Cuộc triển lãm mang tên “Mang biển về quê” trưng bày 37 bức tranh với cảm hứng và ý tưởng dựa trên những bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Đến với triển lãm diễn ra vào cuối tuần qua, người xem như được hòa mình vào một cuộc gặp ngẫu duyên mà kỳ thú giữa một nhà thơ Việt Nam với một họa sỹ - một người bạn Pháp và cảm nhận được sự giao hòa thú vị giữa nghệ thuật và văn hóa Việt - Pháp.
37 bức tranh được trưng bày lấy cảm hứng từ 37 bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Cả tranh và thơ được tập hợp trong một cuốn sách, cũng được giới thiệu tại buổi triển lãm. Sự kết hợp đó đã giúp người xem thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua con mắt trong trẻo của cậu bé Trần Đăng Khoa - một hiện tượng văn thơ Việt Nam được bạn bè Pháp thán phục.
Trong tranh của bà Dominique De Miscault, người ta thấy hình ảnh thân thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam với những chú gà con liếp nhiếp trong “Đi tìm mồi cùng mẹ bắt giun sâu”, chú gà trống gáy ò ó o, chú chó Vàng tội nghiệp trong bức tranh “Sao không về Vàng ơi?”. Ngay đến tiếng mưa rơi, tiếng võng kẽo kẹt mẹ ru con, hay niềm vui và tình cảm của cậu bé trong những bài “Mẹ vắng nhà”, “Hạt gạo làng ta”, “Mang biển về quê”… cũng được nữ họa sỹ Dominique De Miscault chuyển tải đến người xem qua ngôn ngữ hội họa.
Bà Dominique De Miscault kể lại rằng: “Tôi biết đến những vần thơ của Trần Đăng Khoa qua một cuốn thơ đã dịch sang tiếng Anh và chúng đã đem lại cảm hứng đặc biệt cho tôi. Tôi say mê những nét đẹp rất Việt Nam, rất thật và trong sáng trong thơ của Trần Đăng Khoa. Tôi cố gắng hết sức để diễn ra những vẻ đẹp đó trong tranh”.
Ngắm nhìn những bức tranh và đọc những vần thơ được đặt bên cạnh, nhiều bạn bè Pháp thực sự bị cuốn hút trong một sự kết hợp đầy nghệ thuật. Anh Jacques D’Angleterre cho biết: “Những vần thơ như cuộc đối thoại chân thực và trong sáng của cậu bé với cả một thế giới xung quanh. Nữ họa sỹ Dominique De Miscault đã đi thăm quan Việt Nam rất nhiều và rõ ràng qua những bức tranh này cho thấy bà thực sự bị ấn tượng và hấp dẫn bởi những vẻ đẹp của Việt nam. Trải nghiệm đó giúp bà cảm nhận và chuyển tải tốt hơn những vần thơ thành những bức tranh tuyệt vời”.
Theo bà Nicole Trampoglieri, chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt tại thành phố Choisy le Roi, nơi tổ chức buổi triển lãm, thì sự kiện này có ý nghĩa biểu tượng rất quan trọng: “Cuộc triển lãm – thành quả của sự kết hợp và hợp tác giữa 3 con người: nhà thơ, nữ họa sỹ và nữ dịch giả - theo tôi là biểu tượng quan trọng của tình bạn, tình đoàn kết, của những cảm nhận nghệ thuật và văn hóa chung giữa người dân Việt Nam và Pháp”.
Lời đề tựa cuốn sách của nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết về cuộc “hội ngộ” nghệ thuật kỳ thú giữa ông với nữ họa sỹ Dominique De Miscault: “Lần đầu tiên tôi được “ngắm” những bài thơ của mình. Ấy là khi những con chữ giản dị của tôi được biến hóa và nghệ thuật hóa bằng những đường nét, màu sắc qua tài nghệ của họa sỹ Dominique De Miscault. Chị đã phát hiện ra những vẻ đẹp Việt nam mà nhiều khi vì quá quen thuộc, chúng ta lại không nhìn ra. Triển lãm giống như một căn phòng Hữu nghị Pháp – Việt ấm áp, giản dị được xây đắp bởi ba con người rất nhỏ bé : Nhà thơ, họa sỹ và dịch giả./.