Pho sử quý bằng ảnh

08:24, 10/10/2010

Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, NXB Mỹ thuật ra mắt cuốn sách đặc biệt "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội" do nhóm tác giả Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương biên soạn. Gần 200 bức ảnh được sưu tập và chú thích cẩn thận thực sự là một pho sử quý, giúp độc giả hôm nay có thêm những tư liệu về Người.

   

Một cuốn sách quý

 

Cuốn sách dày 100 trang, khổ 30x25cm được chia thành 3 phần: Từ Thăng Long - Hà Nội đến 1945; từ 2-9-1945 đến 10-10-1954; từ 10-10-1954 đến 9-9-1969. Điều độc đáo nhất ở cuốn sách này là ngoài việc sưu tập lại một cách có hệ thống ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những hoạt động có gắn với Hà Nội, nhóm biên soạn còn thực hiện việc chú thích ảnh một cách khá chi tiết từ ngày, tháng, địa điểm, cho tới những phát biểu hay lời căn dặn của Người. Ví như ở bức ảnh đánh số 80 (trang 48) được chú thích rất cụ thể: Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành (ngày 16-11-1959), Người phát biểu căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện...), tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh - nhiều - tốt - rẻ. Hay thăm HTX Bát Tràng, Gia Lâm (20-2-1959) Người căn dặn: Phải cố gắng thi đua làm nhiều - nhanh - tốt - rẻ, làm sao vừa hạ giá bán mà thu nhập của mỗi xã viên vẫn cao hơn người làm ăn riêng lẻ… Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một trong những làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa (ảnh số 82, trang 49)...

 

Những bức ảnh hiện lên Hà Nội của một thời, như ảnh số 48 chụp khi Bác Hồ tới thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động ở Lương Yên ngày 30-3-1956. Các bà, các mẹ luống tuổi, đầu chít khăn mỏ quạ vẫn miệt mài học chữ, phía sau là những đứa trẻ con theo mẹ đi học. Rồi qua bức ảnh khi Người đi thăm gia đình ông Trần Công Tốt, công nhân Nhà máy Điện Hà Nội đêm giao thừa Canh Tý còn nhận ra Tết Hà Nội của một thời rất đơn sơ và giản dị, nhưng vẫn không thể thiếu một cành đào, dù rất nhỏ cắm trên bàn nước.

 

Dùng ảnh để kể chuyện

 

Khi được hỏi về cuốn sách này, ông Đỗ Hoàng Linh đại diện nhóm biên soạn cho biết: "Nhóm tác giả đã mất gần hai năm mới thực hiện xong. Ban đầu xây dựng đề cương rồi thu thập, tuyển chọn, chỉnh lý khoa học cho khoảng hơn 200 ảnh tư liệu; xử lý kỹ thuật toàn bộ số ảnh để phục vụ cho nội dung của cuốn sách với mục đích vừa bảo đảm được nội dung cũng như chất lượng ảnh".

 

Đỗ Hoàng Linh và Nguyễn Văn Dương đang làm việc trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, hơn nữa họ đã có nhiều năm nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh nên việc sưu tầm ảnh và tích lũy tư liệu liên quan đến Người thuận lợi, chính xác, độc đáo. "Với mục đích dùng ảnh để kể chuyện nên có những bức ảnh đẹp nhưng không đủ để chú thích rõ và tìm được nội dung sự kiện khớp", ông Đỗ Hoàng Linh tâm sự.

 

Theo nhóm biên soạn, trong cuốn sách có một số bức lần đầu được công bố như: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Viện Viễn Đông Bác Cổ, Trại Hướng Đạo Sinh; Người đi bỏ phiếu thực hiện quyền công dân của mình; Người chụp ảnh với các nhà tư sản Hà Nội tại Bắc Bộ phủ; ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 tại số nhà 38 phố Lý Thái Tổ; tiếp Hoàng thân Xuphanuvông (Lào); hay bức đồng bào Thủ đô Hà Nội tập trung trước cổng Phủ Chủ tịch để theo dõi tình hình sức khỏe của Người tháng 9-1969; Chủ tịch trên giường bệnh hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969...