‘’Gửi lại’’ khát vọng cho hậu thế

09:31, 19/08/2008

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại là một bộ phim tài liệu đặc biệt bởi hai lẽ: Đây là bộ phim tài liệu đầu tiên ra mắt đúng vào dịp kỉ niệm 20 năm ngày mất của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài hoa nhưng mệnh bạc. Thứ nữa, bộ phim tài liệu hoàn toàn không có những hình ảnh động về hai nhân vật chính.

Cuộc đời của họ được tái hiện qua những tác phẩm họ ''gửi lại'' cho đời và những kí ức đẹp đẽ còn lưu giữ trong lòng gia đình, bạn bè và những người yêu quý tài năng của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn, đạo diễn Nguyễn Thước đã tự “bào chữa” cho bộ phim của mình: “Những con người ấy quá mải mê sống, mải mê làm việc, mải yêu thương, họ quên mất cách lưu giữ hay nâng niu hình ảnh của mình. Hình ảnh của họ chủ yếu ở trong lòng bè bạn, người thân, độc giả”.

Xem Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh gửi lại, ta không hề thấy có bóng dáng của sự bi lụy, nhưng không phải vì thế mà phim kém đi phần xúc động. Bộ phim được mở đầu bằng một khổ thơ trong bài Mây trắng của đời tôi, tên của tập thơ được những người thân tập hợp sau ngày anh mất:

Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi!


Bộ phim cho người xem một nét vẽ hình dung về cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ. Từ khi anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du phía Bắc, đến những dấu mốc trong cuộc đời sáng tạo đầy những biến động, cho tới khi tai nạn thảm khốc xảy đến với hai vợ chồng của thi sĩ.

Dù trong cả cuốn phim dài 55 phút, không có bất kì hình ảnh động nào của cả hai anh chị, thế nhưng, qua những lời kể của người thân, bạn bè, chân dung của thi sĩ, tác giả sân khấu Lưu Quang Vũ hiện ra khá rõ nét. Và trong hành trình của Lưu Quang Vũ, sự xuất hiện của Xuân Quỳnh giống như một bước ngoặt đã thắp bừng lên tất cả những mầm sáng tạo còn tiềm ẩn trong con người của Lưu Quang Vũ.

Những người làm phim đa phần đều là những người bạn của Lưu Quang Vũ khi còn sống. Hình ảnh “động” duy nhất trong toàn bộ cuốn phim là hình ảnh buồn trong đám tang của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và bé Lưu Quỳnh Thơ ghi lại 20 năm trước. Nhưng những người làm phim không khơi lại nỗi đau của những người còn sống, không thỏa mãn sự tò mò của người xem về tai nạn thảm khốc đã xảy ra đối với hai vợ chồng.

Bộ phim là những kí ức đẹp về cuộc đời của vợ chồng Lưu Quang Vũ và quan trọng nhất là những gì mà Vũ – Quỳnh “gửi lại” cho chúng ta: Đó là những bài thơ, những truyện ngắn và những vở kịch mà cho đến tận ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và tính thời sự.

Trong bộ phim, bên cạnh những người trong nghề văn, nghề sân khấu đánh giá về tài năng cũng như sức sáng tạo của Lưu Quang Vũ, cũng có những người bạn không làm nghệ thuật nói về anh.

Tất cả họ, giống như có một cuộc gặp gỡ lại để nhớ về anh chị và cùng đọc cho nhau nghe những bài thơ, kể cho nhau nghe những câu chuyện về anh từ khi anh là một cậu bé sớm có thiên hướng nghệ thuật, đến những lần anh bị kỉ luật trong quân ngũ chỉ vì tội…làm thơ.

Cho đến những câu chuyện về mối tình của anh với “Con chim vành khuyên” Tố Uyên, “nàng thơ” của anh sau sự tan vỡ của cuộc hôn nhân thứ nhất, ái nữ của nhà văn Kim Lân – nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, người đã tạo cảm hứng để thi sĩ họ Lưu viết loạt bài thơ Người đàn bà không tên. Và quan trọng nhất trong hành trình sống, hành trình đi tìm sự sáng tạo của Lưu Quang Vũ là cuộc nhân duyên với nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng được các nhà làm phim tái hiện.

Xem phim, chúng ta thấy lại một chân dung của thi sĩ Lưu Quang Vũ tài hoa, thấy chân dung của một nghệ sĩ lớn với sức sáng tạo không ngừng nghỉ qua lời kể của bạn bè. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã phải thốt lên: “Lúc đó, thế hệ chúng tôi say mê thơ Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Vũ Quần Phương” và ông cũng không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc: “Đi hết đường thơ, Lưu Quang Vũ sẽ trở thành nhà thơ vĩ đại nhất của thời đại mình”.

Những người đã từng làm việc chung với Lưu Quang Vũ cho đến tận bây giờ vẫn khát khao có được những vở kịch lôi cuốn không biết bao nhiêu trái tim khán giả như thời hoàng kim của anh, cũng là thời hoàng kim của sân khấu kịch ở Việt Nam: Đó là những thời điểm có tới hơn 40 đoàn kịch công diễn kịch Lưu Quang Vũ trong một đêm. Những vở diễn liên tục 150 suất diễn trên cùng một sân khấu và hàng loạt các vở diễn như: Tôi và chúng ta, Đỉnh cao mơ ước, Lời thề thứ chín, Tin ở hoa hồng, Ông không phải bố tôi, Lời nói dối cuối cùng, Nàng Sita, Hoa cúc xanh trong đầm lầy, Hồn Trương Ba, da hàng thịt…đã vinh danh nhiều nghệ sĩ và diễn viên, quan trọng hơn là làm say mê trái tim của rất nhiều những người yêu kịch cả trong và ngoài nước.

Khán giả cũng thấy một chân dung Lưu Quang Vũ gần gũi trong đời thường qua lời kể của những người bạn không nổi tiếng của anh say mê đọc thơ anh, trong số đó có những bài thơ ít người biết đến như bài Chiến tranh mùa đông. Có câu chuyện cảm động về tình cảm, sự quan tâm của vợ chồng anh chị dành cho vợ chồng NSND Hoàng Dũng khi họ còn khó khăn…

Bộ phim khép lại bằng những hình ảnh buồn: Chiếc giường bệnh trống vắng nơi Xuân Quỳnh đã nằm điều trị bệnh tim, nơi chị đã viết những vần thơ trong bài Thời gian trắng – bài thơ cuối cùng trước ngày định mệnh đến với vợ chồng chị.

Phía trước, phía sau, dưới đất, trên đầu
Dường trong suốt một màu vô tận trắng
Muốn gánh đỡ cho em phần mệt nhọc
Tới thăm em, rồi anh lại ra đi
Đôi mắt lo âu, lời âu yếm sẻ chia
Lúc anh đến, anh đi thành quá khứ
Anh thuộc về những người ngoài cánh cửa
Của con đường, trang viết, câu thơ

Phim kết thúc bằng hình ảnh con đường chạy dài trên nền những câu thơ của Xuân Quỳnh. Chị đã đúng, những người nghệ sĩ như anh, như chị thuộc về thế giới ngoài cánh cửa – nơi những công chúng của anh đang chờ đợi họ với tất cả tình yêu thương và sự kính trọng. Cho đến tận hôm nay và có lẽ về mãi sau này, anh chị và những tác phẩm ấy vẫn sống trong lòng của gia đình, bạn bè và công chúng yêu nghệ thuật.

Ngày 25/08 tới, bộ phim sẽ được phát sóng trên truyền hình đến tới công chúng cả nước như một nén tâm hương dành cho vợ chồng Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ. Dẫu rằng do nhiều lý do khách quan, bộ phim có thể không được như mong đợi của nhiều nhưng nó như một sự ghi nhận: Công chúng vẫn nhớ tới những nghệ sĩ tài hoa, vẫn thầm cảm ơn những gì mà anh chị đã “gửi lại” cho hậu thế.

Các hoạt động kỷ niệm 20 năm
ngày mất Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh:

Sáng 19-8: Chiếu ra mắt phim tài liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại (biên kịch Đào Trọng Khánh - đạo diễn Nguyễn Thước) tại Hội LHVHNT VN, 51 Trần Hưng Đạo.

24-8: ra mắt cuốn Lưu Quang Vũ - Di cảo (ảnh). Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ - em gái Lưu Quang Vũ - biên soạn, NXB Lao Động và Phương Nam phát hành.

25-8: chiếu phim tài liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại trên VTV, bản rút gọn, 30 phút.

28-8: Đêm Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi Trẻ với các trích đoạn: Nàng Sita (Chèo Hà Nội), Lời thề thứ chín (Kịch Quân đội), Điều không thể mất (Nhà hátTuổi Trẻ), Đôi dòng sữa mẹ (Chèo Hải Phòng).

29-8: Lễ tưởng niệm chính thức do Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN và gia đình của hai thi sĩ phối hợp tổ chức.