Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2017-2018

15:52, 27/10/2017

Ngày 25/10/2017, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2017-2018. Dưới đây là nội dung Chỉ thị này:

Trong thời gian qua, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh cao. Trong 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 04 vụ cháy rừng (tại Vườn Quốc gia Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ ) với tổng diện tích thiệt hại là 9,41 ha. Nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hiện nay đã bước vào mùa khô hanh, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2017-2018; sau khi xem xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2437/SNN-KHTC ngày 05/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chương trình hành động số          17-TTr/TU ngày 22/9/2017 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 17/02/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020,…

   - Chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại hiện trường nhanh chóng tổ chức dập tắt đám cháy; trường hợp vượt quá khả năng xử lý phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp để có sự chi viện, ứng cứu kịp thời. Nếu địa phương nào để xảy ra cháy rừng mà không chỉ đạo, xử lý kịp thời, gây thiệt hại lớn thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tại địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tổ chức kiện toàn và ban hành quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 cấp huyện và cấp xã, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn với địa bàn trực tiếp chỉ đạo; củng cố, kiện toàn các tổ, đội phòng cháy chữa cháy rừng ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại các địa phương.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp độ nguy cơ cháy rừng; chỉ đạo các cơ quan thông tin và truyền thông địa phương tăng thời lượng đưa thông tin dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng để chủ rừng, người dân biết và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Chủ động rà soát xây dựng đường băng cản lửa; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của cấp huyện, cấp xã, công ty lâm nghiệp và các chủ rừng đảm bảo đầy đủ dụng cụ, vật tư, phương tiện chữa cháy tại chỗ.

- Triển khai ký kết và tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa các lực lượng cấp huyện, xã (nòng cốt là lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm) trong công tác hiệp đồng phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo thực hiện tốt các cuộc diễn tập bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động canh tác nương rẫy và xử lý thực bì trồng rừng, quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương, xử lý thực bì và những hành vi sử dụng lửa khác trong rừng trong thời kỳ khô hạn, nắng nóng kéo dài.

- Đối với các địa phương có diện tích rừng nguy cơ cháy rừng cao, UBND cấp huyện chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, UBND cấp xã tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện nghiêm chế độ thường trực canh phòng lửa rừng tại các khu vực trọng điểm cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, chuẩn bị tốt phương án 4 tại chỗ trong phòng cháy, chữa cháy rừng để chủ động huy động lực lượng ứng cứu nhanh các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:

+ Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 17/02/2017; chủ động, kịp thời xử lý các tình huống khi xảy ra cháy rừng.

+ Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Chỉ thị số 10/2016/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chương trình hành động số 17-TTr/TU ngày 22/9/2017 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên về việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng,…

+ Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức điều tra, xử lý và tham mưu cho các cấp chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

+ Phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, xây dựng đường băng cản lửa; tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng của cấp huyện, cấp xã, các công ty lâm nghiệp và các chủ rừng đảm bảo phương châm 4 tại chỗ; phân vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.

+ Chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, quân đội thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra, kiểm soát tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao,để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy và cháy lớn; huy động và tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện chữa cháy rừng để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.

+ Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của ngành để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng I, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng.

+ Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình cháy rừng về Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định và trong trường hợp cần thiết.

3. Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Tổ chức thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, thông báo cấp dự báo cháy rừng trên sóng truyền thanh, truyền hình.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN VĂN CHỈ THỊ NÀY