Ngày 27/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về thực hiện Đề án duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Thái Nguyên năm 2017. Dưới đây là nội dung Kế hoạch này.
1. Mục tiêu
- Duy trì 8 cơ sở điều trị và 12 cơ sở cấp phát thuốc hiện có và mở mới 1 cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Định Hóa.
- Số bệnh nhân được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đạt 3.000 người vào cuối năm 2017.
2. Giải pháp
2.1. Công tác lãnh đạo và chỉ đạo
- Tăng cường vai trò giám sát, chỉ đạo của hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp và Ban chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp.
- Tăng cường công tác quản lý người sử dụng ma túy tại cơ sở xã, phường, thị trấn. Phát huy vai trò và trách nhiệm của gia đình có người nhà tham gia điều trị Methadone, tăng cường hỗ trợ tuân thủ điều trị, hỗ trợ tâm lý, giải quyết việc làm cũng như những khoản đóng góp khi tiến hành triển khai xã hội hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.
2.2. Công tác truyền thông
Áp dụng nhiều biện pháp truyền thông cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ lợi ích của điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone bao gồm truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, cấp phát các loại tài liệu truyền thông tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị Methadone, tại các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh.
2.3. Nhân lực và đào tạo
Đảm bảo đầy đủ người lao động làm hợp đồng tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc theo đúng yêu cầu về nhân lực của cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc theo quy định tại Thông tư 12/2015/TT-BYT và Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
3. Nội dung và kinh phí thực hiện năm 2017
3.1. Cải tạo cơ sở vật chất - trang thiệt bị
Mở mới 01 cơ sở cấp phát thuốc tại xã Bình Yên huyện Định Hóa:
- Cải tạo 1 khu của trạm y tế xã Bình Yên làm cơ sở cấp phát thuốc
- Mua sắm trang thiết bị y tế, văn phòng
- Mua bơm thuốc
Kinh phí: 114.000.000 đồng.
3.2. Nhân lực
- Cử cán bộ kiêm nhiệm ở những vị trí chủ chốt và tuyển cán bộ hợp đồng hưởng lương từ ngân sách địa phương để đảm bảo nhân lực theo quy định tại Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 25/6/2015 của UBND tỉnh
- Tiền công chi cho người lao động hợp đồng (Tính theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng); Tiền trực (Ngày lễ, tết, thứ bẩy và chủ nhật)
Kinh phí: 5.077.000.000 đồng.
3.3. Chi thường xuyên:
Nội dung chi thường xuyên bao gồm: Chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, dụng cụ văn phòng, vật tư tiêu hao, Internet, bơm thuốc MMT …
Kinh phí: 528.000.000 đồng.
3.3. Truyền thông
Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp, tuyên truyền tại các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh.
- Truyền thông qua thông tin đại chúng:
+ Phát trên truyền hình tỉnh 4 lần/năm
+ Phát trên loa phát thanh xã/phường: 6 lần/xã, phường/năm
- Truyền thông trực tiếp:
+ Tuyên truyền kiến thức cơ bản về điều trị MMT cho cán bộ chủ chốt xã/phường.
+ Hội nghị tuyên truyền điều trị MMT cho xã/phường (Trưởng xóm/tổ nhân dân; y tế thôn bản, đại diện gia đình người nghiện; bệnh nhân …).
Kinh phí: 65.000.000 đồng
3.4. Chi khám, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, thuốc
Khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; các xét nghiệm cơ bản. Ngân sách địa phương hỗ trợ 95% cho các đối tượng chính sách các nội dung khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, thuốc MMT…
Kinh phí: 2.267.000.000 đồng.
3.5. Giám sát hỗ trợ kỹ thuật:
- Hỗ trợ điều trị, hỗ trợ khởi liều
- Giám sát thường quy, hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tới các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc; Giám sát kiểm tra liên ngành gồm: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh…
Kinh phí: 119.000.000 đồng
4. Tổng kinh phí năm 2017
- Tổng số: 8.170.000.000 đồng.
- Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương
5. Tổ chức thực hiện:
5.1. Sở Y tế
- Chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị y tế, cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch năm 2017.
- Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS:
+ Tổ chức triển khai kế hoạch năm 2017, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật điều trị cho các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh.
+ Lập kế hoạch giám sát và giám sát hoạt động của các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc, kịp thời báo cáo với Sở Y tế.
+ Tham gia việc thanh tra, kiểm tra, theo dõi hoạt động của các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh.
5.2. Công an tỉnh
- Phối hợp với Ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể khác trong việc triển khai các hoạt động của kế hoạch năm 2017.
- Chỉ đạo Công an huyện/thành phố/thị xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã hội đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, hỗ trợ bảo vệ các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone, giữ gìn trật tự và quản lý người bệnh tham gia điều trị bằng thuốc Methadone.
5.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp cùng Sở Y tế chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động điều trị thay thế; tham mưu cho UBND tỉnh điều phối tốt chỉ tiêu điều trị Methadone với chỉ tiêu điều trị, cai nghiện ma túy dưới các hình thức khác, đảm bảo quyền và lợi ích cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
5.4. Sở Tài chính: Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
5.5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã tổ chức triển khai các hoạt động của kế hoạch năm 2017. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ tâm lý, xã hội cho người tham gia điều trị Methadone trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Thái Nguyên năm 2017./.