Gần 80 tuổi nhưng thầy Nguyễn Đình Nguyệt vẫn ngày đêm say mê bên những trang sách, làm công việc dịch những cuốn sách cổ viết bằng tiếng Nôm Tày. Nét bút của thầy nhìn rất rắn rỏi, gọn đẹp và có hồn. Đó là những tích truyện cổ xưa, hay những làn điệu then, lượn cổ mà thế hệ trẻ ngày nay kể cả người Tày chính gốc cũng hiếm người biết. Thầm lặng để để gìn giữ nét văn hóa của người Tày thầy Nguyệt đau đáu một nỗi niềm làm sao để tiếng Nôm Tày không mai một...
Chúng tôi tìm đến nhà thầy Nguyễn Đình Nguyệt ở xóm Na Mẩy, xã Yên Trạch (Phú Lương) không khó vì người dân ở đây ai cũng biết đến thầy giáo về hưu đam mê dịch sách Nôm Tày. Bên trong ngôi nhà sàn làm bằng tre nứa với những vật dụng sinh hoạt rất đỗi giản dị nằm khuất trong sườn núi, chúng tôi nhìn thấy nhiều hòm sách bằng gỗ. Trong đó có nhiều loại sách cổ viết bằng chữ Nôm Tày, có những cuốn nét chữ đã mờ vì thời gian, hay có trang đã bị nhàu do truyền qua tay nhiều thế hệ vẫn được thầy nâng niu cất giữ. Ngày ngày, thầy cùng cụ bà chăm sóc đàn gia cầm trên 100 con kết hợp với nuôi 2 ao cá, trồng rau xanh... Tối đến, thầy lại ngồi bên chiếc hòm gỗ đơn sơ, cạnh phiên liếp nhà sàn để viết và tra từ điển, dịch chữ Nôm Tày cổ ra tiếng Tày, rồi dịch ra tiếng phổ thông. Những câu chuyện, những câu hát then, điệu lượn sau khi dịch được thầy ngâm nga, cụ bà cũng đồng cảm với cụ ông rồi hai cụ cười móm mém cùng hát, có khi cụ ông lại gẩy đàn, đệm sáo phụ họa. Nhiều chuyện cổ viết bằng chữ Nôm Tày mà thầy Nguyệt được nghe ông bà, cha mẹ kể lại đến thuộc làu từ ngày ấu thơ, đến giờ lại được thầy dịch lại trau chuốt. Khi dịch, những ký ức tuổi thơ lại ùa về, dâng lên trong lòng thầy biết bao cảm xúc.
Thầy Nguyễn Đình Nguyệt sinh năm 1932, trong một gia đình nông dân. Cụ thân sinh của thầy luôn mong muốn con cái mình được học hành đến nơi đến chốn. Hai cụ đã mời thầy đồ tận Bắc Ninh về dạy chữ Nho cho 4 người con trai. Trong các anh em, thầy Nguyệt là người say mê học và tiếp thu nhanh nhất. Những con chữ như những bức tranh thú vị đã lôi cuốn thầy khám phá từ năm 8 tuổi là cơ sở để thầy học tiếng Nôm Tày thuận lợi. Niềm say mê đó đã ngấm vào huyết quản và theo thầy trong suốt cuộc đời. Tốt nghiệp cấp III, thầy về dạy học tại Trường Cấp II Chợ Đồn (Bắc Kạn), sau 4 năm thì chuyển về Định Hóa công tác. Thời gian này, thầy được cử đi tham dự lớp bồi dưỡng sư phạm tại Hà Nội. Tại đây, thầy Nguyệt đã gặp và giao lưu cùng các bạn học như Giáo sư Bùi Văn Nguyên, thầy Hoàng Quyết, thầy Hoàng Triều Ân là những chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm cổ để trao đổi những kiến thức về chữ Nôm Tày. Sau mấy năm công tác trên Định Hoá, thầy trở về làm Hiệu trưởng Trường cấp II Yên Trạch cho đến lúc về hưu. Đến lúc này, thầy mới dành trọn vẹn thời gian và tâm huyết để dịch sách, thực hiện tâm nguyện của mình từ thời thanh niên. Thầy làm vì sức hút nơi những con chữ cổ và hơn nữa vì mong muốn những tác phẩm dịch của mình được lưu truyền rộng trong nhân dân, khi mà thực tế hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ tuy là người dân tộc Tày nhưng lại không hề biết đọc và viết chữ Tày.
Thầy kể rất say sưa cùng chúng tôi về những tác phẩm dịch của mình. Ngoài dịch các truyện cổ, thầy còn dịch được gần 200 câu hát lượn, then và 14 bài văn cúng đặc trưng của người Tày trong trong đám cưới truyền thống và gần 250 trang sách về nghi lễ cấp sắc và nghi lễ kỳ yên. Các tác phẩm truyện Nôm Tày của thầy Nguyệt như “Truyện Lưu Đài - Hán Xuân”, một câu chuyện tình yêu của đôi trai gái gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, hay “Truyện Trương Hán”, “Truyện Tần Chu” đều được ghi chép rất cẩn thận. Phần lớn những cuốn sách thầy Nguyệt dịch đều là những sáng tác dân gian của người Tày mà các thế hệ đi trước đã lưu giữ, và truyền lại, ngoài ra một số tác phẩm do thầy sưu tầm về dịch “cho vui và đỡ nhớ chữ cổ” - thầy cười nói với chúng tôi như vậy! Dày công nghiên cứu và tỉ mỉ dịch, đến năm 2006, tác phẩm “Sự tích về giặc bà đen” của tác giả Nguyễn Văn Lương, người Nam Định, sáng tác đầu thế kỷ XX để lại (do cụ Ma Văn Nam cùng xóm sưu tầm, trước khi mất đã để lại cho thầy) được thầy dịch hoàn thiện. Câu chuyện là tư liệu quý giá về bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở xứ Bắc. Qua cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về triều đình nhà Nguyễn thời Tự Đức cũng như những triều vua sau đó; xã hội Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược nhân dân điêu đứng lầm than vì giặc bà đen (tàn quân của Thái Bình thiên quốc) sang xâm lược nước ta và sự anh dũng quả cảm của quân ta đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Hay những điệu lượn cổ của người Tày như lượn thương, dành cho những đôi trai gái yêu nhau có những câu hát rất hay như: “Kết ruyên tang bán bạn ruyên yêu, chắc kết cầm hẩu te đáy thuận; ná thuận là thôi còn chối tèo”, dịch ra có nghĩa là: Cảm tình và muốn kết duyên cùng người bạn khác xóm nhưng biết chọn câu nói thế nào để thổ lộ cho thuận lòng nhau đây; Nếu không thuận cũng xin người thương nói thật lòng mình luôn… Từ khi dịch xong điệu lượn này, thỉnh thoảng trong các đám cưới ở quê, các cụ ông, cụ bà và thanh niên trong xóm lại ngâm nga một cách thích thú. Hay điệu lượn trống keo (thể hiện tâm tư của người yêu nhớ người yêu suốt năm canh không ngủ được); Lượn dạ phụ mẫu (những tình cảm của người con thể hiện với cha mẹ); Lượn dạ phua (lời nhắn nhủ của người vợ dành cho người chồng yêu nhau phải thật lòng và gắn bó khăng khít)…
Ngoài ra thầy Nguyệt cũng dịch những làn điệu then cổ với những điệu then khác nhau như then bách hoa (nói về trăm loài hoa), then bách nhẫn (nói về trăm điều nhẫn, khuyên con người phải biết sống nhẫn nhịn), then bách cốc (ca ngợi trăm loài lúa đã nuôi sống con người)… Dịch những điệu lượn này, thầy Nguyệt thấy mình như đang sống lại thời ấu thơ bên vành nôi nghe những lời hát ru của cha mẹ. Hay điệu lượn tình duyên khiến thầy nhớ lại những tháng ngày tình yêu tuổi trẻ thật thơ mộng. Các nghệ nhân hát then ở Định Hoá cũng đã tìm đến tận nhà nhờ thầy dịch để họ phục hồi, hát những làn điệu then cổ và được thầy ủng hộ nhiệt tình. Mong muốn của thầy trong thời gian sắp tới là được in ấn xuất bản các tập sách dịch để giữ lại và lưu truyền nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Tày. Thầy tâm sự: “Tôi sẽ cố gắng để 2, 3 năm nữa sẽ hoàn thiện toàn bộ các sách truyện mà tôi sưu tầm và dịch được. Mong rằng việc làm của tôi sẽ được các cấp ngành quan tâm, khắc phục nguy cơ chữ Tày cổ bị mai một như hiện nay”.