Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL ngày 30/12/2015 quy định về phòng, chống doping trong hoạt động thể thao.
Phòng, chống doping trong hoạt động thể thao |
Theo Điều 10 Thông tư 17/2015/TT-BVHTTDL, vận động viên có hồ sơ bệnh án đang cần phải sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm được xin hưởng Miễn trừ do điều trị theo Tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị.
Việc sử dụng chất bị cấm hoặc phương pháp bị cấm phù hợp với các quy định của điều khoản Miễn trừ do điều trị sẽ không bị coi là hành vi vi phạm doping.
Về Hội đồng Miễn trừ do điều trị, theo quy định cũ tại Thông tư số 17/2015/TT-BVHTTDL, giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao hoặc Trưởng ban tổ chức giải thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp Iý trong điều trị bệnh theo hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên. Hội đồng Miễn trừ do điều trị có từ 05 đến 07 thành viên, gồm các chuyên gia y tế, làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn trừ do điều trị, Trung tâm Doping và y học thể thao quyết định cho phép hoặc không cho phép miễn trừ do điều trị.
Trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn trừ do điều trị trong giải thi đấu, Ban tổ chức giải quyết định cho phép hoặc không cho phép miễn trừ do điều trị. Quyết định miễn trừ do điều trị do Trưởng ban tổ chức giải ban hành chỉ có giá trị trong giải đấu.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến Hội đồng Miễn trừ do điều trị
Tại Thông tư số 01/2023/TT-BVHTTDL, quy định về Hội đồng Miễn trừ do điều trị được sửa đổi, bổ sung như sau:
Trưởng ban tổ chức giải thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp lý trong điều trị bệnh đối với hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên đăng ký thi đấu tại giải. Trường hợp không thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị, ban tổ chức giải gửi hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên tới Trung tâm Doping và Y học thể thao để xem xét.
Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao thành lập Hội đồng Miễn trừ do điều trị để xem xét tính hợp lý trong điều trị bệnh đối với các hồ sơ sau: Hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên do ban tổ chức giải gửi theo quy định; hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên không thuộc trường hợp ban tổ chức giải gửi.
Hội đồng Miễn trừ do điều trị có 05 hoặc 07 thành viên, gồm các chuyên gia y tế, làm việc theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết theo đa số và phù hợp với quy định của Bộ luật phòng, chống doping thế giới.
Người có thẩm quyền (Trưởng ban tổ chức giải; Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao) quyết định thay đổi thành viên Hội đồng miễn trừ do điều trị trong trường hợp có lý do, căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ. Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng miễn trừ do điều trị phải nêu rõ lý do, căn cứ của việc thay đổi.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng Miễn trừ do điều trị, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên đăng ký thi đấu tại giải, ban tổ chức giải hoặc Trung tâm Doping và Y học thể thao thông báo bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên và nêu rõ lý do.
Căn cứ vào kết luận của Hội đồng Miễn trừ do điều trị, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ xin miễn trừ do điều trị của vận động viên không thuộc trường hợp đăng ký thi đấu tại giải, Trung tâm Doping và Y học thể thao thông báo bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên và nêu rõ lý do.
Văn bản chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên của ban tổ chức giải chỉ có giá trị trong giải đấu. Văn bản chấp thuận miễn trừ do điều trị cho vận động viên của Trung tâm Doping và Y học thể thao có giá trị trong thời hạn cụ thể, phù hợp với hồ sơ y tế của vận động viên và theo Tiêu chuẩn quốc tế về miễn trừ do điều trị của Tổ chức phòng, chống doping thế giới.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2023.
Doping là gì? Theo Ủy ban Olympic châu Âu: "Doping là việc sử dụng những chất và những phương pháp nhằm làm tăng một cách giả tạo thành tích thể thao, làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính và đến sự lành mạnh về thể chất, tâm lý, đạo đức của vận động viên". Theo Ủy ban Olympic Mỹ: "Doping là việc uống hay dùng bất cứ chất gì lạ đối với cơ thể với ý định làm tăng một cách giả tạo và không trung thực thành tích thi đấu của vận động viên". Qua những nhận định trên, chúng ta có một cái nhìn khái quát về doping: Doping là những chất hay những phương pháp bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao, do làm tăng thành tích thi đấu một cách gian lận. Việc sử dụng doping sẽ gây ra những tác dụng phụ, đưa đến tác hại về sức khỏe, thậm chí là tính mạng người sử dụng! |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin