Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Thái Nguyên (15/4/1947 - 15/4/2017)

10:40, 15/03/2017

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Thái Nguyên (15/4/1947 - 15/4/2017). Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải nội dung Đề cương này:

I. SƠ LƯỢC ĐẤT VÀ NGƯỜI THÁI NGUYÊN

 

Thái Nguyên là một tỉnh miền núi và trung du nằm ở phía Bắc vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có địa hình hiểm trở. Với những yếu tố tự nhiên, xã hội, con người và bề dày truyền thống yêu nước, Thái Nguyên giữ một vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng. Từ xa xưa vùng đất Thái Nguyên đã được ông cha ta coi là “Phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long”. Trong tài liệu “Khu giải phóng, một sự nghiệp vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Sẵn đường giao thông với quốc tế, liền với trung châu tam giác”, tức là có cái thế uy hiếp Hà Nội. Phía Đông có thể men theo rừng núi và tiến về Hà Đông hay liên lạc với Thanh-Nghệ. Đứng về địa thế mà luận, thực là một nơi dụng binh hiểm yếu, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thái Nguyên là một trong những địa phương được Đảng và Bác Hồ chọn để xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng Cứu quốc quân II, một trong những tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được chọn là trung tâm căn cứ địa kháng chiến, thủ đô kháng chiến của cả nước. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thái Nguyên được trực tiếp chọn làm hậu phương căn cứ địa.

 

Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm từ lâu đời, vùng đất Thái Nguyên (địa bàn thị xã Phổ Yên) còn là quê hương của Lý Bí (Vua Lý Nam Đế) người có công đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược dựng lên Nhà nước Vạn Xuân; nhân dân ta còn mãi mãi ghi công và lưu truyền về phò mã Dương Tự Minh, người con ưu tú của quê hương Thái Nguyên, một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung, báo quốc, làm việc nghĩa, chống gian tà; cuộc đời và sự nghiệp của ông là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong buổi đầu xây dựng quốc gia phong kiến Đại Việt. Thế kỷ XV, không cam chịu dưới gót giầy của quân xâm lược nhà Minh, nhân dân Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của Trần Nguyên Kháng, Nguyễn Đa Bá, Chu Sư Nhan, Bùi Quý Thăng, Dương Thế Chân, Ông Lão…đã liên tiếp nổi lên khởi nghĩa. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hoá), từ Thái Nguyên xa xôi, hai cha con Lưu Trung - Lưu Nhân Chú (ở huyện Đại Từ) đã tìm về Lam Sơn tụ nghĩa, trở thành một trong những người có mặt sớm nhất để tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Dưới triều Lê Mạc và Trịnh-Nguyễn, nhân dân Thái Nguyên liên tiếp nổi lên chống lại bọn vua quan thối nát mà tiêu biểu là chiến công của Quận Khúc và Nông Văn Vân còn mãi lưu truyền. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, từ cuối năm 1884 khi đánh chiếm Thái Nguyên chúng đã vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân Thái Nguyên. Tiêu biểu đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra đêm 30 rạng ngày 31/8/1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến chỉ huy, lãnh đạo. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của nhân dân Thái Nguyên lại được nhân lên gấp bội. Cuối năm 1936, tại xã La Bằng, huyện Đại Từ tổ chức Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được thành lập. Trong những năm 1939, 1940 tại Thái Nguyên cùng với sự hình thành các cơ sở cách mạng của Xứ uỷ và các Hội Phản đế…đã bắt đầu xuất hiện các nhóm thanh niên trung kiên tại các xã Tràng Xá, Lâu Thượng, Phú Thượng (Võ Nhai), Tổng Tiên Thù (Phổ Yên). Lực lượng thanh niên trung kiên vừa là hạt nhân nòng cốt cho đấu tranh chính trị, vừa là lực lượng chuẩn bị cho xây dựng các đội tự vệ. Năm 1940, tại tổng Tiên Thù (Phổ Yên) đội tự vệ đầu tiên của Thái Nguyên được thành lập gồm 8 thanh niên trung kiên được chọn lựa trong phong trào quần chúng, vũ khí được trang bị chủ yếu là dao, kiếm và súng kíp. Tiếp đó tại Võ Nhai, đội tự vệ huyện Võ Nhai cũng được thành lập. Khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) nổ ra tháng 9/1940 bị thực dân Pháp đàn áp dìm trong máu, lửa, 10 thanh niên trung kiên của đội tự vệ Võ Nhai đã tình nguyện lên Bắc Sơn cùng nghĩa quân chiến đấu chống lại sự đàn áp khủng bố của kẻ thù. Sau khi đội Cứu quốc quân I bị Pháp đàn áp, đại bộ phận phải rút khỏi căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai lên biên giới Việt - Trung, giữa vòng vây ép chặt của kẻ thù, ngày 15/9/1941 tại khu rừng Khuôn Mánh (Tràng Xá-Võ Nhai), trung đội Cứu quốc quân II gồm 47 cán bộ, chiến sỹ biên chế thành 5 tiểu đội do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy đã được thành lập. Qua 6 tháng chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, bị kẻ thù khủng bố hết sức dã man, tàn bạo, trung đội Cứu quốc quân II đã phát triển lực lượng lên 70 người, vũ khí trang bị tăng gấp 5 lần. Từ giữa tháng 3/1942, để bảo toàn và phát triển lực lượng, Cứu quốc quân II phân tán hoạt động sang các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ và lên biên giới Việt-Trung. Đến tháng 11/1944 lực lượng Cứu quốc quân ở Thái Nguyên đã phát triển lên tới 400 người. Sau ngày Nhật hất cẳng Pháp (9/3/1945), lực lượng Cứu quốc quân đã phối hợp với nhân dân nổi dậy đánh địch ở Võ Nhai và một số xã ở Đại Từ, Phú Lương…

 

Ngày 15/5/1945, tại khu rừng Thàn Mát, xã Định Biên Thượng, huyện Định Hoá, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (do Bác Hồ chỉ thị và đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập) và Đội Cứu quốc quân đã hợp nhất lại thành Việt Nam giải phóng quân.

 

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đội tự vệ vũ trang của các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình, Phổ Yên… đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Giải phóng quân chiến đấu dũng cảm đánh quân Nhật giải phóng thị xã Thái Nguyên, góp phần cùng nhân dân cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

 

II. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA LLVT TỈNH THÁI NGUYÊN

 

A. QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LLVT TỈNH THÁI NGUYÊN

 

1. Lực lượng vũ trang tỉnh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

 

Thực hiện đường lối vũ trang toàn dân của Trung ương Đảng, trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám, Thái nguyên đã xây dựng được lực lượng tự vệ khá mạnh, các huyện trong tỉnh đều thành lập được các đơn vị tự vệ tập trung.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, tích cực “diệt giặc dốt”, “diệt giặc đói”, “diệt giặc ngoại xâm”. Lực lượng du kích, tự vệ Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cuộc bầu cử Quốc hội khoá I Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên địa bàn tỉnh.

 

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Thái Nguyên trở thành trung tâm căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc “Thủ đô kháng chiến” của cả nước. Hầu hết các cơ quan trọng yếu, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ và Quân đội như: Đồng chí Trường Chinh, đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp…đã đến Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân cả nước kháng chiến, kiến quốc.

 

Thực hiện Thông tư số 33-TL/DB ngày 19/2/1947 của Bộ Quốc phòng. Ngày 15/4/1947, tại sân vận động thị xã Thái Nguyên (nay là TP Thái Nguyên). Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ thành lập và ra mắt Ban chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân (nay là Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên) với sự có mặt của đại diện lực lượng vũ trang các huyện, thị. Đồng chí Lê Văn Lương - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ủy viên quân sự Uỷ ban hành chính tỉnh, giữ chức Tỉnh đội trưởng kiêm chính trị viên; đồng chí Nguyễn Phương giữ chức Tỉnh đội phó, phụ trách công tác xây dựng lực lượng. Tháng 8/1947, Tỉnh uỷ phân công tiếp đồng chí Lê Xuyên - Trưởng ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh sang làm Chính trị viên Tỉnh đội.

 

Ngay sau khi thành lập, Tỉnh đội bộ dân quân đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh tập trung xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ vững chắc trung tâm căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.

 

Ngày 10/7/1947 với lực lượng khoảng 12.000 quân, 40 tàu chiến, ca nô và 40 máy bay các loại, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới, huyện lỵ Chợ Đồn mưu đồ của chúng nhằm đập tan cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực ta, khoá chặt biên giới Việt - Trung. Tỉnh đội Thái Nguyên đã đưa trung đội cảnh vệ của tỉnh lên phối hợp với quân, dân Bắc Kạn đánh địch ở Chợ Mới đồng thời gấp rút xây dựng được 8 trung đội du kích làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu trên địa bàn tỉnh.

 

Qua gần 1 tháng trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu (từ ngày 25/11 đến 21/12/1947) dân quân du kích và tự vệ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh 123 trận lớn, nhỏ tiêu diệt 490 tên địch và làm bị thương hàng trăm tên khác, bắn rơi tại chỗ 01 máy bay B24 thu nhiều vũ khí trang bị, góp phần quan trọng đánh bại cuộc tiến công đầy tham vọng của thực dân Pháp lên Việt Bắc Thu đông 1947. Bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến và Bác Hồ.

 

Cuộc tiến công lên Việt Bắc thu đông 1947 của thực dân Pháp bị thất bại nặng nề. Từ ngày 29/9 đến ngày 12/10/1950 giặc Pháp mở cuộc hành quân Hải cẩu (chó biển) huy động 4 tiểu đoàn với khoảng 3000 quân có máy bay, tàu chiến yểm trợ chia làm nhiều hướng tiến lên đánh chiếm Thái Nguyên. Kết quả gần nửa tháng chiến đấu với quân địch, nhân dân và lực lượng vũ trang Thái Nguyên đã đánh trên 60 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 1000 quân Pháp, phá huỷ 3 ca nô, tàu chiến, thu 160 súng bộ binh các loại và bắn rơi 01 máy bay, làm thất bại hoàn toàn cuộc hành quân “chó biển” của địch bảo vệ an toàn trung tâm căn cứ địa “Thủ đô kháng chiến” của cả nước.

 

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã có gần 32.500 người tham gia dân quân, du kích, tự vệ chiến đấu, hơn 17.800 người đã tòng quân đánh giặc; có hơn 1.600 người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, hơn 1.120 người là thương bệnh binh.

 

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, 63 tập thể, 03 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

 

2. Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975).

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Thái Nguyên tiếp tục được Trung ương chọn làm tỉnh để xây dựng hậu phương căn cứ địa (Hậu phương trong hậu phương lớn). Nhiều cơ sở kinh tế, văn hoá xã hội, nhiều công trình quốc phòng quan trọng được Trung ương cho triển khai xây dựng trên đất Thái Nguyên. Thái Nguyên có hệ thống giao thông có ý nghĩa chiến lược quan trọng nối liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và quốc tế. Chính vì vậy mà Thái Nguyên là một địa bàn trọng điểm tập trung đánh phá của máy bay địch.

 

Từ tháng 2/1965, đế quốc Mỹ chính thức phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc. Tám tháng sau đó, ngày 17/10/1965, chúng leo thang đánh phá Thái Nguyên. Trong cuộc chiến tranh này, đế quốc Mỹ đã huy động 4.000 lần chiếc máy bay các loại (có 69 lần chiếc B52) đánh phá Thái Nguyên trên 1.900 trận, trong 297 ngày và 70 đêm, thả gần 15.000 quả bom phá (tương đương 5.000 tấn). Riêng Thành phố Thái Nguyên chúng đã huy động tới 2.056 lần chiếc trong đó có 69 lần chiếc B52, tiến hành 269 phi vụ, ném 6.658 quả bom, trên 10 vạn quả bom bi, bắn hàng trăm quả tên lửa và rốc két, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Nhưng tỉnh Thái Nguyên chẳng những không bị huỷ diệt mà còn hiên ngang đứng vững như một chiến luỹ anh hùng. Quân và dân tỉnh Thái Nguyên đã chiến đấu hơn 400 trận, bắn rơi 61 máy bay các loại, trong đó có 02 chiếc B52, 01 chiếc máy bay trinh sát điện tử EB 66, tháo gỡ hàng trăm quả bom từ trường, bom nổ chậm, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái.

 

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Thái Nguyên đã có 48.278 người nhập ngũ, có mặt chiến đấu trên khắp các chiến trường 3 nước Đông Dương, trong số đó 7.792 người đã hy sinh vì Tổ quốc, gần 7.800 người đã để lại một phần xương máu ở chiến trường. Toàn tỉnh có gần 3.000 gia đình có 2 đến 5 người tòng quân, hàng trăm gia đình có từ 3 liệt sỹ hoặc có một con độc nhất đã hy sinh. Trong 10 năm (1965 -1975) bình quân mỗi năm Thái Nguyên đóng góp cho Nhà nước 20.000 tấn lương thực. Đây là sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên vào thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.

 

Do những cống hiến trên đây, nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Thái Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng; 01 Huân chương Hồ Chí Minh; 01 Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Riêng các đồng chí tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam đã được tặng gần 11 ngàn Huân chương chiến sỹ giải phóng; 18 đơn vị và 09 cá nhân được tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân.

 

* Những trận đánh và tấm gương tiêu biểu của LLVT Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

 

Ngày 17/10/1965, đế quốc Mỹ tập trung nhiều máy bay và bom đạn đến đánh phá ác liệt cầu Gia Bẩy (TP Thái Nguyên), cán bộ, chiến sỹ trung đội 2 tự vệ khu phố Hoàng Văn Thụ làm nhiệm vụ trực chiến trên đồi Két Nước, chỉ với 01 súng máy và 6 súng trường bộ binh đã đánh trả quyết liệt, tạo điều kiện cho các đơn vị cao xạ bảo vệ TP Thái Nguyên bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Khi máy bay địch ném bom vào trận địa, Toàn bộ cán bộ, chiến sỹ trung đội 2 khu phố Hoàng Văn Thụ đã bình tĩnh nhằm thẳng vào các tốp máy bay địch nổ súng đánh trả cho tới khi cả trung đội bị thương vong. Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất và dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ trung đội 2 mãi mãi là tấm gương sáng ngời để mọi người noi theo.

 

Trong trận chiến đấu ngày 17/10/1965, khi góc bắn hạn chế, đồng chí Đoàn Văn Bảo (tự vệ HTX cơ khí Bắc Nam đã dũng cảm leo lên thành công sự lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn máy bay địch; nữ y tá Nguyễn Thị Dung bị sức ép của bom, áo quần rách hết vẫn dũng cảm lao lên trận địa cứu chữa thương binh;  

 

Ngày 29/4/1966, giặc Mỹ tập trung máy bay, bom đạn đánh phá khu Gang thép Thái Nguyên. Các lực lượng dân quân, tư vệ, bộ đội địa phương đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, làm tốt nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bắn rơi 2 máy bay phản lực của Mỹ, trong đó có chiếc máy bay Mỹ thứ 1000 rơi tại cánh đồng làng Chùa xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Với chiến công tham gia bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1000 trên miền Bắc, quân và dân Thái Nguyên đã được tặng cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bác Hồ trao tặng.

 

Ngày 01/8/1966, 6 cán bộ, chiến sỹ thuộc trung đội dân quân xã Hà Thượng, huyện Đại Từ do đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm trung đội trưởng và đồng chí Nguyễn Hùng Xuân làm chính trị viên, đã nổ súng kịp thời vào một tốp 2 máy bay địch, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay phản lực RF4c bằng 18 viên đạn súng bộ binh.

