Nghe quan họ qua... điện thoại

14:53, 29/06/2008

Dang dở câu chuyện, cụ Nhi xin phép rút “dế” a lô thì lập tức cụ liền ca những câu từ mà như mọi người nói là quan họ cổ rất khó nghe. Sau 10 phút, cụ cúp máy, móm mém cười: “Bác thông cảm, lại khách từ Canada gọi về nghe quan họ cổ đấy!”...

“Nghiến răng” sắm “dế”!

 

Điện thoại di động không còn xa lạ trong thời đại hiện nay nhưng với các liền anh, liền chị thế hệ 3X, 4X vùng Kinh Bắc xưa là chuyện quá xa xỉ.

 

Nhưng gần đây dịch vụ hát quan họ qua điện thoại di động đang là mốt nên dù khó khăn đến mấy nhiều cụ cũng “nghiến răng” mua cho mình con “dế” để phục vụ du khách.

 

Để tường tận hơn về dịch vụ hát quan họ thời online, chúng tôi trở lại làng Giềng nơi được mệnh danh là cái nôi của quan họ cổ nổi tiếng nhất Bắc Ninh. Hỏi thăm nhà cụ Nhi - được mệnh danh là báu vật sống làng quan họ - ai nấy đều nhiệt tình chỉ giúp.

 

Sau một hồi vòng qua mấy con hẻm, chúng tôi cũng tìm được nhà cụ Nhi. Mới 9h sáng, trong nhà đã có 4-5 cụ đang tụ tập. Trên tay, dắt cạp quần cụ nào cụ nấy đều có “dế” tuy không theo kịp 8X, 9X bây giờ nhưng cũng thuộc dạng có “đẳng cấp”.

 

Chỉ cần bấm máy gọi đến số điện thoại 0953723234, 0241246329... bạn sẽ nghe được những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh dù xa ngàn dặm. Tin hay không nhưng đó là sự thật.

 

Theo tìm hiểu, được biết hiện nay người hát quan họ không ít nhưng để hát được quan họ cổ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ ngày chiếc điện thoại tràn về làng Giềng, không khí hát quan họ qua điện thoại di động náo nhiệt hẳn lên.

 

Theo phản ánh của người dân cho biết sau khi cụ Nhi đi biểu diễn hát quan họ cổ ở nước ngoài về thì câu lạc bộ do cụ giảng dạy là náo nhiệt nhất, số người muốn nghe hát quan họ cổ cũng khá đông.

 

Để sở hữu con “dế” hiệu Samsung D520, con cháu cụ phải chạy đôn cháy đáo vay mượn để thỏa lòng người già.

 

Khác với cụ Nhi, gia đình cụ Hải có phần khá giả hơn. Không chịu kém cạnh với liền chị, cụ Hải sắm hẳn con “dế” Nokia 8800 mới cáu để phục vụ cho khách thập phương.

 

Xung quanh câu chuyện chiếc điện thoại di động cũng có nhiều câu chuyện cười vỡ bụng. Đó là câu chuyện của cụ Minh ở câu lạc bộ Đào Xá, huyện Yên Phong. Đến bây giờ, người ta vẫn không thể quên liền anh này tuyên bố với con cháu nếu không sắm cho cụ một chiếc điện thoại di động để phục vụ hát quan họ thì cụ sẽ… tuyệt thực!

 

 

“Yêu nghề mà sắm… di động”

 

Đó là khẳng định của liền anh Trần Văn Quyền, Chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ Hòa Đình, thành phố Bắc Ninh. Ông Quyến năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng chất giọng vẫn còn “son” lắm.

 

Ông Quyền cho biết gần đây xuất hiện dịch vụ mới là hát quan họ qua điện thoại di động cũng “hái ra tiền và số lượng người yêu cầu nhiều nhất là Việt kiều và khách thập phương”.

 

Nếu như trước kia muốn tận mắt nghe chất giọng của Thúy Cải, Thúy Hường… hay bất kể liền anh, liền chị nào bạn phải đợi đến mùa lễ hội thì nay ngồi ở quán cà phê, quán bar móc “dế” yêu cầu được nghe là được các liền chị phục vụ ngay.

 

Đang nói, bỗng điện thoại ông Quyền reo lên bản nhạc, đầu dây bên kia có tiếng vọng lại và tha thiết muốn được nghe bài “Còn duyên”.

 

Sau một hồi thỏa thuận giá cả qua di động, ông Quyền cất lên tiếng hát: “Còn duyên là duyên kẻ đón, đón người đưa/ Hết duyên là duyên đi sớm đi sớm, đi sớm về trưa mặc lòng…/ Còn duyên là duyên ngồi gốc, gốc cây đa/ Hết duyên là duyên ngồi gốc, gốc cây hồng là hồng hái hoa…”.

 

5 phút sau, khi hát xong, ông Quyền quay ra giải thích: “Vị khách này ở tận thành phố Hồ Chí Minh, bà ta tên Mai và sẽ gửi tiền vào địa chỉ của CLB”.

 

Được biết hiện nay câu lạc bộ Hòa Đình có 15 thành viên, người cao tuổi nhất đã ngoài 80, người “nhỏ nhất” cũng trên 70.

 

Các liền anh, liền chị sinh hoạt trong câu lạc bộ không phải vì tiền. Phần lớn họ đến đây là để gìn giữ những làn điệu dân ca quan họ cổ và mong muốn truyền cho thế hệ sau.

 

“Phương thức thanh toán tiền nghe hát qua điện thoại di động rất đơn giản là… tùy tâm”. Có nghĩa là khi du khách đã sẵn lòng muốn nghe dân ca thì yêu cầu còn tiền bo như thế nào thì tùy.

 

“Có hôm gặp khách sộp thì kiếm 300.000đ-500.000đ. Sau khi hát xong, khách yêu cầu xin cung cấp số tài khoản, địa chỉ. Tuy nhiên cũng có nhiều người nghe hát xong thì “quỵt” không trả tiền. Tháng may mắn kiếm triệu bạc ngon ơ!”, liền anh Nguyễn Tuấn Hợp, Chủ nhiệm CLB Đào Xá, huyện Yên Phong, cho biết.

 

Ông Đặng Văn Túc, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, cho biết:

 

“Từ khi có dịch vụ hát quan họ qua điện thoại di động đã thu hút được rất nhiều người tham gia và ủng hộ. Đây thực sự là khâu quảng bá cho hình ảnh văn hóa quan họ tỉnh Bắc Ninh. Cùng với cồng chiêng Tây Nguyên, chúng tôi muốn đưa quan họ cổ Bắc Ninh trở thành một di sản của UNESCO. Để phát triển dịch vụ này, chúng tôi đang đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ mỗi CLB một điện thoại di động để phục vụ liền anh, liền chị”.