Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam; bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền chung... là những điểm mới tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định 27/2018/NĐ-CP đã đưa các nội dung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền ".vn" từ Thông tư lên Nghị định cho phù hợp quy định của Luật Đầu tư.
Cụ thể, Nghị định mới đã đưa vào những nội dung liên quan đến điều kiện và thủ tục hành chính về kinh doanh dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”; thủ tục hành chính liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam quy định tại Thông tư 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015; đồng thời bãi bỏ các nội dung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Thông tư để đảm bảo sự đồng bộ, đầy đủ và nhất quán với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Nghị định 27/2018/NĐ-CP quy định, nhà đăng ký tên miền ".vn" là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, bao gồm: i) Nhà đăng ký tên miền “.vn” là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam: được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn” cho chủ thể tại Việt Nam và ở nước ngoài; ii) Nhà đăng ký tên miền “.vn” là tổ chức ở nước ngoài ký hợp đồng với Nhà đăng ký tên miền chính thức của ICANN: được cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền “.vn”ở nước ngoài. Các doanh nghiệp muốn trở thành Nhà đăng ký tên miền “.vn” phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị trở thành Nhà đăng ký tên miền “.vn” được quy định chi tiết tại Khoản 5 Điều 1 của Nghị định 27.
Để quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký duy trì tên miền quốc tế, Nghị định bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam như:
Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam phải quản lý thông tin về tổ chức, cá nhân ở Việt Nam đăng ký tên miền quốc tế tại đơn vị mình; hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền quốc tế thông báo việc sử dụng tên miền quốc tế theo quy định; cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý vụ việc liên quan tới tên miền quốc tế mà mình quản lý.
Liên quan tới báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam, Nghị định 27 đã Sửa đổi, bổ sung Khoản 3d, 3đ Điều 15: Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam phải gửi báo cáo việc cung cấp dịch vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam), đồng thời gửi kèm theo bản dịch được công chứng hợp đồng ký với Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN hoặc hợp đồng ký với nhà đăng ký tên miền chính thức (Accredited Registrar) của Tổ chức quản lý tên miền quốc tế để cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam; hàng quý, Nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam báo cáo danh sách cập nhật các tên miền quốc tế mà mình đang quản lý về Trung tâm Internet Việt Nam trên môi trường mạng theo hướng dẫn chi tiết tại địa chỉ www.thongbaotenmien.vn.
Bảo vệ quyền lợi quốc gia trong sử dụng tên miền chung mới cấp cao
Ngoài ra, Nghị định 27/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD).
Cụ thể, tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD) là tên miền chung cấp cao nhất (gTLD) được Tổ chức quản lý tên miền quốc tế - ICANN mở rộng cấp phát trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân trên thế giới theo chương trình mở rộng đuôi tên miền dùng chung cấp cao nhất của ICANN (chương trình New gTLD). Việc phát triển Chương trình đăng ký tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD) đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xung đột về quyền lợi và tác động tới chính sách quản lý của các quốc gia trong đó có Việt Nam, như: Xung đột quyền lợi quốc gia Việt Nam từ các tên miền New gTLD; khả năng xung đột quyền lợi quốc gia từ mở rộng cấp phát các tên miền cấp 2 dưới New gTLD.
Nghị định số 27/2018/NĐ-CP quy định các nội dung về tiêu chí, nguyên tắc là sở cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi quốc gia Việt Nam trong đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD, bao gồm: Tên miền là tên quốc gia, mã quốc gia Việt Nam; tên miền có các cụm từ là tên gọi, tên viết tắt của Việt Nam qua các thời kỳ, thể hiện hình ảnh quốc gia của Việt Nam; tên miền là tên địa danh, tên các địa bàn thuộc khu vực biên giới biển, khu vực biên giới đất liền, khu vực biên giới trên không của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam; tên miền là tên các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tên miền là tên các địa danh của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; tên miền là tên di tích quốc gia và tên di tích quốc gia đặc biệt, tên bảo vật quốc gia, tên di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tên các biểu tượng văn hóa quốc gia, tên khu du lịch quốc gia Việt Nam; tên miền là tên gọi các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; tên miền có các cụm từ cần phải bảo vệ theo các quy định về an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Việt Nam; tên miền là tên các danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ của Việt Nam; các tên miền khác do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Nghị định còn quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia liên quan tới tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD được xác định rõ trong Khoản 2 của Điều 12a. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện thẩm định các yêu cầu đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD; thực hiện biện pháp phản đối tới ICANN hoặc các tổ chức quản lý tên miền cấp cao quốc tế trong trường hợp các tổ chức này cho đăng ký, sử dụng các tên miền có thể xâm phạm lợi ích quốc gia theo các tiêu chí được quy định tại Khoản 1 Điều 12a.
Các bộ, ngành, tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, đơn vị liên quan lập danh mục, theo dõi việc đăng ký, sử dụng các tên miền thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị theo các tiêu chí đã được quy định; đề xuất kinh phí để thực hiện việc đăng ký sử dụng tên miền cần bảo vệ trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước để thực hiện bảo vệ quyền lợi quốc gia; tham gia thẩm định yêu cầu đăng ký, sử dụng tên miền New gTLD và tên miền cấp hai dưới New gTLD theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Tài chính thẩm định và bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động đăng ký sử dụng tên miền.
Nghị định 27/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2018.