Sau trang văn là cuộc đời

15:22, 01/06/2012

Lâu rồi tôi mới có dịp gặp gỡ, trò chuyện với chị Hà Thị Đèm, vợ cố Nhà văn Vi Hồng - người vừa được Chủ tịch Nước truy tặng Giải thưởng nhà nước do có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn  học - nghệ thuật. Câu chuyện của chúng tôi nhắc nhiều đến người đã khuất, đến những ngày buồn nhiều đã qua và cả ngày hôm nay cũng chưa thật vui.

Chuyện của ngày đã qua

 

Thời gian này, nhiều học trò, bạn bè của Nhà văn Vi Hồng đến thắp hương tưởng nhớ cố Nhà văn, chia vui với gia đình ông. Vì ông là nhà văn duy nhất của Thái Nguyên được nhận Giải thưởng Nhà nước dành cho 2 tác phẩm văn xuôi: “Đất Bằng” và “Đường về với mẹ chữ”.

 

Tôi là lớp hậu sinh, ít tiếp xúc với Vi Hồng, nhớ về ông nhất là vóc dáng gầy gò, hơi thở khó nhọc, bước loạng choạng từng bậc thang dẫn lên Hội Văn nghệ. Người tôi nhớ hơn là một phụ nữ dịu dàng luôn ở cạnh ông, dìu ông đi từng bước, chu đáo như chị, như mẹ, như em. Người đó “dìu” cả những con chữ của ông thành bản thảo, thành tác phẩm, thành sự nghiệp lớn. Người đó là vợ ông - chị Hà Thị Đèm bây giờ đã 58 tuổi, vẫn nền nã, hiền dịu và vẫn coi ông là mặt trời của cuộc đời mình.

 

Nghĩ đến nhà văn là nhớ đến cái tên Lạch Rêu (lều rách) ông ký dưới nhiều tác phẩm - Tôi gợi chuyện.

 

Gia đình đã vài lần chuyển chỗ ở, nhà nào cũng là Lạch Rêu cả. Mới đầu bọn mình dựng được túp lều ở Đồng Xe, trên Quán Triều, khi ấy là năm 1985, hai đứa con sinh đôi Vi Hà Thái, Vi Hà Nguyên mới 3 tuổi, mình dạy học ở Phục Hòa (Cao Bằng). Anh Hồng vừa lên lớp, viết văn vừa trông con nhỏ. Rồi nhà lại chuyển đến khu Lò Lợn (Phường Đồng Quang). Từ năm 1987 anh Hồng đã rất yếu. Anh ho nhiều, người gầy rộc, thuốc thang không có nên bệnh ngày càng nặng. Anh bảo: đầu anh còn chữ nhưng tay chân không còn sức rồi, em ở nhà giúp anh. Vậy là mình nghỉ dạy học ở nhà giúp anh làm sách. Năm 90 thì chuyển về làng Sư phạm (trong khu vực Đại học Sư phạm) ở đến bây giờ.

 

Trong những túp Lạch Rêu ấy, nhà văn nghĩ và nghĩ, phác thảo đề cương, phát triển thành truyện ngắn, thành tiểu thuyết, nghĩ đến đâu đọc cho vợ đánh máy đến đấy. Cứ cần cù cầy cấy trên cánh đồng chữ nghĩa, 15 tiểu thuyết ông đã cho ra đời trong vòng 17 năm (từ 1980 đến 1997), chưa kể hàng chục truyện ngắn, truyện vừa, công trình nghiên cứu khác. Thật là con số kỷ lục.

 

Cũng vì miếng cơm, Hằng ạ - Chị Đèm nói trong tiếng thở dài - 2 đứa con đang tuổi cần ăn để lớn, một người vợ không tháo vát như mình, cái gánh ấy đè lên vai người khỏe đã nặng, vậy mà còn dồn lên vai người yếu. Đến nỗi 2 thằng bé nhà mình mới 5 tuổi đã biết tự ăn, tự tắm, biết nhường sữa cho bố, biết chạy lại đỡ bố mỗi khi bố loạng choạng.

