Cái tên Thổ Hà có lẽ xuất phát từ chính địa thế của ngôi làng. Nằm chênh vênh như như một ốc đảo với diện tích gần 20ha, Thổ Hà bị ngăn cách với bên ngoài bởi sông Cầu và hệ thống các hồ ao…
Cái tên Thổ Hà có lẽ xuất phát từ chính địa thế của ngôi làng. Nằm chênh vênh như như một ốc đảo với diện tích gần 20ha, Thổ Hà bị ngăn cách với bên ngoài bởi sông Cầu và hệ thống các hồ ao. Cũng bởi vậy mà hình ảnh ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân tới đây là những con đò đơn sơ trên bến nước, nép mình dưới những cây si già buông từng chùm rễ dưới dòng sông. Ngay trên bờ là ngôi đền thờ Thành Hoàng làng, cùng với chùa Đoan Minh và Từ chỉ Thổ Hà đều đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia. Cổng làng Thổ Hà nằm nép dưới tán của cây đa cổ thụ, rợp bóng xum xuê. Trong làng, nhà cửa san sát với những mái ngói đỏ đã nhuốm mầu rêu phong, những con đường nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ đã mòn vẹt vì thời gian. Những bức tường bao ở làng Thổ Hà không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hoặc tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, lớp tạo nên nét độc đáo lạ kỳ. Ông Cáp Trọng Tuất, một cao niên trong làng cho biết: “Điều đặc biệt là tất cả các ngõ trong làng đều dẫn ra một bến sông, đây là nét đặc trưng của Thổ Hà mà không ở nơi nào khác có”.
Làng Thổ Hà không có ruộng, chỉ có đất thổ cư với diện tích 20ha, dân số gần 4 nghìn người. Với điều kiện tự nhiên, xã hội như thế nên ngay từ thuở lập làng người dân ở đây đã chọn cho mình một nghề thích hợp để khai thác được nhiều lợi thế. Nghề được chọn chính là nghề gốm. Cùng với Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng Thổ Hà từng là một trong 3 trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt. Nghề gốm sứ ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỷ 14 và từng nổi danh khắp cả nước với các mặt hàng gốm gia dụng. Trong tấm bia ở đình Thổ Hà, khắc năm Chính Hòa thứ 14 có đoạn viết: “Bạn công thương chứa hàng tại chợ chất thành gò đống, hàng hóa luôn luôn lưu thông, nhân dân nhà nào cũng có lò nung gốm, mùa thu năm nào cũng mở hội tưng bừng”. Các chuyên gia nhận định rằng, gốm Thổ Hà mang những nét đặc trưng hiếm có như: Độ sành cao, không thấm nước, mầu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm Thổ Hà có độ bền vĩnh cửu dù có chôn dưới đất hay ngâm trong nước lâu ngày. Đáng tiếc, hiện nay làng gốm cổ Thổ Hà đã không còn duy trì được sự phồn thịnh như trước. Nhiều hộ dân trong làng đã chuyển sang làm các nghề khác trong đó phát triển nhất là nghề làm bánh đa nem.
Thổ Hà hiện nay còn nổi danh cả nước với giống gà chọi đẹp mã, đá hay, được nhiều người đến tìm mua. Cả xóm trên 800 nóc nhà thì có tới một nửa số gia đình nuôi gà chọi. Có thể nói, niềm đam mê nuôi gà chọi đã ngấm vào máu của người dân Thổ Hà. Ông Cáp Trọng Doanh, người có thâm niên lâu năm chơi gà chọi cho biết: Trong xóm, đã có người bán được con gà với giá 45 triệu đồng, còn dạng từ 15 tới 20 triệu đồng thì không hiếm”. Hiện nay, làng Thổ Hà đang duy trì ba sới gà thường xuyên hoạt động. Hàng năm hội làng cũng có các sới chọi để tạo điều kiện cho các chú gà tung hoành. Các cuộc chọi gà vẫn giữ được ý nghĩa truyền thống, giúp người dân giải trí sau những giờ lao động mệt mỏi.
Hội làng Thổ Hà là một trong những hội làng quy mô và đặc sắc nhất của vùng Kinh Bắc. Hội mở vào ngày 21, 22 tháng Giêng hàng năm. Sau nghi thức rước và tế lễ là đến phần hội với các trò chơi dân gian đặc sắc như chọi gà, đấu vật, cờ tướng… diễn ra chung quanh khu vực đình làng. Góc này thi đấu gà chọi, góc kia cờ tướng, cờ người…trong khi các thành viên câu lạc bộ Hán Nôm của địa phương thi viết chữ. Thanh niên trai tráng đắm mình quanh sới vật trong tiếng trống giục giã, liên hồi. Điểm thi đấu nào cũng thu hút đông đảo người xem, cổ vũ. Thổ Hà được coi là một trong những làng quan họ gốc.
Theo ông Cáp Trọng Điền, một liền anh quan họ của Thổ Hà thì trong thời gian diễn ra Lễ hội, ngoài trích diễn các tích tuồng cổ, các liền anh, liền chị quan họ từ nhiều nơi trong vùng cũng về tề tựu ca hát. Thường các cuộc hát diễn ra suốt ngày đêm, ban ngày hát quan họ ở sân đình, trên thuyền, về đêm các canh hát lại diễn ra ở chùa Đoan Minh. Có lẽ cũng từ nét độc đáo đó mà lễ hội Thổ Hà còn được gọi là Hội "đến hẹn lại lên". Hiện nay, mỗi khi nhắc đến quan họ Thổ Hà, nhiều người nhớ ngay tới những liền anh liền chị đã có "thương hiệu" trong cả nước như: Nguyễn Phú Hiệp, Nguyễn Đăng Nam, Cáp Trọng Điền, Cáp Trọng Huy, Nguyễn Thị Lệ...
Ông Nguyễn Công Lợi, Trưởng thôn Thổ Hà cho biết: Trải qua thời gian, cho dù nghề làm gốm có lúc thăng trầm, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một song bằng sự năng động, chắt chiu, những năm gần đây đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Kinh tế phát triển, đời sống văn hoá tinh thần của người dân nâng lên là điều kiện để thôn tổ chức lễ hội đầu xuân thêm trang trọng mà vẫn bảo đảm các nghi lễ truyền thống. Trong thời gian diễn ra lễ hội năm nay, Thổ Hà đã thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương và hàng trăm du khách nước ngoài.
Vẻ đẹp cổ kính với những khu kiến trúc cổ, nét văn hoá đặc sắc cùng với những nghề truyền thống in đậm hồn quê khiến cho Thổ Hà đã và đang là một địa chỉ quen thuộc và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.