Phú tiếp tục theo dõi mực nước sông Cầu và sẵn sàng triển khai phương án vận động, hỗ trợ nhân dân di dời khỏi vùng ngập lụt theo kế hoạch.
Người dân khu vực Phú Cốc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên) thu hoạch sớm một số diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng. |
Trước đó, do mực nước sông Cầu dâng cao cũng đã khiến một số diện tích lúa, hoa màu của nhiều hộ dân thuộc khu vực Phú Cốc bị ngập úng. Hiện nay, nhân dân địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả, khẩn trương thu hoạch sớm đối với một số diện tích ngô, lúa…
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn huyện Đại Từ tiếp tục có mưa to và gió giật mạnh, khiến mực nước ở nhiều sông, suối dâng cao, gây ngập úng cục bộ, chia cắt tại một số xã, thị trấn và trường học; nhiều hộ dân phải di dời người và tài sản...
Lực lượng chức năng xã Minh Tiến (Đại Từ) giúp nhân dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực bị ngập nước. |
Đến sáng 9-9, theo báo cáo sơ bộ, có 28 hộ dân bị tốc mái nhà ở, nhà bếp và xưởng sản xuất; gần 300ha lúa bị rạp đổ, ngập úng; 6,9ha cây ăn quả, gần 8ha rau màu, 2,5ha rừng bị gẫy đổ…; ước tính thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng.
Khu vực cầu Đá, xã Phục Linh (Đại Từ) ngập sâu trong nước. |
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, xuyên đêm 8-9, các đồng chí lãnh đạo huyện Đại Từ đã có mặt tại những nơi xung yếu, có nguy cơ sụt lún, sạt lở đất, lũ cuốn… để chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng giúp đỡ nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn, khắc phục hậu quả mưa lũ; ứng trực 24/24 giờ, kiên quyết không cho người dân lưu thông tại những đoạn đường ẩn chứa nguy hiểm, bảo vệ an toàn tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho nhân dân.
Sạt lở đất đồi tại xã Phú Lạc (Đại Từ). |
* Sáng 9-9, mực nước các sông, suối trên địa bàn TP. Sông Công tiếp tục dâng cao; có 7 điểm tại phường Lương Sơn bị ngập úng, chia cắt.
Lãnh đạo TP. Sông Công đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại cơ sở. |
Theo thống kê sơ bộ, mưa ngập gây thiệt hại về tài sản trên 5,4 tỷ đồng. Lãnh đạo TP. Sông Công đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng trực chốt tại các ngầm tràn, điểm xung yếu; lực lượng công an, dân quân tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Nhân dân phường Lương Sơn (TP. Sông Công) khẩn trương thu hoạch lúa bị hư hại do mưa bão. |
* Mực nước sông Cầu dâng cao đã gây ngập lụt trên diện rộng tại 8 xã ven sông ở huyện Phú Bình, gồm: Thượng Đình, Đào Xá, Bảo Lý, Nhã Lộng, Xuân Phương, Úc Kỳ, Nga My và Hà Châu.
Nông dân xã Thượng Đình (Phú Bình) khẩn trương thu hoạch lúa mùa, hạn chế thiệt hại. |
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phân công thành viên xuống các địa điểm ngập lụt để chỉ đạo chính quyền địa phương và nhân dân di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn (theo thống kê sơ bộ, 8 xã, thị trấn đã di dời người và tài sản của 87 hộ). Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã cấp 220 áo phao cứu sinh, 40 phao tròn và dây thừng, cọc tiêu, đèn báo cho 8 xã ven sông.
Chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 1 hỗ trợ người dân vùng ngập lụt ở huyện Phú Bình di chuyển tài sản đến nơi an toàn. |
Bên cạnh đó, ngay trong đêm 8-9, huyện đã có văn bản đề nghị Trường Quân sự Quân khu 1 điều động 200 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; hỗ trợ nhân dân thu hoạch cây trồng bị ngập úng. Hiện nay, các xã, thị trấn đang tiếp tục theo dõi mực nước sông Cầu để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với thiên tai.
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Phú Lương, trên địa bàn huyện có khoảng 254ha lúa, 7ha hoa màu, 3ha rừng tại các xã bị đổ, ngập úng, giá trị thiệt hại khoảng 646 triệu đồng.
Cầu tràn ở xóm Ao Sen, xã Động Đạt (Phú Lương) bị ngập, đã được đặt biển cấm người và phương tiện qua lại. |
Mưa lớn cũng làm sạt lở 9 điểm, ngập úng 26 điểm; các cầu tràn, đường tràn tại các xã, thị trấn đều bị ngập, không đi lại được. Trước tình hình trên, huyện đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng cắt cây bị đổ hoặc có nguy cơ đổ; đặt biển cảnh báo, hàng rào và cử lực lượng canh gác tại các khu vực bị ngập để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đồng thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lớn, ngập úng...
Báo Thái Nguyên sẽ tiếp tục cập nhật công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin