Xây dựng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xứng tầm

07:32, 29/05/2010

Việc dựng tượng Lương Văn Can người đứng đầu Đông Kinh Nghĩa Thục - ở vị trí gần bờ Hồ Gươm còn có một ý nghĩa lớn là gắn liền Đông Kinh Nghĩa Thục với cả một hệ thống trường học nổi danh một thời quanh Hồ Gươm

 

Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước tác động của chính sách khai thác thuộc địa của tư bản Pháp được đẩy mạnh sau khi giai đoạn chiến tranh chinh phục và bình định đã kết thúc (1858 – 1896), xã hội Việt Nam đã có những biến chuyển ngày càng rõ rệt. Trên cơ sở mầm mống kinh tế tư bản đương hình thành, một ý thức tư tưởng mới đã có điều kiện thuận lợi để nảy nở và phát triển. Cộng thêm vào đó là ảnh hưởng bên ngoài cũng dồn dập tràn vào, từ Trung Quốc sang, từ Nhật Bản tới, càng củng cố them trào lưu tư tưởng mới.

 

Giữa bầu không khí chuyển biến tư tưởng mạnh mẽ như vậy, và trong hoàn cảnh cụ thể nước ta hồi đó, hai giai cấp tư sản và tiểu tư sản dân tộc lại chưa thành hình, sứ mạng tiếp thu tư tưởng mới (tư tưởng tư sản) lại thuộc về các sĩ phu tiến bộ nặng lòng yêu nước thương nòi, đang thiết tha mong nước giàu dân mạnh. Chủ trương làm cách mạng, mở đầu bằng phát triển văn hóa, những sĩ phu yêu nước và tiến bộ hồi đầu thế kỷ XX thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (tức “trường học mở ra vì việc nghĩa ở Đông Kinh”) với mục đích truyền bá tư tưởng mới, đề cao việc yêu nước kết đoàn, tiến tới xây dựng phong trào trong nhân dân cả nước.

 

Tháng 3/1907, Đông Kinh Nghĩa Thục bắt đầu khai giảng tại nhà số 10, phố Hàng Đào (Hà Nội). Theo như kêu gọi, đó là một trường học tư hợp pháp, được chính quyền thực dân cho phép hoạt động.

 

Sáng lập viên là cụ Cử Lương Văn Can và Nguyễn Quyền, cùng nhiều nhà nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ như Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Phong, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Hữu Cầu… Nhà trường do Lương Văn Can làm Hiệu trưởng (lúc đó gọi là Thục trưởng), Nguyễn Quyền làm Giám học.

 

Học sinh không phải đóng học phí, mà còn được cấp giấy bút, sách vở, lại có ký túc xá cho độ vài chục học viên ăn ở, học tập ngay tại trường. Giáo viên lúc đầu đều không có lương, nhờ tài chính của nhà trường ngày càng dồi dào nên về sau mới có một trợ cấp nhỏ hàng tháng; ban Cổ động dùng hai hình thức diễn thuyết và bình văn để tuyên truyền cổ động cho nhà trường. Diễn thuyết hồi đó là một phương pháp tuyên truyền rất mới để phổ biến những tư tưởng mới trước một số đông người, như hô hào bài trừ hủ tục (rượu chè, ma chay, khao vọng, kêu gọi cắt tóc ngắn, vận động mua sách báo mới, mở trường học theo lối mới). Những buổi bình văn giới thiệu công khai các bài văn thơ yêu nước, là những dịp tuyên truyền lòng yêu nước cho đông đảo quần chúng.

 

Các buổi bình văn và diễn thuyết của Đông Kinh Nghĩa Thục đã mở rộng ảnh hưởng nhà trường trong nhân dân, kết quả là số người quyên tiền ủng hộ và gửi con em đến học ngày càng đông, cũng như một số hủ tục đã có phần giảm sút. Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục đã phản ánh sức thu hút mạnh mẽ và rộng rãi của hoạt động cổ động tuyên truyền của nhà trường như sau:

 

“Buổi diễn thuyết người đông như hội

 

Kỳ bình văn khách đến như mưa”

 

Phạm vi hoạt động của ban Cổ động nhanh chóng mở rộng, từ trung tâm Hà Nội đã lan ra các tỉnh lân cận như Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định. ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng sâu rộng trong nhân dân các địa phương và cả nước; ban Trước tác có nhiệm vụ biên soạn các tài liệu học tập cho học sinh và các tài liệu tuyên truyền cổ động ra ngoài trường. Nội dung chủ yếu của các tài liệu này đả phá những tư tưởng lạc hậu của các sĩ phu thủ cựu, đánh đổ lối học cũ trong văn chương, chuộng khoa cử; bài trừ các hủ tục, đề cao nhận thức mới của tầng lớp sĩ phu tiến bộ, hô hào mở trường dạy học theo lối mới, cổ động học chữ Quốc ngữ, cổ động chấn hưng công thương nghiệp.

