Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

10:17, 03/02/2010

Thành lập từ tháng 7/2005, Câu lạc bộ (CLB) văn học- nghệ thuật xã Bình Yên (Định Hóa) ban đầu chỉ có 7 thành viên gồm 2 tổ sáng tác và biểu diễn, hoạt động chủ yếu về nghệ thuật hát then và đàn tính. Đến nay, CLB đã có 25 hội viên và khoảng 30 cộng tác viên. Những hoạt động tích cực của CLB đã góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Bà Vũ Thị Thuỷ, dân tộc Kinh, sinh ra và lớn lên trên quê lúa Phú Bình nhưng lên đất Bình Yên làm dâu, vì yêu các làm điệu then mượt mà và cây đàn tính, bà là người hoạt động tích cực trong các hoạt động sinh hoạt văn nghệ ở địa phương và đã được tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm CLB văn học nghệ thuật Bình Yên. Bà cho biết: CLB ra từ sự chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền xã về bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và những hội viên có cùng niềm đam mê nghệ thuật. CLB sinh hoạt định kỳ hàng quý, đồng thời mỗi khi có các sự kiện văn hóa trong và ngoài huyện, CLB đều tập trung luyện tập để biểu diễn. Các tác phẩm sáng tác của các hội viên CLB đều được đánh giá cao qua các hội diễn quần chúng. Điều đáng mừng của CLB là sự tham gia nhiệt tình của những hội viên cao tuổi như cụ: Ma Công Hình (73 tuổi), Ma Thị Năm (73 tuổi)…các cụ là những người am hiểu và truyền dạy cho con cháu những kiến thức và kỹ năng quý báu về nghệ thuật hát then. Không những vậy, hoạt động tích cực của CLB cũng thu hút được sự quan tâm, yêu thích của thế hệ trẻ ở địa phương đối với những giá trị văn hóa quý báu của cha ông.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ma Đình Sung, xóm Đá Bay, xã Bình Yên (Định Hóa) khi ông đang chú tâm chế tạo những cây đàn tính của dân tộc Tày, ông là một trong hai người duy nhất ở Định Hóa có thể làm được đàn Tính. Ông Sung cho biết: nhận thấy nghệ thuật hát then, đàn tính ngày càng mai một trong thế hệ trẻ, sẵn có lòng yêu thích văn nghệ, ông quyết tâm theo đuổi môn nghệ thuậtcủa dân tộc mình, bắt đầu bằng việc khôi phục cây đàn tính. Năm 2004, Ông đã lặn lội lên tận huyện Ba Bể (Bắc Cạn) để học bí quyết làm đàn của những nghệ nhân nơi đây. Sau 2 tháng kiên trì học hỏi, ông đã nắm được bí quyết để tạo nên một cây đàn có âm thanh độc đáo. Theo ông, để có một cây đàn tốt, cần phải rất kỳ công trong lựa chọn vật liệu và chế tác. Bầu đàn phải là quả bầu khô tròn đều, có vỏ mỏng và cứng, đó nhất thiết phải là những quả bầu được trồng trên núi đá tận Ba Bể. Cần đàn phải là loại cây dâu hay cây thừng mực ở địa phương, để đảm bảo độ dẻo và nhẹ. Tùy theo độ to nhỏ của bầu đàn mà làm cần đàn có độ dài phù hợp. Mặt đàn được làm bằng cây mai non chưa kịp ra lá để tạo độ dẻo và tạo ra âm thanh tốt, keo gắn mặt làm từ nhựa cây nâu trên rừng. Cái khó nhất trong làm đàn chính là thiết lập được âm thanh sao cho phù hợp. Giá bán trung bình 1 chiếc đàn tính là từ 200 đến 220 nghìn đồng, trong khi chi phí cho nguyên liệu đã mất khoảng 100 nghìn đồng và 3 ngày công liên tục. Từ năm 2004 đến nay, ông đã chế tạo trên 200 cây đàn tính, cung cấp cho các câu lạc bộ (CLB) hát then và khách du lịch trong tỉnh. Ông chia sẻ: “Tôi làm đàn xuất phát từ sự đam mê chứ không vì mục đích kinh tế”. Ngoài làm đàn, ông Sung còn là hội viên tích cực của CLB hát then tỉnh Thái Nguyên và CLB văn học- nghệ thuật xã BìnhYên. Ông đã sáng tác được 3 bài hát Then theo làn điệu mới là: Đường Về Định Hóa, Hát về Phú Đình và Lên thăm Định Hóa.

 

Cụ Liêu Thị Năm, xóm Đá Bay, năm nay đã 73 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ của địa phương. Cụ là người duy nhất ở Bình Yên có thể hát được những làn điệu then Tày cổ. Cụ cho biết: Then Tày cổ rất khó hát vì có nhiều khúc luyến láy trong lời và làn điệu. Do vậy, những người trẻ hiện nay chủ yếu hát then theo làn điệu mới. Mong muốn giữ gìn những làn điệu then quý, cụ đã tích cực sưu tầm những làn điệu cổ và truyền dạy cho con cháu và những người yêu thích. Đến nay, hầu hết con cháu trong gia đình cụ đều có thể hát được một vài làn điệu then Tày cổ. Trong khi đó, học sinh Ma Khắc Tuân (16 tuổi), xóm Đoàn Kết lại là cộng tác viên trẻ tuổi nhất và có nhiều hoạt động tích cực trong CLB. Thông qua sự chỉ bảo của những thành viên CLB và tự học hát then qua những băng đĩa của gia đình, em đã biểu diễn được nhiều làn điệu then khó. Em vừa đạt giải A biểu diễn hát then trong liên hoan các nhà văn hóa tiêu biểu huyện Định Hóa.

 

Trong xã hội hiện đại những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc như hát then, đàn tính ngày càng bị đồng hóa, mai một, thì những hoạt động tích cực những thành viên CLB văn học- nghệ thuật Bình Yên là một điểm sáng, cần có sự động viên và nhân rộng.