Mới đây, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - Hà Nội đã diễn ra chương trình "Trò chuyện cùng nhà làm phim, nhiếp ảnh gia người Pháp Lolo Zazar". Đó không đơn thuần là một buổi trò chuyện nghệ thuật, người xem bị cuốn hút bởi những thước phim sinh động và được hướng dẫn để tự làm một bộ phim hoạt hình bằng cách thức hết sức đơn giản.
Những người quan tâm tới nghệ thuật đương đại tại Hà Nội hẳn đôi lần được nghe nói tới Lolo Zazar, một nhiếp ảnh gia đã có những triển lãm gây chú ý như "Hà Nội 999" (năm 2010), "Lời của tường" (tháng 5-2012). Tuy nhiên, ít ai biết Lolo Zazar đã tham gia làm phim hoạt hình hơn 30 năm nay, một số tác phẩm của ông còn được giải thưởng cao trong cuộc thi về phim hoạt hình của Pháp. Chương trình "Trò chuyện về nghệ thuật số 2" (ý tưởng khởi xướng của Bookwarm, do forum Grapevine tổ chức) đã mời Lolo Zazar tới trò chuyện về cách làm một bộ phim hoạt hình thật đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện.
Những bộ phim hoạt hình ngắn, hài hước, dí dỏm đã lần lượt được trình chiếu trong khoảng một tiếng đồng hồ. Người xem đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác từ những hình ảnh vô cùng sinh động. Những tràng pháo tay không ngớt cho thấy bộ phim có sức hấp dẫn nhường nào. Khán giả không khỏi tò mò, luôn đặt câu hỏi Lolo đã làm cách nào để tạo ra những hình ảnh thú vị đó. Làm thế nào để nhét một cái bánh mỳ xuyên từ tai phải sang tai bên trái? Làm thế nào để có hình ảnh người ngồi trên một chiếc ghế và nó chạy băng băng trên đường như được gắn động cơ? Làm sao để có được những hình ảnh người biến thành hình nộm?... Có thật là ông đã tạo ra tất cả những hình ảnh đó mà không cần sử dụng kỹ xảo điện ảnh tối tân?
Lolo Zazar đã giải đáp những điều bí mật đó ngay sau buổi chiếu các phim của mình bằng cách thực hiện ngay trên sân khấu một phim hoạt hình ngắn. Dụng cụ cho buổi trình diễn "có một không hai" là một máy chụp ảnh, một máy tính và một máy chiếu được kết nối với nhau. Lolo Zazar, trong vai một diễn viên đã diễn cảnh phi lý: Móc một chiếc bánh mì rất dài từ cái túi quần vừa bé vừa ngắn của mình, sau đó đưa cái bánh mì vào tai và xuyên nó qua đầu, lấy ra ở tai bên kia. Một người khác điều khiển máy chụp ảnh và máy tính. Từng đoạn diễn xuất của Lolo đều được chụp lại, sau đó dùng kỹ thuật "stop motion" (hoạt hình tĩnh vật) để dựng thành phim. Kết quả là từ khi bắt tay vào thực hiện tới lúc hoàn thành, trong vòng 10 phút, nhóm hai người đã cho ra một phim hoạt hình trình chiếu với thời lượng 5 giây. Theo Lolo, kỹ thuật "stop motion" sử dụng những hình ảnh chụp chuyển động liên tục để ghép lại thành từng khung hình trong phim, làm nên đoạn phim có hiệu ứng đặc biệt. Để có được những thước phim hoạt hình, người làm cần phải có sự kiên nhẫn và khéo léo. Tất nhiên, với cách làm phim đơn giản mà hiệu quả này, ý tưởng và nội dung phim giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Ít ai nghĩ làm một bộ phim hoạt hình lại có thể đơn giản đến thế. Cái cách làm nghệ thuật thú vị ngoài sức tưởng tượng ấy đã khiến nhiều người đề nghị Lolo Zazar hướng dẫn thêm cách làm phim ngay khi buổi trình diễn kết thúc. Ông đã không ngần ngại chia sẻ và cho biết sẽ thực hiện những dự án hướng dẫn làm phim cho người Việt Nam trong thời gian sắp tới.