Doanh nghiệp nhà nước phải công khai trong nội bộ doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của doanh nghiệp; nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động;...
Luật số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định những nội dung doanh nghiệp nhà nước phải công khai.
Cụ thể, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nhà nước phải công khai trong nội bộ doanh nghiệp các nội dung sau đây:
Tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan;
Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;
Các thỏa ước lao động tập thể mà doanh nghiệp đã ký kết, tham gia;
Việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có);
Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;
Quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp;
Các nội dung khác về thông tin tài chính, quản lý tài sản công, về công tác cán bộ theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Khuyến khích doanh nghiệp nhà nước công khai các thông tin về việc bảo đảm đạo đức, văn hóa kinh doanh, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Hình thức và thời điểm công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước
Luật cũng quy định các hình thức công khai thông tin bao gồm (*):
1- Niêm yết thông tin;
2-Thông báo tại hội nghị người lao động; tại hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động tại cơ sở (nếu có); tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp;
3-Thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động;
4- Thông qua người phụ trách các đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp để thông báo đến người lao động;
5- Thông báo bằng văn bản đến Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) để thông báo đến người lao động;
6- Thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
7- Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và được sự thống nhất của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có);
8- Các hình thức chuyển tải thông tin khác không vi phạm quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp.
Nội dung thông tin doanh nghiệp nhà nước phải công khai nêu trên phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có quyết định, văn bản của người có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước có trang thông tin điện tử nội bộ hoặc hệ thống thông tin điện tử nội bộ thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ chức đăng tải các thông tin quy định tại Điều 64 của Luật này trên trang thông tin điện tử nội bộ hoặc hệ thống thông tin điện tử nội bộ ít nhất là 20 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu đăng tin hoặc gửi thông tin, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. (**)
Trường hợp doanh nghiệp nhà nước chưa có trang thông tin điện tử nội bộ hoặc hệ thống thông tin điện tử nội bộ thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức niêm yết các thông tin doanh nghiệp nhà nước phải công khai nêu trên tại trụ sở của doanh nghiệp và nơi làm việc của các đơn vị, bộ phận có liên quan trực tiếp ít nhất là 20 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết, trừ trường hợp đã sử dụng hình thức thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động tại doanh nghiệp hoặc pháp luật có quy định khác. (***)
Cùng với việc thực hiện công khai thông tin bằng các hình thức quy định tại (**), (***) nêu trên, căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung cần công khai, người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước có thể quyết định lựa chọn thêm các hình thức công khai khác quy định tại (*) nêu trên phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, bảo đảm để người lao động tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi.
Người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin theo yêu cầu của người lao động đối với những thông tin trong thời hạn công khai mà chưa được công khai, thông tin đã hết thời hạn công khai hoặc thông tin đang được công khai nhưng vì lý do bất khả kháng mà người yêu cầu không thể tiếp cận được.
Doanh nghiệp nhà nước có thể xác định thêm các nội dung thông tin cần công khai, hình thức công khai thông tin, việc áp dụng các hình thức công khai đối với từng loại nội dung thông tin nhất định và cách thức thực hiện, việc cung cấp thông tin theo yêu cầu trong quy chế thực hiện dân chủ phù hợp với đặc điểm tổ chức, hoạt động, điều kiện thực tế của doanh nghiệp mình và không trái với quy định tại Mục này.
Trường hợp pháp luật có quy định khác về hình thức, cách thức thực hiện công khai đối với nội dung thông tin cụ thể thì áp dụng theo quy định đó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin