Festival ''Cracking Bamboo'' – sự giao thoa giữa âm nhạc truyền thống Á-Âu

14:05, 17/09/2008

Tối nay(18/9), tại L''Espace-Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình Liên hoan âm nhạc quốc tế “Cracking Bamboo”. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của 45 nghệ sỹ đến từ các nước châu Á và châu Âu. Liên hoan diễn ra từ ngày 15 đến 22/9.

Có khoảng 45 nghệ sĩ đến từ châu Á và châu Âu tham dự Liên hoan. Họ sẽ ở Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 22/9. Các nghệ sĩ tham dự sẽ chia làm 3 nhóm (nửa châu Âu, nửa châu Á) và sẽ làm việc trong khoảng 3 đến 4 ngày để chuẩn bị cho mỗi nhóm một chương trình biểu diễn khoảng 35 đến 40 phút. Trong chương trình các nghệ sĩ sẽ biểu diễn solo và biểu diễn chung dưới dạng ngẫu hứng hoặc một phần sáng tác ngắn.

Sau tuần đầu tiên và các buổi biểu diễn tại Hà Nội, 3 nhóm nghệ sĩ Á-Âu sẽ giải tán và lại được phân bổ lại làm 3 nhóm mới cho phần hai của Liên hoan Cracking Bamboo. 3 nhóm mới này chia nhau đi biểu diễn tiếp, cụ thể: nhóm một sẽ đến TPHCM (từ 22 đến 27/9), nhóm 2 đi Indonesia (22-27/9), nhóm 3 đi Lào và Campuchia (Vientiane 22-24/9; Phnom Penh 25-28/9), trong đó có sự kết hợp với các nghệ sĩ bộ gõ của nước sở tại (ví dụ nhóm 1 sẽ có các nghệ sĩ bộ gõ của TPHCM, nhóm 2 sẽ có các nghệ sĩ bộ gõ của nước Indonesia,…). Tại đây, một chương trình hòa nhạc sẽ được các nghệ sĩ Á-Âu chuẩn bị sau 3-4 ngày tập luyện và cùng sáng tác.

Trong dự án này phải kể đến vai trò của các giám hộ nghệ thuật, những người có kinh nghiệm ứng dụng với các mô hình ngẫu hứng sáng tác và các dự án hợp tác, những nhân vật có khả năng tốt nhất có thể điều hòa các cá thể nghệ sĩ rất khác nhau trong một ban nhạc. Các giám hộ viên không nhất thiết phải là các nhạc công bộ gõ: họ có thể là ca sĩ hoặc nhạc công chơi kèn. Các giám hộ này gồm: Udai Mazumdar từ Ấn Độ (Tabla), Pierre Stephane Meuge từ Pháp (Saxophone), Murat Coskun từ Đức/Thổ Nhĩ Kỳ (trống tay), Francoise Vanhecke từ Bỉ (thanh nhạc), Badamkhorol từ Mông Cổ (thanh nhạc) và từ Hà Nội có Vũ Nhật Tân (Nhạc sĩ, sáo trúc và nhạc điện tử) cũng như Trần Thị Kim Ngọc (nhạc sĩ). Các giám hộ viên này có thể được coi là các nhà tư vấn nghệ thuật cho các nghệ sĩ tham gia Liên hoan và là người đảm bảo một kết quả tốt đẹp.

Trong số các nghệ sĩ tham dự Liên hoan từ nhiều nước khác nhau, từ châu Âu có ban nhạc Freiburg gồm các thành viên từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh,…, ban nhạc SISU đến từ Oslo gồm các thành viên từ Na Uy và Thụy Điển và một ban Tứ tấu “Châu Âu” được thành lập bởi một nhóm nghệ sĩ từ Italia, Pháp, Hà Lan và Đan Mạch, các thành viên của ban nhạc này sẽ gặp nhau tại Đức trước khi tham dự Liên hoan khoảng 2-3 ngày để cùng nhau chuẩn bị tác phẩm chung tham gia Liên hoan.

Từ châu Á có hai ban nhạc đến từ Hà Nội (dự kiến một ban nhạc dân tộc và một ban nhạc hiện đại) một ban nhạc từ TPHCM, một ban nhạc từ Indonesia và một ban nhạc từ Campuchia. Ngoài ra có các nghệ sĩ solo đến từ châu Á. Họ là các nghệ sĩ dàn gõ trẻ và sẽ được đón nhận các cơ hội thu thập kinh nghiệm qua giao lưu biểu diễn với các bạn đồng nghiệp quốc tế tại Liên hoan âm nhạc này.

Với sự đề xướng I’mPULSE từ Quỹ Á-Âu (ASEF), với sự hợp tác và tổ chức của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Viện Goethe Việt Nam và dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Giáo sư Bernhard Wulff từ Freiburg, Liên hoan âm nhạc Quốc tế Cracking Bamboo sẽ được tổ chức vào tháng 9/2008. I’mPULSE là một đề xuất nhằm hỗ trợ các phương cách sáng tạo và thực hành trong lĩnh vực âm nhạc. Các nhạc công/nhạc sĩ trẻ châu Á và châu Âu cần phải được giúp đỡ và khích lệ trong đàm thoại về ý tưởng âm nhạc, trình diễn và sáng tác.

Cracking Bamboo là một ý tưởng cho cho sự giao lưu và gặp gỡ giữa hai nền âm nhạc Đông Nam Á và châu Âu. Nhạc cụ chủ yếu là dàn gõ. Các nhạc cụ bộ gõ có khả năng kết nối mà hầu như không có nhóm nhạc cụ nào có, nó cho phép âm nhạc phương Tây có quan hệ với các dòng âm nhạc khác. Các nhạc sĩ thế kỷ hai mươi đã phát triển rất nhiều cách thức khác nhau trong tìm hiểu và kết hợp với các loại nhạc cụ bộ gõ của các nền văn hóa khác. Ban đầu các nhạc cụ này được sử dụng đơn giản như “gia vị thanh âm” cho các sáng tác riêng, sau đó chức năng của các nhạc cụ này được xem xét và bắt đầu phát triển tại đất nước của chúng. Đây chính là chìa khóa để tìm hiểu các nền văn hóa khác, vì chúng rất đơn giản để kết hợp. Cuộc đàm thoại giữa các nhạc công, nhạc sĩ đến từ các nền văn hóa khác nhau, với sự tôn trọng lẫn nhau để hỗ trợ nhau, là mục đích chính của Liên hoan âm nhạc quốc tế Cracking Bamboo.

Rất nhiều nhạc cụ bộ gõ của nghệ thuật âm nhạc châu Âu có nguồn gốc từ văn hóa châu Á. Cracking Bamboo tạo ra một sân chơi cho sự giao lưu của các nhạc công bộ gõ với các nhạc cụ “hiện đại” từ châu Âu và các nhạc cụ truyền thống, gia truyền từ Đông Nam Á, cho các hình thức đàm thoại âm nhạc trong sự tôn trọng lẫn nhau.

Cracking Bamboo, dưới dạng ý tưởng, không chỉ bị giới hạn tổ chức tại Việt Nam. Đây sẽ là nguồn cảm hứng để khơi dậy các dự án và hợp tác đa phương tiếp theo trong tương lai tại các nước láng giềng trong khu vực.