10 năm thương nhớ vẫn đong đầy

14:33, 01/04/2011

Hôm nay (1-4), tròn 10 năm nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trở về cát bụi.  Một thập kỷ, ấy cũng là quàng thời gia để những yêu thương, nhớ nhung người nghệ sĩ tài hoa hội tụ sâu đậm hơn trong lòng công chúng.

 

Những lời ca tụng bất tận về Trịnh Công Sơn dường như trở nên “lỗi thời” khi mà từng giai điệu về quê hương, tình yêu và thân phận người trong nhạc Trịnh luôn chiếm giữ một vị trí trong trái tim người yêu nhạc. Bởi thế những ngày này, hàng loạt chương trình âm nhạc, triển lãm tranh về Trịnh Công Sơn được tổ chức tạo nên sự cộng hưởng ngất ngây cho một dòng nhạc đầy chất nhân văn.

 

Đã 10 năm rồi, ta  bỗng tự hỏi, rút cục thì ai và cái gì đã giữ cho nhạc Trịnh luôn là một đặc sản trong thực đơn âm nhạc. Có lẽ hồn nhạc Trịnh vẫn vẹn nguyên là nhờ những người... không tên trên khắp đất nước này. Họ chẳng phải “sao ca nhạc”, không xuất hiện ầm ĩ trên báo chí nên ít người biết tới. Họ là những người lao động bình thường nên ngày ngày vẫn nặng gánh mưu sinh. Nhưng họ lại biết nghe, biết hát nhạc Trịnh bằng tình cảm thực sự nên những ca từ mộc mạc, sâu lắng vì thế mà không bị vùi dập giữa mớ âm nhạc hỗn độn thời “hi-tech”. Thái Nguyên có quán cà phê mang tên nhạc sĩ họ Trịnh nằm khiêm nhường ở phường Trưng Vương. Đây là nơi lui tới thường xuyên của những người yêu nhạc Trịnh. Một không gian thi ca với những dấu ấn đậm nét về người nhạc sĩ tài hoa ru lòng người về cõi mênh mang. Bỏ lại đằng sau ồn ã của phố phường, bỏ lại đằng sau những hối hả llo toan, những bon chen vụ lợi, chỉ thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản hơn.

 

Những người thích nghe nhạc Trịnh thường rất khó tính về âm nhạc, ít khi chấp nhận những bài hát nhạt nhẽo, vô vị trong lời ca của dòng nhạc thị trường. Đối với nhạc Trịnh, một ca sĩ được học thanh nhạc bài bản nhưng có khi cả đời không thể hát thành công một ca khúc của Trịnh Công Sơn, nếu họ không yêu nhạc Trịnh và hát bằng tình cảm thực sự.

 

Bên cạnh các chương trình ca nhạc, sẽ có 4 đầu sách về Trịnh Công Sơn được phát hành trong dịp này gồm: “Thế giới hình tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn” (Tác giả Bích Hạnh); “Trịnh Công Sơn. Tôi là ai? Là ai?” (Tổng hợp); “Trịnh Công Sơn – Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật” (Tác giả Bùi Vĩnh Phúc) và “Thư gửi một người”. Trong đó, được trông đợi nhất chính là “Thư gửi một người” tập hợp hàng trăm bức thư tình với khoảng 300 trang thư mà Trịnh Công Sơn gửi cho người con gái tên là Ngô Vũ Dao Ánh.

 

Sự kiện này khiến nhiều người quan tâm bởi trong số những bóng hồng đi qua cuộc đời và tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì trước giờ, cái tên Dao Ánh  không được nhắc đến nhiều lắm. Những bức thư sẽ hé mở một không gian nội tâm đầy xúc cảm của ông trong tình cảm riêng tư. Gia đình cố nhạc sĩ cho biết, cách đây 1 năm, bà Dao Ánh có đến gặp và ngỏ ý gửi lại những bức thư mà cố nhạc sĩ đã viết cho bà từ năm 1964. Suốt hơn 40 năm qua, bà vẫn âm thầm cất giữ như một ký ức thiêng liêng. Tuy nhiên, sau nhiều đắn đo, bà đã quyết định trao lại cho gia đình vì lo sợ thời gian làm thất lạc những bức thư mà bà cho rằng mang đầy giá trị văn học..