 

Chị bảo, có lúc anh thủ thỉ bày tỏ với chị: nếu anh không phải lo cơm áo hàng ngày, được làm việc trong căn phòng có cửa sổ rộng sáng về mùa đông, mát về mùa hè, anh sẽ viết được tác phẩm lớn…

 

Dù viết vì sự thôi thúc của sinh nhai, nhưng tài năng của Nhà văn vẫn lấp lánh bộc lộ. Rất nhiều đề tài nghiên cứu của những lớp hậu sinh đã khẳng định giá trị trong tác phẩm của ông. Nổi bật nhất là nét văn hóa của dân tộc Tày. Ông đã từng tâm sự thế này: “Các trang viết của tôi là những lời tâm tình cùng các dân tộc miền núi, trước hết với người Tày rằng: hãy yêu thương và biết yêu thương những cái đẹp, cao cả, đồng thời đem hết sức mình ra trừ diệt cái ác, kẻ xấu…Tôi cho rằng đây là sứ mệnh cao cả của mọi nhà văn trên thế giới”.

 

Gây tiếng vang lớn nhất trong 15 cuốn tiểu thuyết của ông là “Người trong ống”. Tôi nhớ vào năm 1990, ở Thái Nguyên người ta lùng sục tìm mua tiểu thuyết này của ông, họ rỉ tai nhau: Nguyên mẫu đích thị là ông A của một bệnh viện lớn của tỉnh. Áp lực tin đồn mạnh đến nỗi, những lần đau ốm, ông không vào bệnh viện đó để điều trị nữa.

 

Không phải là sợ người ta làm gì mình đâu, mà ngại là người ta kéo đến xem mặt thôi, nên mình không đưa anh đến - Chị Đèm giải thích với tôi như vậy.

 

Giờ đọc lại “Người trong ống” mới thấy, câu chuyện của hơn 20 năm trước vẫn là chuyện thời sự bây giờ. Nhân vật văn học ông xây dựng nên đâu phải là chuyện của một  người.

 

Và chuyện của hôm nay

 

Tôi đi theo cái dáng mềm đạp chiếc xe lọc xọc để về căn nhà làm từ năm 1993 của chị Đèm. Dường như mọi thứ vẫn nguyên như gần 20 năm trước. Trong căn buồng ngủ đồng thời là phòng văn của ông ngày xưa, chị Đèm mở chiếc tủ sắt để ở đầu giường, trong đó lưu giữ những tác phẩm của ông đã xuất bản và nhiều bản thảo chưa ra mắt được bạn đọc.

 

Chị kể: sau khi ông mất, chị được nhận vào làm ở Khoa Văn (Đại học Sư phạm Thái Nguyên) đến năm 2009 thì đủ tuổi nghỉ hưu. Tính cộng năm công tác được hơn 21 năm. Nhưng do giấy tờ gốc thất lạc nên không được hưởng chế độ gì. Giờ toàn bộ thu nhập là 2 triệu đồng chị làm bảo vệ cho một Trung tâm luyện thi. Hai con Hà Thái, Hà Nguyên cũng học Văn theo nghiệp bố, một đang dạy học ở vùng núi Cao Bằng, một đang chờ việc, chưa giúp được nhiều cho mẹ.

 

Tài sản lớn nhất của chị bây giờ vẫn là những trang văn ông để lại. Đối với chị chàng trai lãng mạn xé đôi khăn tay thề rằng: chỉ khi nào chiếc khăn này liền lại anh mới hết yêu em cũng như khi trở thành ông lão sắp từ giã cõi đời vẫn nói với chị: em là nguồn cảm hứng vô tận cho anh sáng tạo… mãi mãi chỉ là ông, một Nhà văn nghèo với tình yêu bất chấp thời gian.

 

Thắp một nén nhang lên bàn thờ Nhà văn, tôi ngắm di ảnh ông, ngắm mái tóc bạc, gò má hốc hác, lại nhói lòng nghĩ đến mơ ước nhỏ nhoi ngày ấy: Có được một căn phòng sáng về mùa đông, mát về mùa hè để yên tâm ngồi viết. Giải thưởng Nhà nước không chỉ ghi nhận giá trị văn chương ông đã cống hiến cho chúng ta, mà còn có thể thỏa được ước mơ kia. Tiếc rằng ông không còn sống để hưởng.

 

Nhà văn Vi Văn Hồng, bút danh: Vi Hồng; sinh năm 1936, mất năm 1997, dân tộc Tày; 30 năm là giảng viên dạy văn học dân gian tại Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn năm 1980. Ngày 27-5-2012, ông được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang truy tặng Giải thưởng Nhà nước.