 

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm: Chị Lèng Thị Côn (nữ dân quân huyện Phú Lương) khi máy bay địch bắn phá trận địa tên lửa, lửa cháy dần tới nơi để đạn, không sợ hy sinh, chị đã kêu gọi anh, chị em dân quân cùng với mình dũng cảm lao vào dập lửa cứu đạn, cứu trận địa; chị Nguyễn Thị Hiền (dân quân Đồng Quang), đang làm nhiệm vụ trên đài quan sát thì máy bay đánh vào trận địa, bị thương nặng nhưng vẫn không rời vị trí; anh Trần Minh Giang (chính trị viên trung đội dân quân xã Gia Sàng) đang chiến đấu thì nhà bị máy bay địch bắn cháy, đơn vị cho về cứu chữa nhưng anh đã trả lời “Nhiệm vụ của tôi lúc này là bắn máy bay Mỹ, công việc ở nhà đã có bà con HTX”; em Nguyễn Thị Thu (ở Quan Triều) đang gánh 2 thùng nước sôi lên trận địa cho bộ đội uống thì máy bay địch đánh phá trận địa, em bị ngã xuống hố cá nhân, cả 2 thùng nước sôi đổ vào người và em đã hy sinh dũng cảm trong niềm thương tiếc của mọi người…chị Phạm Thị Ngồng( dân quân xã Văn Yên, huyện Đại Từ), dùng cào cỏ cùng anh Ngô Trung Liên (xã đội trưởng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ) dùng gậy gẩy rơm dũng cảm lao vào bắt sống phi công Mỹ…

 

3. Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (1975-1986)

 

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với quân và dân cả nước lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Thái Nguyên bước vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Trước yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tư lệnh Quân khu 1. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh đã đưa lực lượng lên biên giới trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, Thái Nguyên còn đưa gần 2 vạn cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ lên xây dựng các công trình phòng thủ chiến đấu trên dọc tuyến quốc lộ 3A và 1B. Đào đắp 437.544m3 đất đá, làm 17 trận địa phòng ngự cấp trung đoàn và tiểu đoàn, đào gần 1000 hầm chiến đấu, 10.000 hố cá nhân; góp phần to lớn cùng quân và dân các tỉnh biên giới bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam, phía Bắc của Tổ quốc, Bộ CHQS tỉnh có 5 đơn vị, 44 cán bộ chiến sĩ được tặng thưởng huân, huy chương các loại; trong đó Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 197) được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Thái Nguyên đã có 2 người con ưu tú lập công xuất sắc được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

 

5. Lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên trong sự nghiệp đổi mới của đất nước (từ 1986 đến nay).

 

Vừa chiến đấu vừa xây dựng, lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên lớn mạnh về số lượng không ngừng nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; Phát huy truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức Đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ QP-QSĐP xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Trong thời kỳ đổi mới có 2 đơn vị và 03 cá nhân được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” đó là: LLVT nhân dân huyện Đại Từ và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thái Nguyên); về cá nhân có đồng chí Dương Như Thực (quê: xã Cải Đan-TX Sông Công-Thái Nguyên), đồng chí Nguyễn Văn Tiền (quê: xã Tân Khánh-Phú Bình- Thái Nguyên), đồng chí Nguyễn Văn Nhất (quê: xã Bình Sơn-TP Sông Công-Thái Nguyên).

 

Lực lượng vũ trang tỉnh được Đảng và Nhà nước tặng 3 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, hạng Nhất, Nhì, Ba. Hai năm liền được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc (năm 2015, 2016).