 

Nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục không giới hạn hoạt động trong phạm vi tuyên truyền cải cách, đổi mới công khai, hợp pháp. Giữa Đông Kinh Nghĩa Thục với phong trào Đông du của Phan Bội Châu vẫn có những mối liên hệ chặt chẽ. Thực tế hai xu hướng bạo động của Phan Bội Châu và xu hướng đổi mới, cải cách của Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ là một. Bạo động và đổi mới cải cách chỉ là hai mặt của lòng yêu nước căm thù giặc. Cả hai xu hướng đó đều nhằm mục đích giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của nước ngoài về kinh tế cũng như về chính trị. Để cuối cùng chính quyền Pháp đã phải khẳng định rằng, Đông Kinh Nghĩa Thục là “cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ” và quyết định đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục vào tháng 11/1907.

 

Qua lề lối tổ chức, sự hoạt động và nội dung giảng dạy, tuyên truyền cổ động cũng như ảnh hưởng sâu rộng của Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ta nhận thấy đã có một cuộc đấu tranh khá quyết liệt giữa hai luồng tư tưởng cũ và mới; giữa phái nhà nho thủ cựu đại diện cho giai cấp phong kiến đang suy tàn và tầng lớp sĩ phu tiến bộ đại diện cho ý thức hệ tư sản đang vươn lên trong lòng xã hội Việt Nam.

 

Cuộc đấu tranh tư tưởng giữa “cái cũ” và “cái mới”, đáng chú ý là “cái cũ” lúc này lại được chính đế quốc Pháp cố tình duy trì dung dưỡng có lợi cho sự thống trị và bóc lột của chúng, còn “cái mới” có tính chất cách mạng được đặt trên nền tảng truyền thống yêu nước chống xâm lược của nhân dân ta. Cho nên rõ ràng Đông Kinh Nghĩa Thục đã cắm một cái mốc quan trọng trên con đường phát triển của tư tưởng yêu nước cách mạng của dân tộc, sự kiện lịch sử quan trọng đó trong lịch sử đấu tranh cách mạng cần được đánh giá đúng đắn, những người làm nên sự kiện đó cần được tôn vinh xứng đáng. Tiếc rằng cho tới nay, công việc “đáng làm” và “cần làm” đó chưa được thực hiện đúng với yêu cầu.

 

Giờ đây, nhân dân Thủ đô chúng ta – cùng nhân dân cả nước đang hân hoan tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 – 2010); Thiết tưởng cần một công trình kỷ niệm sự kiện Đông Kinh Nghĩa Thục một cách tương xứng với vị trí và ý nghĩa trọng đại của sự kiện đó ngay tại trung tâm Thủ đô Hà Nội. Hiện nay, tuy đã có một Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gần Hồ Gươm ở vào một vị trí rất thích hợp, cửa ngõ đi vào phố Hàng Đào là địa điểm xưa của Đông Kinh Nghĩa Thục và khu phố cổ, nhưng cũng chỉ là một khu đất vuông lát gạch, xung quanh có hàng rào sắt, ở giữa là vòi phun nước, hoàn toàn chưa có gì nhắc tới Đông Kinh Nghĩa Thục. Chúng tôi nghĩ rằng cần biến khu đất đó thành một vườn hoa nhỏ, giữa đặt tượng bán thân cụ Lương Văn Can, có thêm một tấm bia nhỏ ghi một số điểm chính về sự kiện Đông Kinh Nghĩa Thục với vị Hiệu trưởng đáng kính là Lương Văn Can cũng có nhà ngay trong phố Hàng Đào (nhà số 4).

 

Việc dựng tượng Lương Văn Can người đứng đầu Đông Kinh Nghĩa Thục - ở vị trí gần bờ Hồ Gươm còn có một ý nghĩa lớn là gắn liền Đông Kinh Nghĩa Thục với cả một hệ thống trường học nổi danh một thời quanh Hồ Gươm với những danh sĩ như trường Kim Cổ của Cử nhân Ngô Văn Dạng, trường Lỗ Am của Vũ Tùng Phan, trường Vũ Thạch của Cử nhân Nguyễn Huy Đức; trường Đại tập của tiến sĩ Lê Đình Diên…

 

Với độ đậm đặc các trường học ở khu vực Hồ Gươm, có thể khẳng định rằng khu vực này đã từng và hiện nay vẫn là trung tâm văn hóa – giáo dục của Thủ đô. Cho nên việc dựng tượng nhà văn hóa yêu nước, có tư tưởng đổi mới Lương Văn Can tại khu vực Hồ Gươm là đúng đắn, vừa có ý nghĩa văn hóa, mà còn mang ý nghĩa yêu nước.

 

Để kết thúc bài viết này, với tư cách là người yêu và nghiên cứu lịch sử dân tộc, chúng tôi chỉ đề đạt với lãnh đạo thành phố Hà Nội một nguyện vọng là sớm được thấy Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục được xây dựng xứng tầm để tô điểm thêm cho Thủ đô anh hùng một địa điểm tham quan du lịch và học tập bổ ích.