Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn

14:39, 12/08/2016

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Đề án nhằm xác định định hướng lộ trình mở cửa dòng vốn phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu kinh tế của Nhà nước, điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang đàm phán hoặc đã tham gia ký kết có liên quan đến lộ trình tự do hóa dòng vốn, góp phần thúc đẩy thu hút vốn nước ngoài, giám sát chặt chẽ các dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực trước biến động của các dòng vốn quốc tế. Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về quản lý dòng vốn vào - ra khỏi lãnh thổ Việt Nam...

 

Về nguyên tắc xây dựng lộ trình, Đề án nêu rõ, định hướng tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam không chịu ràng buộc bởi yêu cầu của các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Việt Nam có thể chủ động xây dựng định hướng tự do hóa giao dịch vốn trên cơ sở: Xu thế tất yếu của hội nhập các hoạt động đầu tư quốc tế; sự tương thích với mức độ sẵn sàng của nền kinh tế, mức độ phát triển và mở cửa của hệ thống tài chính; sự phù hợp với năng lực quản lý, cạnh tranh của Việt Nam.

 

Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam cần hướng tới mục tiêu hỗ trợ tính hiệu quả của hoạt động đầu tư, tính đồng bộ của chính sách vĩ mô, hướng tới thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm phát huy mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn và ổn định vĩ mô, tăng cường giám sát và dự báo biến động dòng vốn, tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Trong lộ trình tự do hóa dòng vốn, các chính sách cần hướng tới mục tiêu: Giảm thiểu các biện pháp can thiệp hành chính; chuyển sang áp dụng các biện pháp kinh tế tác động vào lợi ích của các chủ thể để điều chỉnh dòng vốn như chính sách thuế, lãi suất…; tăng cường hiệu quả các biện pháp giám sát an toàn vĩ mô (chế độ thông tin báo cáo, cảnh báo sớm, theo dõi qua tài khoản...); nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ, nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế.

 

Lộ trình tự do hóa cần đánh giá kỹ lưỡng những rủi ro của việc tự do hóa từng dòng vốn cụ thể, từ đó có biện pháp dự phòng không trái với các cam kết quốc tế, đảm bảo khả năng phòng vệ trước các cú sốc kinh tế, hạn chế sự bất ổn định và khủng hoảng do biến động dòng vốn không kiểm soát được mang lại. Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn không nhất thiết phải là việc xác định cụ thể thời điểm mở cửa cho một số dòng vốn cụ thể. Chính sách mở cửa dòng vốn cần linh hoạt theo điều kiện thực tế của nền kinh tế tại thời điểm, hoàn cảnh cụ thể.

 

Đề án cũng đưa ra định hướng cơ bản đối với lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn, trong đó đối với các giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chú trọng nâng cao chất lượng dòng vốn thông qua kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý, hoàn thiện cơ chế báo cáo và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý.

 

Đối với giao dịch vốn trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục định hướng kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

 

Đối với tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế như cho phép sử dụng đồng Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam, cho phép đồng Việt Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3 bằng đồng Việt Nam.

 

Việc xây dựng lộ trình cho tự do hóa dòng vốn cần được thực hiện đồng thời với việc xây dựng tổng thể các biện pháp phòng ngừa rủi ro và phòng vệ chính đáng nhằm hạn chế tối đa các tác động bất lợi, những bất ổn và rủi ro trong kinh tế, bao gồm: Nhóm biện pháp phòng ngừa rủi ro trước khủng hoảng; nhóm biện pháp phòng vệ chính đáng./.