Nga tổ chức hội thảo khoa học về Thăng Long – Hà Nội

10:24, 06/10/2010

Bảo tàng Đông Phương của Nga vừa tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội với chủ đề “Truyền thống và hiện đại trong văn hoá đô thị Việt Nam”.

  

Hoà cùng không khí sôi động chào đón Hà Nội 1000 năm tuổi đang diễn ra ở Việt Nam, tại thủ đô Moscow của LB Nga, nhiều tổ chức và bạn bè Nga cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện trọng đại này.

 

Ngày 5/10, Bảo tàng Quốc gia Phương Đông ở thủ đô Moscow phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Truyền thống và hiện đại trong văn hoá đô thị Việt Nam”. Đây là hoạt động tiếp theo của Bảo tàng Quốc gia Phương Đông trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long-Hà Nội. Trước đó trong tháng 9 vừa qua, cũng tại Bảo tàng này, Triển lãm “ Thành phố Rồng bay-hướng tới nghìn năm Hà Nội” đã được khai mạc.

 

Tham dự Hội thảo có Tham tán Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Lê Thanh Vạn, đông đảo cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, bà Mê-tăc-xa, quyền Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Phương Đông, đông đảo cán bộ nhân viên Bảo tàng, các nhà nghiên cứu lịch sử-văn hoá Việt Nam, nghiên cứu lịch sử-văn hoá Đông Nam-Á và châu Á và nhiều sinh viên Nga.

 

Phát biểu tại Hội thảo, Tham tán chính trị Lê Thanh Vạn nhấn mạnh ý nghĩa và ý tưởng tổ chức cuộc Hội thảo đúng vào dịp đang diễn ra các hoạt động Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đề cập những hoạt động chính trong dịp Đại Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đồng thời khái quát sự phát triển nền văn hoá Việt Nam cận đại. Ông Lê Thanh Vạn cũng dành thời gian điểm lại mối quan hệ Việt Nam-LB Nga nói chung và hợp tác trong văn hoá nói riêng giữa 2 nước trong thời gian gần đây.

 

Cũng tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu trình bày các tham luận khoa học với các chủ đề như: “ Sự phát triển Văn hoá Việt Nam thời cận đại”, “ Đặc thù của đô thị Việt Nam thời Trung đại”, “ Đặc thù xã hội Việt Nam thời kỳ văn minh Đông Sơn”, “Tranh dân gian-một trong những nguồn cảm hứng cho các hoạ sĩ Việt Nam hiện đại”, “Truyền thống và hiện đại trong Văn hoá Đông Nam-Á”... Đáng chú ý,  tham luận của nhà sử học Leonov mang tên “Những tư liệu ghi nhận việc xây dựng Chùa Một cột ở Hà Nội”, tham luận “ Đô thị Việt Nam đầu thế kỷ 20-không gian văn hoá mới” của nhà nghiên cứu Socolov, “ Đời sống văn hoá của Hà Nội những năm 60 của thế kỷ 20” của nhà sử học Remarchuk, “Ngôn ngữ trong Quảng cáo ở thành phố Hà Nội hiện đại” của nhà ngôn ngữ Samarina, cùng nhiều hình ảnh minh hoạ sinh động đã tập trung phân tích sâu bước phát triển mọi mặt của Đô thị Việt Nam nói chung và của thủ đô Hà Nội nói riêng qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề cập những sự kiện đang diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, trong thời gian tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và đều  bày tỏ mong muốn thủ đô Hà Nội  tiếp tục phát triển lớn mạnh như tên gọi Thăng long.

 

Anh Socolov, nhà nghiên cứu Viện Đông Phương học xúc động nói bằng tiếng Việt: “Tôi có nhiều cảm tưởng tốt đẹp về Hà Nội. Trước đây, quang cảnh Hà Nội như một bộ phim đen trắng thì vài năm lại đây, phong cảnh ấy như một bộ phim màu. Hà Nội hôm nay có nhiều thành tựu về kiến trúc, công nghiệp và văn hoá. Tôi rất vui mừng đón mừng Đại lễ 1000 năm của thủ đô Hà Nội và chúc người Hà Nội, nhân dân Việt Nam những thành tự mới, sức khoẻ, hạnh phúc”./.