Chuyện về nhà thơ Tú Mỡ

14:22, 26/06/2008

Nhà thơ Tú Mỡ (1900- 1976) có nhiều cái đối lập: Tên là Tú Mỡ nhưng người thì gầy còm, rất Tú... Xương; "giọng lưỡi" sắc bén khi cười nhạo, nhưng tính hiền khô. Ông thân ái, nhân hậu với tất cả mọi người, nhưng có mối giao cảm đặc biệt không phải với ông bạn thơ, mà với ông bạn văn Nguyễn Công Hoan.

Ông Hoan con nhà dòng dõi, tiếng nổi lẫy lừng, trong thâm tâm rất phục tài ông Hiếu (Hồ Trọng Hiếu là tên thật của Tú Mỡ).

 

 

Phục nhưng vẫn hay đùa. Mà là đùa bằng thơ nhại giọng Tú Mỡ. Qua những bài thơ đó cho thấy Nguyễn Công Hoan cũng là một nhà thơ trào phúng đặc sắc. Tú Mỡ từng gọi trời là "xừ" là "thằng xỏ lá" nên:

 

 

Trời đập nậm xuống bàn chan chát

Mắt trơn tròn miệng ngoác đến tai

Gọi Thiên Tào với tay sai:

"Cái tên Tú Mỡ là ai thế mày?

Ta truyền lệnh cắt ngay hộ khẩu

Bắt lên đây ta nhậu với gan

Cho chừa cái thói chửi càn

Cho chừa cái thói chửi tràn cả ta"!

Thiên Tào vội điều tra luống cuống

Nhờ CIA đưa xuống địa cầu

Hỏi thăm Hà Nội địa đầu

Hỏi cầu bằng giấy ở đâu để tìm (1)

Bắt thằng béo kẹp kìm tới mỡ

Phớt lờ đi những đứa gầy còm

Thế là lọt lưới, lọt hom

Khẳng khiu khô đét, Tú nhom lại cười...

 

 

Năm 1947, khi Tú Mỡ ốm, Nguyễn Công Hoan lại đùa:

 

 

Thế nào? Thể lực thoái hay tiến?

Không khéo Bành Tổ phát đơn kiện

Truất chức Thường vụ Hội Nhà Văn

Bắt đưa ra Hội Nhà Văn... Ðiển!

 

 

Dĩ nhiên, Tú Mỡ không giận mà còn rất khoái. Năm 1976, hai ông cùng điều trị tại Bệnh viện Việt- Xô, Tú Mỡ bị bệnh tim mạch. Nguyễn Công Hoan bị bệnh tiết niệu. Hai người thường đến thăm nhau, và vì nể nhau, lo cho nhau thường gặp ở giữa cầu thang rồi cùng ra vườn hoa ngồi.

 

 

Những lúc ấy, hai người thường xướng họa cùng nhau và rất nghịch ngợm.

 

 

Tú Mỡ gửi Nguyễn Công Hoan:

 

 

Bác nằm khoa ngoại ở tầng cao

Ta muốn thăm nhau chả dễ nào!

Gối hạc thằng tôi còn lỏng lẻo

Mình vân của bác cũng lao đao.

Tôi sai cháu gái lên thăm hỏi

Nó bảo: "Ông Hoan đã bảnh bao".

Tốt lắm! Cái già tai ác thật

Nó không nể bác, chẳng từ tao!

 

 

Ông Hoan vừa phàn nàn, vừa họa:

 

 

Bài này hóc nhất cái vần "cao"

Khi đến câu sau hóc tiếng "nào"

Tưởng đã thông kia, gì dám bỏ

Ngờ đâu suốt ấy, chữ cần đao!

Nghe lời cháu đọc, mừng khôn tả

Thấy giấy tôi mong, sướng xiết bao.

Muốn đánh trống liều qua cửa bác

Buồn cho câu cuối vướng thằng ... tao.

 

 

Họa như thế, coi như Nguyễn Công Hoan chịu thua, mà thua rất khéo léo. Hôm sau Tú Mỡ lại viết bài khác hỏi thăm con mắt đau của Nguyễn Công Hoan:

 

 Bác không tham sắc, chẳng tham tài

Cái mắt sao nhìn một hóa hai

Bác gái vào thăm tuy có một

Con ngươi nhìn chệch, hóa thành đôi...

 

Nguyễn Công Hoan đáp lại, tự nhận:

 

Mắt lóa, trông ba thành những sáu

Óc hoa, đếm chín hóa ra mười

May còn nhìn rõ cô y tá

Kẻo ngỡ "ma phăm" (2) mới bỏ đời!

 

Không chỉ xướng họa mà hai ông còn chăm sóc nhau từng ly, từng tí. Mỗi tối Nguyễn Công Hoan được phát một viên thuốc an thần cho dễ ngủ. Ông đã không uống, lén dành cho Tú Mỡ. Hồi đó thuốc tây rất hiếm và quý, mới biết tình nghĩa của bạn văn chương lớp trước thật sâu đậm.

 

(1) Nhà của Tú Mỡ ở Ðường Láng, cạnh Cầu Giấy.

(2) "Ma phăm", tiếng Pháp, tức "vợ tôi".