Thông điệp văn hóa từ cuốn sách ảnh về Tây Nguyên

10:30, 29/09/2008

20 năm lặn lội khắp các buôn làng, nhà nhiếp ảnh Trần Phong đã lưu dấu một Tây Nguyên vừa hoang sơ vừa tươi mới; vừa thâm trầm như huyền thoại lại vừa náo nức cuộc sống hôm nay. Những tác phẩm đặc sắc nhất của anh được tập hợp trong cuốn sách ảnh "Lễ hội Tây Nguyên".

Sách in bìa cứng, bằng 3 thứ tiếng Anh - Pháp - Việt, là hình ảnh con người và mảnh đất Tây Nguyên qua các kỳ lễ hội. Đây là lúc đời sống văn hóa tinh thần của người Tây Nguyên biểu hiện tập trung nhất, sâu thẳm nhất và cũng rực rỡ nhất. Người xem sẽ cảm nhận được hơi thở của núi rừng qua không gian cồng chiêng, họa tiết của trang phục, nhà rông và vẻ đẹp săn chắc, rắn rỏi của con người nơi đây.

Đánh giá cao công trình của Trần Phong, nhà nghiên cứu Nguyên Ngọc khẳng định, có nhiều hình ảnh về Tây Nguyên mà anh chụp được, đến nay đã không còn tồn tại hồn nhiên trong cuộc sống. Du khách muốn chiêm ngưỡng, chỉ có thể qua con đường phục dựng. "Đây không phải là một tập ảnh thông thường. Cho tôi nói điều này: Đây là di chúc của một nền văn hóa đang đứng trước nguy cơ biến mất, trên con đường đi tới xăm xăm của chúng ta. Cho nên, đây cũng là một câu hỏi lớn, về một vấn đề không hề nhỏ: Sẽ đi đến đâu đây, để làm gì đây, khi cuộc đi tới phải trả giá bằng sự biến mất của những giá trị vĩnh cửu này?”, Nguyên Ngọc viết.

Theo ông, đó cũng là thông điệp từ một nền văn hóa lớn được chuyển đến cho người xem qua tập sách ảnh.