Nhiều quy định mới về khuyến mại, trái phiếu, hoạt động thương mại biên giới, thuế, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Áp dụng nhiều quy định mới về khuyến mại
Chính phủ mới ban hành Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Nghị định 128 có hiệu lực từ 1/12/2024.
Theo đó, Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa khoản 2 Điều 7 về mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại được quy định như sau: Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.
Trong trường hợp tổ chức chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thì áp dụng mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100%. Mức giảm giá tối đa 100% cũng áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Không áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện khuyến mại giảm giá cho: hàng hóa dịch vụ khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
Quy định mới liên quan đến trái phiếu
Thông tư 76/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 25/12/2024) hướng dẫn chế độ công bố thông tin, báo cáo về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có đề cập đến hình thức công bố thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Điều 6 Thông tư 76 nêu rõ, tối thiểu một trong các hình thức doanh nghiệp phát hành trái phiếu công bố thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu gồm: văn bản giấy hoặc văn bản điện tử cho Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tại Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp.
Quy định mới liên quan đến thuế
Có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, Nghị định 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2023/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, mục I phụ lục II kèm theo Nghị định 144/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng được sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi nêu tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP gồm:
Loại khác (mã hàng 2304.00.90) thuộc khô dầu và phế liệu rắn khác, đã hoặc chưa xay hoặc ở dạng viên, thu được từ quá trình chiết xuất dầu đậu tương giảm mức thuế suất từ 2% xuống 1%.
Thiết bị điện tử dùng cho thuốc lá điện tử và các thiết bị điện hóa hơi cá nhân tương tự (mã hàng 8543.40.00) giảm mức thuế từ 50% xuống 0%...
Sửa một số quy định về hoạt động thương mại biên giới
Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Cụ thể, Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định về phương thức thanh toán trong hoạt động thương mại biên giới.
Nghị định số 122/2024/NĐ-CP vẫn quy định 3 phương thức thanh toán là: Thanh toán qua ngân hàng; thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng); và thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, theo quy định mới thì phương thức thanh toán bằng tiền mặt chỉ được áp dụng đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
Nghị định số 122/2024/NĐ-CP cũng bổ sung Điều 4a quy định về tiêu chuẩn hàng hóa trong hoạt động thương mại biên giới. Theo đó, hàng hóa trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân, cư dân biên giới phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc và các điều kiện khác theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.
Người livestream bán hàng phải xác thực mã số định danh
Quy định này được nêu tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, chính thức có hiệu lực từ 25/12/2024.
Theo đó, theo khoản 30 Điều 3 Nghị định này giải thích, phát trực tuyến hay chính là hình thức phát livestream là tính năng cho phép các tài khoản mạng xã hội hoặc nền tảng số khác trong đó có Facebook thực hiện truyền tải nội dung dưới dạng âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực.
Đặc biệt, điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ, khi livestream trên Facebook để bán hàng thì phải xác thực bằng số định danh cá nhân, đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng bài, bình luận và livestream cũng như chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, Thông tư 49/2024/TT-NHNN quy định, ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi: chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ trường hợp NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng). Chủ đầu tư đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Thông tư 49/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin