"Đây biển Việt Nam" đã thực sự tạo ra một cơn lốc về sáng tác, cắm cột mốc chủ quyền bằng tinh thần, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc trong lòng văn nghệ sĩ..." - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định.
Sau gần 6 tháng diễn ra, cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc "Đây biển Việt Nam" do báo VietNamNet, Hội Nhạc sĩ và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức đã thực sự tạo ra một cơn lốc về sáng tác, cắm cột mốc chủ quyền bằng tinh thần, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, yêu biển đảo cực kỳ sâu sắc trong lòng văn nghệ sĩ, người sáng tác trên toàn quốc với hơn 1000 tác phẩm thơ và hơn 400 ca khúc gửi về dự thi..." - nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định.
Với số lượng bài thi tham gia cực kỳ lớn, mà như nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ thì: "Đời làm giám khảo của tôi dù đã chấm rất nhiều cuộc thi sáng tác nhưng chưa bao giờ tôi phải lễ mễ xách theo hàng mấy chục "cân thơ" như lần này. Mừng thì rất mừng nhưng mà BGK phải làm việc vật vã quá... Rất nhiều tác phẩm ấn tượng, chỉn chu, kỹ lưỡng và đầy cảm xúc. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các tác giả đã tạo dựng nên cả một văn hóa biển, trong đó có con người, số phận, đời sống, và đương nhiên là có tình yêu sâu sắc..."
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT toàn quốc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trưởng BGK hạng mục Thơ - nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: "Với cuộc thi này, tình yêu Tổ quốc lại được dịp thổi bùng lên qua những nhiệt huyết và trách nhiệm, qua những cảm xúc thơ vừa nguồn cội, vừa thiết tha, mới mẻ. Tôi thực sự bị chấn động bởi vẻ đẹp của sự chân thành. Nó tươi rói biết bao nhiêu thầm thì quyến rũ. Cuộc thi đã thực sự mang lại nhiều đóng góp mới cho tình hình thơ ca Việt hiện nay".
"Hàng ngàn tác phẩm hướng về đề tài biển đảo lần này chính là sự bứt phá của rất nhiều tên tuổi quen thuộc trong làng thơ Việt. Cuộc thi cũng tìm ra những gương mặt mới, rất xuất sắc, như Trịnh Công Lộc là một phát hiện bất ngờ, với bài thơ "Mộ gió" ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng tới cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ "phô". Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó chính là sức mạnh toàn dân tộc. Mới mẻ về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, nó xóa đi mọi sự nghi kị, hẹp hòi, chỉ còn lại là mối đồng cảm lớn lao: Bảo vệ Tổ quốc bằng tổng lực sức mạnh của dân tộc" - nhà thơ Hữu Thỉnh tràn trề xúc động phát biểu.
Sau nhiều vòng chấm điểm tập trung, phân tích kỹ càng từng tác phẩm, đánh giá, bình chọn và thảo luận, hai BGK đã gửi tới BTC bảng đề cử cuối cùng. NS Đỗ Hồng Quân - trưởng BGK Nhạc - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: "Sáng tác dự thi hạng mục Nhạc rất đa dạng, phong phú, đề tài rộng, góc nhìn mở. Nhiều sáng tác chuyên môn sâu, đồng thời cũng xuất hiện những tác giả mới với tâm thế mới, phù hợp với xã hội đương đại, đồng thời phản ánh tình yêu sâu sắc với biển đảo quê hương. Hội Nhạc sĩ thật sự vui mừng vì cuộc thi đã tạo được thêm những "sân chơi" để các tác giả có điều kiện thể hiện tình yêu lớn lao hướng về biển đảo nói riêng và quê hương, đất nước nói chung".
Những tác phẩm dự thi có chất lượng tốt nhất đều "bám đuổi" nhau sát nút về điểm số, lại thêm thời gian gián đoạn công việc bởi lịch nghỉ Tết Nhâm Thìn dài ngày và sự bận rộn của hai BGK, cuộc thi đã phải lùi thời điểm tổng kết và trao giải đến hai lần. Trong những thời khắc cuối cùng, toàn bộ BTC đang quyết liệt dốc sức cho đêm trao giải và công diễn các tác phẩm đoạt giải sẽ được tổ chức dàn dựng công phu với phần công bố những sáng tác mới và mảng giao lưu nghệ thuật được chọn lọc kỹ lưỡng vào hồi 20h00, Chủ Nhật, ngày 19/02/2012 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô, 91 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Tham gia chương trình, có các ca sĩ: Trọng Tấn, Lan Anh, Đăng Dương, Việt Hoàn...
Hòa âm phối khí: nhạc sĩ Thanh Phương, nhạc sĩ Quốc Trung. Biên đạo múa: NSƯT Quốc Toản, Minh Nghĩa. Tổng đạo diễn: nhạc sĩ Nguyễn Khánh Trình. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT&TH Hà Nội.