Với diện tích 25 ha tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, Công viên Văn Miếu đương đại sẽ là điểm nhấn văn hoá trong thế kỷ XXI. Tại đây, hình hài của nền khoa học và giáo dục Việt Nam cận, hiện đại sẽ được tái hiện tương đối đầy đủ.
Dự án chia thành ba giai đoạn, đến 2016 - 2020 sẽ chính thức đưa trung tâm và công viên vào hoạt động.
Trong Hội nghị Khởi động dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Văn Huy đã trình bày cụ thể về dự án này, triển khai theo hướng đa chức năng như: công viên lưu danh, thư viện lưu trữ tài liệu, bảo tàng lưu giữ kỷ vật, khu du lịch, danh thắng….
Nhiệm vụ chính của trung tâm là nghiên cứu, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hoá thông qua tiểu sử, ký ức, tư liệu và hiện vật cá nhân các tiến sĩ, các nhà khoa học trên các lĩnh vực nói chung; giới thiệu, trưng bày về cuộc sống, những đóng góp cho khoa học nước nhà của các nhà nghiên cứu vì sự phát triển của đất nước.
Như vậy, trung tâm cũng xây dựng ngân hàng dữ liệu, tiểu sử, ký ức, tư liệu hiện vật của các tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam.
Công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sĩ thời cận hiện đại. Quy hoạch và kiến trúc của các công trình trong công viên dựa trên ý tưởng biểu trưng linh vật là Kim Quy. Tại đây sẽ cho phép ghi tên các nhà khoa học, các tiến sĩ Việt Nam đã được công nhận tại Việt Nam và trên thế giới bằng chất liệu đá hoa cương.
Vấn đề đặt ra là việc ghi danh các tiến sĩ thời cận, hiện đại sẽ thực hiện như thế nào và tiêu chuẩn để ghi danh một tiến sĩ lên bia ra sao trong bối cảnh tình trạng “loạn tiến sĩ” vẫn được đề cập tới trong thời gian gần đây?
PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho biết, Trung tâm sẽ cố gắng thu thập toàn bộ thông tin và tư liệu khoa học liên quan đến các tiến sĩ Việt Nam; sau đó, sẽ nghiên cứu để lựa chọn những nhà khoa học có đóng góp thực sự cho nước nhà để ghi bia lưu danh. Việc trưng bày tư liệu về các tiến sĩ dựa trên thẩm định của hội đồng cố vấn gồm hơn 20 nhà khoa học đầu ngành.
Công viên Văn Miếu đương đại sẽ giúp phác họa diện mạo khoa học giáo dục nước nhà và phân định đâu là tiến sĩ “thật”, đâu là tiến sĩ “giả”; từ đó, cũng là một cách giáo dục thế hệ trẻ trên con đường học tập, nghiên cứu.
Ngay trong lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tiến sĩ Việt, đã có rất nhiều tiến sỹ, nhà khoa học gửi tặng những kỷ vật quý giá trong cuộc đời vì sự nghiệp khoa học của mình để giúp xây dựng kho tư liệu.