Chiếu phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" tại Quảng Trị

15:02, 20/08/2012

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 20/8 cho biết, Bộ đã đồng ý để Viện phim Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị phổ biến phim tư liệu tại tỉnh này từ ngày 20-30/8 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Quảng Trị, 40 năm tác phẩm điện ảnh “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.”

Các bộ phim được chiếu trong tuần phim tư liệu gồm: "Chung một dòng sông;" "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm;" (2 tập) "Cỏ lau;" "Đời cát;" "Bên bờ Bến Hải;" "Mặt trận đường 9;" (2 tập) "Quảng Trị ngày đầu giải phóng;" "Những con người trở về;" "Cuộc gặp gỡ của những người thắng Mỹ tại Trị Thiên Huế."

 

Sau khi tuần phim kết thúc sẽ trao tặng phim cho tỉnh Quảng Trị để phục vụ nhiệm vụ chính trị.

 

Bên cạnh đó là hoạt động giao lưu nghệ sĩ, đoàn làm phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” với khán giả tỉnh Quảng Trị với chủ đề “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm - 40 năm nhìn lại,” đồng thời là hoạt động về nguồn tại một số địa danh lịch sử của tỉnh Quảng Trị.

 

Bộ phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" của đạo diễn, nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh ra đời năm 1972 giữa lúc cuộc chiến tranh kháng chiến giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Đây cũng chính là một trong những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

 

Kịch bản phim được nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ thực hiện trong suốt 5 năm trời trên cơ sở người thật, việc thật và mất 2 năm trời để hoàn thành bộ phim. Đây cũng là kịch bản hai tập đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

 

Bộ phim đã góp phần đưa tên tuổi nghệ sỹ nhân dân Hải Ninh cùng các nghệ sĩ Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái đến với đông đảo bạn bè quốc tế, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng trong và ngoài nước.

 

Sau hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự ngăn cách Việt Nam thành 2 vùng. Cuộc sống của người dân hai bên bờ sông bị ảnh hưởng nặng nề, hầu hết các gia đình đều có người thân sống dưới hai chế độ khác nhau.

 

Phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đề cập tới cuộc sống, chiến đấu của chị Dịu (Trà Giang đóng) có chồng tập kết ra Bắc, một mình vừa chăm lo gia đình, chờ tới ngày sinh nở và đảm nhiệm vai trò của người bí thư chi bộ, lãnh đạo nhân dân trong vùng chống chọi lại sự đàn áp, bắt bớ, khủng bố của kẻ thù. Những tra tấn, hành hạ thể xác và tinh thần của tên ác ôn Trần Sùng (Lâm Tới đóng) cùng quân địch cả ngày lẫn đêm không thể lay động ý chí sắt son của chị Dịu và bà con, chính nghĩa luôn luôn giành chiến thắng...

 

 

Tại Liên hoan phim quốc tế năm 1973 tại Nga, phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đã trở thành tiêu điểm chú ý của báo chí và người hâm mộ, giới điện ảnh thế giới. Phim đã giành được giải của Hội đồng hòa bình thế giới và "Giải nữ diễn viên xuất sắc" cho nghệ sỹ nhân dân Trà Giang.

 

Phim không chỉ hấp dẫn người xem ở câu chuyện về sự đối đầu, lựa chọn khắc nghiệt của người dân 2 bên bở Bến Hải khi đất nước bị chia cắt ở hai đầu chiến tuyến mà còn ở sự thách thức với đoàn làm phim khi thực hiện những thước phim đắt giá ngay tại vùng chiến tuyến đầy rẫy hiểm nguy...

 

Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn tiếp tục hợp tác làm một bộ phim nổi tiếng khác là "Em bé Hà Nội."

 

Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh đã thực hiện vô số bộ phim tài liệu và phim điện ảnh, nhiều bộ phim đã giành được giải thưởng lớn tại các liên hoan phim trong nước, quốc tế, mang lại vinh quang cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

 

Năm 2007, Nghệ sỹ Nhân dân Hải Ninh cũng đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho chùm tác phẩm điện ảnh "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm," "Mối tình đầu," "Thành phố lúc rạng đông," "Em bé Hà Nội," "Người chiến sỹ trẻ".../.