Hàng nghìn người dự lễ hoàn táng vua Lê Dụ Tông

17:04, 25/01/2010

Sau hơn 4 thập kỷ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, hôm nay thi hài vua Lê Dụ Tông đã được hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

 

Vua Lê Dụ Tông sinh năm 1679 là con cả của vua Lê Hy Tông. Năm Ất Dậu (1705), ngài chính thức lên ngôi, lấy hiệu là Vĩnh Thịnh, đến năm năm 1720, đổi niên hiệu là Bảo Thái. Năm 1729, vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho con là Lê Duy Phường.

 

Nhà vua mất vào tháng Giêng năm Tân Hợi (1731), hưởng thọ 52 tuổi. Ban đầu, ngài được táng ở lăng Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Đông Sơn, sau được dời đi táng ở Lăng Kim Thạch, huyện Lôi Dương (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa). Năm 1858, nơi an táng của nhà vua được một nông dân tình cờ phát hiện. Đến năm 1964, thi hài của vua được khai quật và đưa về Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

 

Hôm nay sau 46 năm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, thi hài của vua Lê Dụ Tông được hoàn táng tại nơi ngài được phát hiện. Sớm nay, sau lễ khâm liệm và cầu siêu tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, thi hài của vua Lê Dụ Tông được đưa về quê hương theo đường Láng – Hòa Lạc, vào đường Hồ Chí Minh để đến làng Bái Trạch với sự hộ tống của xe cảnh sát, đoàn tiêu binh, các đoàn đại biểu cũng như đại diện con cháu họ Lê trên toàn quốc.

 

Trưa cùng ngày sau các phần nghi thức tâm linh, thi hài của nhà vua đã được hàng ngàn người dân địa phương và con cháu họ Lê cùng với đại diện các cơ quan trung ương và tỉnh Thanh Hóa cùng làm lễ hạ huyệt tại làng Bái Trạch. Trước đó vong linh của vua Lê Dụ Tông đã được vào làm lễ yết kiến tổ tiên ở Lam Kinh, đất phát tích của nhà Hậu Lê cũng là nơi có nhiều lăng mộ của các đời vua Lê.

 

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng họ Lê Việt Nam cho biết, sự kiện vua Lê Dụ Tông được hoàn táng đã đáp ứng mong mỏi của các thế hệ con cháu họ Lê trên toàn quốc. Hội đồng họ Lê ở Tây Nguyên đã làm mới chiếc quan tài theo đúng kích thước quan tài cũ nặng gần 700 kg từ một cây gỗ Ngọc Am cổ thụ. Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên Huế đã gấp rút may 32 bộ áo quần theo nguyên bản kích cỡ và hoa văn mà nhà vua mặc khi băng hà. Các đoàn đại diện con cháu họ Lê trên cả nước đã về để dự lễ hoàn táng.

 

Về cơ bản, lăng mộ vua Lê Dụ Tông được hoàn táng theo kiểu kiến trúc nguyên bản “trong quan ngoài quách”. Ngoài phần lăng mộ, còn có các công trình tưởng niệm khác. Tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Lê trước đó đã gấp rút hoàn thành các hạng mục như giải phóng hơn 5.000 m2 mặt bằng, sửa lại chiếc quách bằng hợp chất, xây huyệt mộ, dựng sân rồng, trang trí đài khánh tiết…

 

Ông Lê Hoài Chung, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Thanh Hóa cho biết, việc hoàn táng vua Lê Dụ Tông đã thành công tốt đẹp. Một số hạng mục trong quần thể lăng mộ cũng sẽ được gấp rút xây dựng trong thời gian sớm nhất. Sau khi hoàn thành, quần thể này sẽ là điểm đến tâm linh của con cháu họ Lê trong toàn quốc cũng như của đông đảo người dân địa phương.