 

B. PHÁT HUY BẢN CHẤT TRUYỀN THỐNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG VÀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG, QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LLVT TỈNH NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH

 

Ngày nay công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội lớn, đồng thời đan xen những nguy cơ thách thức đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 

Để xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định mục tiêu con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; thường xuyên củng cố nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, làm cho cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; luôn luôn là lực lượng chính trị trung thành tin cậy của Đảng, của nhân dân; không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cánh mạng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn và kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “DBHB”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; thường xuyên duy trì nghiêm các chế độ SSCĐ, không bị bất ngờ trong mọi tình huống, chống mọi biểu hiện mơ hồ mất cảnh giác, chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt để xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh, mọi cá nhân và tổ chức đều sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh. Góp phần xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Thực hiện tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường giáo dục rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương có quân số hợp lý có trình độ chiến đấu cao, xây dựng lực lượng dự bị động viên rộng khắp luôn luôn là lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, đáp ứng với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.

 

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo, tiếp tục đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống cho bộ đội. Quản lý, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật; làm tốt công tác quản lý kho tàng không để mất mát, cháy nổ xảy ra; thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng uỷ Quân khu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng LLVT tỉnh ngày càng trưởng thành về mọi mặt.

 

Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh việc phát triển kinh tế - xã hội một cách vững chắc, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và hành động phá hoại của kẻ thù; giữ vững tình đoàn kết gắn bó tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn, kiên quyết tiến công đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực nảy sinh; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên CNXH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm và hành động của nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân, thực hiện quân với dân một ý chí trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

70 năm là quãng thời gian chưa phải dài của lịch sử nhưng cũng đủ để mỗi chúng ta nhận rõ vị trí, ý nghĩa và vai trò to lớn của LLVT tỉnh trong sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. 70 năm không ngừng xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh đã và đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống của quê hương “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”, làm rạng rỡ thêm trang sử vàng truyền thống mà các thế hệ cha anh đã gây dựng nên. Xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng- an ninh, tiến bộ về văn hoá xã hội, vững bước trên con đường đổi mới để xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hơn, to đẹp hơn như lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu./.

 

 

 

Phụ lục

Danh sách các tập thể và cá nhân thuộc tỉnh Thái Nguyên được
tuyên dương danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”

 

A. Danh sách 83 tập thể được tuyên dương danh hiệu “ Đơn vị anh hùng LLVT nhân dân”:

 

I. Thời kỳ chống Pháp:  63 tập thể, gồm:

 

1. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

 

2. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Võ Nhai.

 

3. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Định Hoá.

 

4. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đại Từ.

 

5. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Bình.

 

6. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phổ Yên.

 

7. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Lương.

 

8. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đồng Hỷ.

 

9. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai).

 

10. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Lâu Thượng (huyện Võ Nhai).

 

11. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã La Hiên (huyện Võ Nhai).

 

12. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai).

 

13. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Liên Minh (huyện Võ Nhai).

 

14. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phú Đình (huyện Định Hoá).

 

15. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hoá).

 

16. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bảo Linh (huyện Định Hoá).

 

17. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Quy Kỳ (huyện Định Hoá).

 

18. Nhân dân và Lưc lượng vũ trang nhân dân xã Điềm Mặc (huyện Định Hoá).

 

19. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Định Biên (huyện Định Hoá).

 

20. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Thanh Định (huyện Định Hoá).

 

21. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Thành (huyện Định Hoá).

 

22. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Đồng Thịnh (huyện Định Hoá).

 

23. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phượng Tiến (huyện Định Hoá).

 

24. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bộc Nhiêu (huyện Định Hoá).

 

25. Nhân dân và Lưc lượng vũ trang nhân dân xã Kim Phượng (huyện Định Hoá).

 

26. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Sơn Phú (huyện Định Hoá).

 

27. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phú Tiến (huyện Định Hoá).

 

28. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Yên (huyện Định Hoá).

 

29. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Trung Lương (huyện Định Hoá).

 

30. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Cù Vân (huyện Đại Từ).

 

31. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Yên Lãng (huyện Đại Từ).

 

32. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ).

 

33. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Lục Ba (huyện Đại Từ).

 

34. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ).

