Năm 2011: Ghi nhận thành công của di sản Văn hóa Việt Nam

09:19, 23/01/2012

Tiếp nối thành công của năm 2010, năm 2011, di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục khẳng định bằng việc nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được thế giới vinh danh, đồng thời đây cũng là một năm có nhiều sự kiện về di sản văn hóa được dư luận quan tâm.

 

Nhiều di sản văn hóa Việt Nam tiêu biểu được thế giới công nhận

 

Mở đầu cho thành công của di sản văn hóa Việt Nam năm 2011 là việc 82 bia các khoa thi Tiến sĩ thời Lê-Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội trở thành Di sản Tư liệu Thế giới.

 

Ngày 26/5/2011, 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ Triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã được phê duyệt vào Danh sách Ký ức Thế giới. 82 bia Tiến sĩ đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được xây dựng tương ứng với 82 khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779 vinh danh tên tuổi 1307 tiến sĩ trong 81 khoa thi Tiến sĩ Triều Lê và 1 khoa thi tiến sĩ Triều Mạc.

 

82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi được dựng; phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ. Các bài văn được khắc bằng chữ Hán trên mỗi bia cho biết rõ lịch sử của mỗi khoa thi; ngày tháng năm dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng; khẳng định tính xác thực, nguyên bản, duy nhất của tư liệu - những tiêu chí quan trọng của Chương trình Ký ức Thế giới.

 

Đến tháng 6 năm 2011, Di tích Thành Nhà Hồ trở thành Di sản Văn hóa Thế giới. Vào 18 giờ ngày 27/6/2011, tại Kỳ họp thứ 35 của Uỷ ban Di sản Thế giới tổ chức tại Paris (Cộng hoà Pháp), Di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, theo các tiêu tiêu chí II và tiêu chí IV về giá trị nổi bật toàn cầu. Khu Di sản Thành nhà Hồ là trung tâm Kinh thành của Việt Nam vào cuối thể kỷ 14, đầu thế kỷ 15, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

 

Nét đặc sắc mang tầm vóc giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản bao gồm tòa thành đá được xây dựng bằng kỹ thuật đá lớn. La thành, Nam Giao, các tầng văn hóa nối tiếp nhau trong lòng đất lưu giữ các dấu tích cung điện, đền đài, đường sá và nghệ thuật trang trí, các làng cổ cùng toàn bộ cảnh quan đồi núi, sông hồ mang đậm chất phong thủy điển hình còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn.

 

Di sản thể hiện rõ dấu ấn của sự giao thoa các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, liên quan đến sự phát triển của kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan khu vực vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Sự nổi trội trên các phương diện thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc thành đá, kỹ thuật xây dựng đá lớn và các ảnh hưởng tác động lẫn nhau nhiều chiều của khu di sản tới kỹ thuật xây dựng thành quách sau đó ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á chỉ thấy duy nhất ở thành nhà Hồ.

 

Di sản này chứng minh cho sự nổi bật về một loại công trình kiến trúc được xây dựng bằng đá lớn, là một pháo đài quân sự bề thế, chắc chắn, uy nghiêm. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo đã được kết hợp một cách sáng tạo, tài tình. Thành nhà Hồ còn chứng minh sự tỉ mỉ, kỳ công, tài hoa điêu luyện của con người thời bấy giờ về mặt thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn.

 

Sau 4 năm tham gia bầu chọn (2007-2011), theo các tiêu chí của Tổ chức New Open World (NOWC), vịnh Hạ Long của Việt Nam đã vượt qua hơn 400 địa danh nổi tiếng từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, lọt vào vòng chung kết cuộc bình chọn 7 Kỳ quan Thiên nhiên Mới của thế giới cùng với 27 địa danh nổi tiếng khác trên thế giới. Vào 19 giờ 7phút (giờ GMT) ngày 11/11/2011 (khoảng 2h sáng ngày 12/11/2011 giờ Việt Nam), trang Web New7Wonders của tổ chức này đã công bố vịnh Hạ Long của Việt Nam cùng với rừng Amazon Nam Mỹ, thác Iguazu của Argentina và Brazil, đảo Jeju của Hàn Quốc, đảo Komodo của Indonesia, sông ngầm Puerto Princesa ở Philippines và núi Table của Nam Phi, đã trở thành Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới. Việc công bố chính thức sẽ được tổ chức vào đầu năm 2012.

