Đến hẹn lại… chen

10:14, 03/02/2012

Mặc dù đã có những chủ trương đúng trong khâu tổ chức thực hiện, nhưng khung cảnh nhếch nhác, tình trạng mất trật tự vẫn diễn ra tại các lễ hội ở nhiều địa phương.

Những bất cập trong quản  lý và tham gia lễ hội những năm trước, vẫn tiếp tục tái diễn ở mùa lễ hội 2012 này mặc dù nhiều biện pháp xử phạt được áp dụng. Tình trạng chen lấn xô đẩy, thiếu ý thức của người dân tham gia lễ hội hay các dịch vụ “chặt chém” nhân dịp lễ hội… vẫn ở tình trạng bát nháo, khó kiểm soát.

 

Hàng vạn du khách đổ về dự lễ hội chùa Hương huyện Mỹ Đức (Hà Nội) trong ngày khai hội (28/1, tức mùng 6 Tết), đã gây nên tình trạng quá tải tại khu vực cáp treo từ ga chùa Thiên Trù đến động Hương Tích. Du khách xếp hàng dài, nhích từng bước một chờ đợi hàng tiếng đồng hồ để tới lượt.

 

Nhiều người chen chân cố đặt tiền vào tay tượng, dưới chân bệ tượng tại khu vực đền Trình, chùa Thiên Trù. Thậm chí, tại khu vực chùa Thiên Trù, có không ít du khách ném tiền ngay trước lư hương, nhét tiền vào miệng hai con sư tử đứng hai bên mặc dù nhân viên thuộc ban tổ chức lễ hội liên tục nhắc nhở.

 

Huyện Mỹ Đức đã đầu tư một lò đốt rác đặt tại chùa Thiên Trù đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải tại chỗ, hạn chế tình trạng ùn ứ rác, gây ô nhiễm môi trường và tăng mức phạt đối với những người xả rác (100.000 đồng với xả rác lần đầu tiên và 300.000 đồng đối với người tái phạm). Tuy vậy, vẫn nhiều người xả rác vô tư.

 

Bên cạnh đó, tình trạng treo bán thịt thú rừng thật giả lẫn lộn trong các cửa hàng lối đi lên chùa tiếp tục tái diễn. Mặc dù Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã tăng giá vé đò “cho hợp tình hình lạm phát” lên 35.000 đồng/vé với đò thường, 40.000 đồng/vé với đò cao cấp, vé thắng cảnh 50.000 đồng/người, nhưng với một lượng lớn khách đổ về trong ngày khai hội chùa Hương, nhiều chủ đò vẫn ngang nhiên đòi tăng giá gấp đôi mới chịu phục vụ.

 

Năm nay, lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) dự kiến sẽ thu hút khoảng 3 triệu lượt khách về với đất Phật. Nhưng dòng người leo lên chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử được liên tưởng như một cuộc leo núi nguy hiểm. Hàng ngàn người chen lấn xô đẩy trên con đường mòn cheo leo bên bờ vực sâu hun hút, chỉ cần một người ngã là sẽ kéo cả chục người lăn xuống những khe đá sâu hun hút...

 

Giữa mây mù, gió thổi hun hút lạnh thấu xương, cả dòng người lao tới thắp nhang, quẹt tiền sờ vào cột chùa, vào khánh, vào chuông để mong được may mắn. Không gian chật hẹp phải chứa cả vạn người. Nhưng ban tổ chức lại không bố trí đường vòng 1 chiều chạy quanh chùa nên con nhang đệ tử, người vãn cảnh hay người cầu danh lợi cũng lao tới từ tứ phía, thậm chí còn luồn qua các khe đá để chui lên. Xung quanh chùa Đồng là những mỏm, những tảng đá to như một gian nhà, chỉ một cú trượt chân cũng sẽ khiến du khách gặp nguy  hiểm.

 

Tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), hình ảnh khó chịu đập vào mắt đầu tiên là cảnh buôn bán nhốn nháo ngay từ trên đường đi bộ đến chùa; hàng quán, lều bạt dựng ngổn ngang. Nhiều người khó chịu với cảnh bị mời chào, chèo kéo. Cứ một đoạn đường lại có một khu hàng quán ăn uống, thức ăn thừa xả ra bừa bãi. Còn tại sân chính của chùa cách đó mấy bước, người đi chùa cứ thản nhiên xả rác. Đặc biệt, nhiều đoàn khách còn thuê thầy cúng, đọc sớ sang sảng trên loa phát thanh trong một khuôn viên nhỏ làm mất tính uy nghi, linh thiêng nơi cửa chùa.

 

Cảnh tượng “họp chợ” đầy lộn xộn cũng diễn ra ở chùa Bái Đính mới (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Ngôi chùa được coi là lớn nhất Đông Nam Á đón hàng vạn lượt du khách về trẩy hội mỗi ngày. Mảnh đất rộng trước tam quan chùa Bái Đính đã được người dân địa phương tận dụng để biến thành một khu chợ phục vụ khách thập phương với hàng trăm quầy hàng, quán ăn, bán đủ các chủng loại hàng hóa, từ cơm cháy đặc sản Ninh Bình, đồ nông sản địa phương đến quần áo và đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc... Cả khu chợ rộng mênh mông nhưng tìm mỏi mắt không thể thấy một chiếc thùng rác, dẫn đến rác thải bị vứt bừa bãi mọi nơi, tạo nên những khung cảnh nhếch nhác rất phản cảm./.