 

35. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã La Bằng (huyện Đại Từ).

 

36. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã An Khánh (huyện Đại Từ).

 

37. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Quân Chu (huyện Đại Từ).

 

38. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bản Ngoại (huyện Đại Từ).

 

39. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Văn Yên (huyện Đại Từ).

 

40. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Minh Tiến (huyện Đại Từ).

 

41. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Lương Phú (huyện Phú Bình).

 

42. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Kha Sơn (huyện Phú Bình).

 

43. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Hoà (huyện Phú Bình).

 

44. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Hà Châu (huyện Phú Bình).

 

45. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Đức (huyện Phú Bình).

 

46. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình).

 

47. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Dương Thành (huyện Phú Bình).

 

48. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Hương Sơn (huyện. Phú Bình).

 

49. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tiên Phong (huyện Phổ Yên).

 

50. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ).

 

51. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ).

 

52. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Động Đạt (huyện Phú Lương).

 

53. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phấn Mễ (huyện Phú Lương).

 

54. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Ôn Lương (huyện Phú Lương).

 

55. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Hợp Thành (huyện Phú Lương).

 

56. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Yên Trạch (huyện Phú Lương).

 

57. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phủ Lý (huyện Phú Lương).

 

58. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Vô Tranh (huyện Phú Lương).

 

59. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Sơn (Thị xã Sông Công).

 

60. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Cương (TP Thái Nguyên).

 

61. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Thịnh Đức (TP Thái Nguyên).

 

62. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân Ph. Thịnh Đán (TP Thái Nguyên).

 

63. Cán bộ, công nhân và Lực lượng tự vệ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ.

 

II. Thời kỳ chống Mỹ:  18 tập thể, gồm:

 

1. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Thái Nguyên.

 

2. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân ph. Hoàng Văn Thụ (TP T. Nguyên).

 

3. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân Ph. Gia Sàng (TP Thái Nguyên).

 

4. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân Ph. Cam Giá (TP Thái Nguyên).

 

5. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân Ph. Phú Xá (TP Thái Nguyên).

 

6. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân Ph. Quan Triều (TP Thái Nguyên).

 

7. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Quyết Thắng (TP Thái Nguyên).

 

8. Cán bộ, công nhân và Lực lượng tự vệ Công ty gang thép Thái Nguyên.

 

9. Cán bộ, công nhân và Lực lượng tự vệ Nhà máy điện Cao Ngạn (nay là Điện lực Thái Nguyên).

 

10. Lực lượng tự vệ Ty Bưu Điện Thái Nguyên.

 

11. Trường công nhân Bưu điện Miền núi.

 

12. Xí Nghiệp than Khánh Hoà- thuộc C.ty than nội địa - Tổng C.ty than VN.

 

13. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Trung Thành (huyện Phổ Yên).

 

14. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Hà Thượng (huyện Đại Từ).

 

15. Nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Phúc Chu (huyện Định Hoá).

 

16. Công an thành phố Thái Nguyên.

 

17. Phòng Bảo vệ Chính trị 4 (Công an tỉnh Thái Nguyên).

 

18. Đại đội 915 Thanh niên xung phong

 

 III. Thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới: 02 tập thể, gồm:

 

1. Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Đại Từ.

 

2. Phòng Cảnh sát Hình sự (Sở Công an tỉnh Thái Nguyên).

 

B. Danh sách 17 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (có sinh quán, trú quán trên địa bàn tỉnh được tuyên dương danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng Lao động” gồm :

 

1. Đồng chí Dương Quảng Châu (Anh hùng thời kỳ chống Pháp), sinh tháng 10/1927, quê quán: Hoàng Hanh - Phù Tiên - Hưng Yên; trú quán:  xã Thành Công - Phổ Yên- Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 07/5/1956.

 

2. Đồng chí Đàm Văn Ngụy (Anh hùng thời kỳ chống Pháp), sinh tháng 5/1928, quê quán: Minh Khai - Thạch An - Cao Bằng; trú quán: Phường Hoàng Văn Thụ- thành phố Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 07/5/1956.