 

Năm 2011, hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vào hồi 11 giờ 5 phút (giờ Việt Nam) ngày 24/11, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã thông qua Quyết định số 6.COM.8.23 ghi nhận Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 

Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá, thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất Phú Thọ. Theo truyền thuyết dân gian vùng đất Tổ Phú Thọ, nghệ thuật Hát Xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang xưa, vì vậy Hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ. Đây cũng là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp, phản ánh trình độ, khả năng thụ hưởng văn hóa của người Việt. Tại Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ họp tại Ba li, Indonesia (21-29/11/2011), Hồ sơ Hát Xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban Thẩm định và đánh giá, là hồ sơ làm tốt nhất trên tổng số 33 hồ sơ khẩn cấp được đệ trình lần này.

 

Sôi nổi các hoạt động tôn vinh di sản văn hóa tại Việt Nam

 

Ngày 26/5/2011, Hội thảo khoa học và Hội nghị tổng kết 30 năm Liên hoan Tiếng hát làng Sen và Lễ hội làng Sen (1981-2011), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức tại thành phố Vinh đã khẳng định: Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và Lễ hội Làng Sen đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội văn hóa hàng năm của cả nước, tôn vinh giá trị văn hóa Hồ Chí Minh; đồng thời mở ra một hướng mới, góp phần vào việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Từ thực tiễn hoạt động của Lễ hội Làng Sen đã rút ra những kinh nghiệm quý để ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng của chính Lễ hội Làng Sen và góp phần vào công tác quản lý và tổ chức các lễ hội nói chung, đặc biệt là các lễ hội hiện đại ở nước ta. Hội thảo đã nhất trí rằng cần phải tiếp tục củng cố và phát triển Lễ hội Làng Sen. Lễ hội Làng Sen có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để trở thành Lễ hội quốc gia.

 

Tiếp đó, từ ngày 13 – 16/10/2011, tại Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức “Hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê Di sản văn hóa Hát Ca trù 2009-2010” và “Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011”.

 

Theo số liệu tổng hợp, năm 2004, cả nước chỉ có 22 câu lạc bộ Ca trù ở 15 tỉnh thành vốn có truyền thống sinh hoạt Ca trù cổ, thì hiện nay đã có hơn 50 câu lạc bộ Ca trù. Số người biết hát Ca trù trong cả nước từ trên 150 người vào năm 2004, đến nay đã có trên 500 người. Số nghệ nhân thực hành Ca trù từ năm 1945 về trước chỉ còn 21 người.

 

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011 nhằm tạo điều kiện để các ca nương, kép đàn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; đồng thời qua Liên hoan cũng nhằm đánh giá thực trạng bảo tồn và phát triển Ca trù sau 2 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Liên hoan có sự tham gia của 22 câu lạc bộ, nhóm Ca trù với 150 người từ 15 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ VII (23/11/2011) được tổ chức và tuyên truyền sâu rộng từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực hơn những năm trước. Ngày Di sản Văn hóa hàng năm đã trở thành truyền thống của cả nước, góp phần tôn vinh văn hóa, di sản văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 

Song song với đó, trong năm 2011, di sản văn hóa Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể khác như: Ban hành một số văn bản quan trọng về di sản văn hóa; Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia xem xét về xếp hạng bảo vật quốc gia đợt I và di tích quốc gia đặc biệt đợt II; Hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các tổ chức của Hội trong cả nước có nhiều bước tiến mới; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban Quản lý Dự án “Trống Đồng - Âm vang Đất Tổ” trao tặng trống đồng giai đoạn I cho tỉnh Phú Thọ, Bộ Ngoại giao và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí minh tại Phủ Chủ tịch...

 

Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm 2012, sẽ có thêm nhiều di sản văn hóa Việt Nam được đệ trình lên UNESCO. Trước mắt, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành tiếp tục vận động 2 hồ sơ “Mộc Bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm” và “Hoa Lư thi tập” với danh hiệu Di sản Tư liệu khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Đồng thời, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên hoàn chỉnh hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; xây dựng kế hoạch vận động cho hồ sơ Tín ngưỡng Thờ Hùng Vương, hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ Tràng An và Cát Bà; tổ chức lễ trao bằng công nhận Di sản thế giới cho Hát Xoan và Thành Nhà Hồ; Kiểm tra việc thực hiện những khuyến nghị của UNESCO đối với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và cố đô Huế.