Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở cơ sở tại Thái Nguyên được triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay và đã thực sự trở thành động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ở các địa phương.
Diện mạo nông thôn có nhiều đổi khác, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, tình nghĩa xóm làng thêm gắn bó, đời sống người dân đang đổi thay từng ngày…
Thông qua thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng... Thực hiện tốt phong trào này chính là thực hiện tổng hòa các cuộc vận động ở cơ sở như: Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng; chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, khuyến học, y tế, dân số, môi trường; xây dựng tổ chức chính trị xã hội…
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 210 nghìn gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (73,3%), gần 1.500 khu dân cư đạt khu dân cư tiên tiến (52,6%); 1.150 xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; hỗ trợ sửa chữa và xóa nhà dột nát cho hộ nghèo vùng sâu, vùng xa được gần 9 nghìn nhà với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng; hỗ trợ xóa nhà đột nát cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ được trên 4 nghìn nhà... Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh xuống còn 17,74%.
Chúng tôi đã tìm hiểu việc triển khai phong trào này ở huyện Đại Từ- một trong những địa phương thực hiện rất bài bản. Đưa chúng tôi xem tập văn bản mà Ban chỉ đạo TDĐKXDĐSVH của huyện triển khai tới cơ sở có đầy đủ công văn, kế hoạch: Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện; kế hoạch thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2009; kế hoạch kiểm tra công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; hướng dẫn bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa…
đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH huyện cho biết thêm: Mặc dù phong trào đã thực hiện nhiều năm nay và đi vào nền nếp nhưng ngay từ đầu năm, chúng tôi vẫn phải gửi đầy đủ văn bản về thực hiện phong trào này để cơ sở nắm được. Đồng thời cập nhật và gửi bổ sung các hướng dẫn mới trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH của cấp trên như việc bình xét gia đình, làng bản văn hóa… để thuận tiện trong bình xét các danh hiệu nhưng vẫn đảm bảo tính chính xác, công bằng. Kiểm chứng cho việc triển khai công tác này, chúng tôi đã đến xã Mỹ Yên thì được biết phong trào TDĐKXDĐSVH được xã triển khai tới 100% xóm và được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Xã có 25 xóm thì đến nay đã có 18 xóm có nhà văn hóa; 22 xóm có cụm loa truyền thanh; trên 70% số hộ đạt gia đình văn hóa, trong đó có trên 10% số hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liền; 10 xóm đạt khu dân cư tiên tiến; 100% cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa; tỷ hộ nghèo giảm từ 28,6% (năm 2008) xuống còn 15%. Thực tế cho thấy, không chỉ ở Mỹ Yên mà ở các xã, thị trấn khác của huyện Đại Từ phong trào này được thực hiện khá toàn diện. Mạng lưới truyền thanh cơ sở đã được thiết lập tại 31 xã, thị trấn, hệ thống nhà văn hóa được cải thiện, nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư, mở rộng… đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của bà con nhân dân.
Qua kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH cấp tỉnh thì huyện Phú Lương cũng được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào này. Kết quả đó thể hiện ở những số liệu: 96,8% số hộ đăng ký gia đình văn hóa, 100% làng bản đăng ký xây dựng làng bản văn hóa; 146/146 cơ quan đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa; 261/274 xóm có nhà văn hóa, 221 xóm có tủ sách, 81 xóm có tăng âm loa đài… Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện cho biết: Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban Chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đôn đốc thực hiện kế hoạch; thanh tra, kiểm tra, khảo sát các làng văn hóa… Đồng thời cụ thể hóa quy định của cấp trên bằng cách chấm điểm các tiêu chí bình xét, đánh giá kết quả, thông qua đó nhằm nâng cao chất lượng phong trào, tạo không khí thi đua sối nổi giữa các gia đình, làng bản, cơ quan, có tác động tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Vì thế, huyện đã duy trì và động viên được các xóm có truyền thống giữ vững danh hiệu xóm văn hóa. Toàn huyện có trên 60% xóm đạt xóm văn hóa, trong đó có 15 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa liên tục từ 6 đến 13 năm…
Mỗi địa phương đều có cách triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào này mà bắt đầu từ mỗi gia đình, bởi mỗi gia đình văn hóa sẽ là tế bào để xây dựng nên một cộng đồng văn hóa…