 

3. Đồng chí Triệu Văn Báo (Anh hùng thời kỳ chống Pháp), sinh năm 1932, quê quán: Chí Viễn - Trùng Khánh - Cao Bằng; trú quán: xã Nam Tiến - Phổ Yên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 07/5/1956.

 

4. Đồng chí Phạm Thanh Ngân (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh năm 1939, quê quán: xã Lương Phú - Phú Bình- Thái Nguyên; trú quán: Đường Trường Chinh -  Đống Đa - Hà Nội. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 18/6/1969.

 

5. Đồng chí Trần Thế Lại (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh năm 1933 tại Thái Lan, quê quán: Quảng Tiến - Quảng Trạch - Quảng Bình; trú quán: Thị trấn Chùa Hang - Đồng Hỷ- Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/12/1979.

 

6. Đồng chí Ngô Văn Sơn (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh tháng 3/1947; quê quán, trú quán: xã Đồng Bẩm - Đồng Hỷ - Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 03/6/1976.

 

7. Đồng chí Hoàng Văn Nghiên (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh năm 1939, quê quán: Sông Bằng - thị xã Cao Bằng; trú quán: Phường Trưng Vương - thành phố Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 01/01/1967.

 

8. Đồng chí Ma Văn Viên (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh năm 1941, quê quán, trú quán: xã Tân Dương - Định Hoá - Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25/8/1970.

 

9. Đồng chí Trần Xuân Thiện (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), quê quán, trú quán: xã Phấn Mễ- Phú Lương- Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 06/11/1978.

 

10. Đồng chí Phạm Viết Đức (Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh tháng 6/1936, quê quán: xã Hoàng Liêm - Hoàng Hoá - Thanh Hoá; trú quán: Phường Tân Thịnh - thành phố Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 01/10/1971.

 

11. Đồng chí Âu Văn Hùng (Anh hùng thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), sinh năm 1945, quê quán: xã Sơn Phú - Định Hoá - Thái Nguyên; trú quán: quận Đống Đa - TP Hà Nội. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/12/1979.

 

12. Đồng chí Nguyễn Duy Nhất (Anh hùng thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), sinh tháng 10/1959; quê quán, trú quán: xã Liên Minh - Võ Nhai - Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 20/12/1979.

 

13. Liệt sĩ Dương Như Thực (Anh hùng thời kỳ đổi mới), sinh ngày 19/5/1957; quê quán, trú quán: xã Cải Đan - thị xã Sông Công - Thái Nguyên, đơn vị Công an huyện Phú Lương, hy sinh ngày 04/12/1991. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22/7/1998.

 

14. Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiền (Anh hùng thời kỳ đổi mới), sinh ngày 24/4/1961; quê quán, trú quán: xã Tân Khánh - Phú Bình - Thái Nguyên, đơn vị Công an huyện Phú Lương, hy sinh ngày 28/9/1990. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22/7/1998.

 

15. Liệt sĩ Nguyễn Văn Nhất (Anh hùng thời kỳ đổi mới), sinh ngày 21/8/1959, quê: xã Bình Sơn - TX Sông Công - Thái Nguyên; trú quán: Phường Đồng Quang- thành phố Thái Nguyên; đơn vị Phòng Cảng sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên, hy sinh ngày 04/12/1991. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 22/7/1998.

 

16. Đồng chí Nguyễn Mai Tâm (Anh hùng Lao động thời kỳ chống Mỹ), sinh năm 1933; quê quán, trú quán: xã Đông Cao - Phổ Yên - Thái Nguyên. Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 04/5/1962.

 

17. Đồng chí Vũ Văn Xuân (Vũ Xuân – Anh hùng thời kỳ chống Mỹ), sinh ngày 25/4/1946, quê quán Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, hy sinh ngày 13/5/1974. Được truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân ngày 27/4/2015 (QĐ 2557 ngày 9/10/2014 của Chủ tịch nước)