Triển lãm tranh về biệt thự cổ ở Đà Lạt

07:51, 26/08/2008

115 tranh về Đà Lạt, trong đó có 95 bức vẽ những ngôi biệt thự cổ tại thành phố cao nguyên mang kiến trúc Pháp này, sẽ được họa sĩ Vi Quốc Hiệp triển lãm vào tháng 11, nhân kỷ niệm 115 năm phát hiện vùng đất.

Với đa số tác phẩm thể hiện kiến trúc cổ Đà Lạt, chủ đề cuộc triển lãm lần này được họa sĩ chọn luôn là ''Ấn tượng biệt thự cổ Đà Lạt''. Đây cũng là lần đầu tiên xứ sở nghìn hoa giới thiệu những bức tranh về một nét rất riêng là kiểu kiến trúc xưa.

Dù là người gốc Tày, Vi Quốc Hiệp luôn tự nhận mình một người con miền đất thông reo, vì đã có 30 năm sinh sống ở đây. Năm 1978, chàng họa sĩ trẻ Vi Quốc Hiệp đến Đà Lạt và lập tức "phải lòng" với những biệt thự cổ mang kiểu kiến trúc Pháp, các cung đường quanh co, cao thấp và những ngôi nhà theo thời gian bám đầy rêu phong lấp ló dưới rặng thông cổ thụ, quanh những ngọn đồi nhấp nhô như chén úp.

Vi Quốc Hiệp quyết định chọn Đà Lạt làm quê hương thứ hai và từ đó lao vào sáng tác không ngơi nghỉ. Anh được coi như người nắm giữ hồn bảo tàng biệt thự cổ Đà Lạt. Bằng thời gian và sự lao động nghiêm túc, miệt mài, người họa sĩ cố gắng giữ lại những nét đẹp kiêu sa, tinh túy của biệt thụ xưa Đà Lạt. Nét cọ của anh cũng làm thay đổi cách nhìn về kiến trúc biệt thự của nhiều nhà quản lý.

Tranh của Vi Quốc Hiệp về mảng biệt thự rất dễ nhìn, giàu tính hiện thực và lung linh vẻ đẹp. Xem tranh của anh bỗng thấy mình nhẹ tênh như những đám sương mù bay là đà vào buổi sớm mai bên cánh cửa biệt thự im lìm dưới đồi thông. Người thưởng lãm cũng chia sẻ một cảm giác ấm áp với những khóe nắng hừng đông đang chiếu thẳng vào các luống hoa.

Giới hội họa hay văn nghệ sĩ khi nhắc đến Vi Quốc Hiệp đều gọi anh với một cái tên rất dân dã là Hiệp "biệt thự cổ". Gần như suốt một quá trình dài sáng tác anh luôn say mê với đề tài này. Anh đã đưa biệt thự cổ của Đà Lạt đi giới thiệu khắp các vùng miền trong cả nước và xa hơn đến Liên Xô (cũ), Thái Lan.

Trong số tài sản khổng lồ tác phẩm của họa sĩ này thì biệt thự cổ Đà Lạt có đến gần 400 bức. Lần triển lãm này, Vi Quốc Hiệp chọn 95 ngôi biệt thự ưng ý nhất để giới thiệu cùng với các tác phẩm chân dung phụ nữ và tĩnh vật hoa.