Thu đến tự bao giờ?

10:17, 22/09/2012

Sớm nay tỉnh giác chợt rùng mình se lạnh, đi ra khỏi nhà đã phải khoác thêm chiếc áo bên ngoài, những hàng cây bên đường bắt đầu trút lá, gió heo may lẩn khuất góc phố quen. Chợt giật mình thu đến tự bao giờ?

Mùa thu là giai đoạn chuyển tiếp từ hạ sang đông. Là mùa trong đó phần lớn các loại cây trồng được thu hoạch và các loại cây rụng lá mất lá của chúng. Đó cũng là mùa mà thời gian ban ngày ngắn dần lại và lạnh hơn.

 

Về mặt thiên văn học, mùa thu bắt đầu từ thời điểm thu phân (khoảng 23 tháng 9 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 3 ở Nam bán cầu), và kết thúc vào thời điểm đông chí (khoảng 21 tháng 12 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 6 ở Nam bán cầu).

 

Sáng mùa Thu, sương trắng bảng lảng trên đầu cành cây. Ngọn cỏ khẽ đưa mình khi gió vờn vợt ngang qua. Hiếm mùa nào cho ta nhiều cảm xúc đến vậy. Thu nhẹ nhàng mà tha thiết. Nắng Thu không chói chang, vàng vọt mà đủ để làm hồng má người thiếu nữ, đủ nhuốm vàng cả cánh đồng, cành cây, ngọn cỏ. Bởi thế mà người ta gọi Thu là mùa của “lá vàng”, mùa của “cánh đồng vàng” và mùa của tình yêu son sắt.

 

Thả mình trên những con đường ngập tràn hương hoa sữa đủ cảm nhận cái bàng bạc của hơi sương cùng dư vị nồng nàn của hương hoa, chợt thấy mùa Thu thật diệu kỳ. Sau ngày làm việc, chầm chậm một mình dạo bước trên con đường vắng, nhìn lá rơi lác đác, bỗng thấy lòng chùng lại, bao lo toan thường nhật tan biến, thấy yêu thương nhiều hơn.

 

Những tinh khôi của đất trời, của đời người như hòa làm một. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, cũng là mùa thăng hoa của hồn người. Khi đã trải qua những non nớt, mỏng manh; những sôi nổi rực cháy đam mê và khát vọng thì mùa thu vừa cho ta chiêm nghiệm, vừa ta vững bước đi lên…

 

Đi giữa mùa thu, cảm giác được trở về, được giải tỏa, được đánh thức trước những bộn bề của cuộc sống... cứ để lòng  đắm chìm trong hương thu như thế sẽ thấy mình cũng dịu dàng, lắng đọng như Thu. Và những câu thơ của thi sĩ họ Chế lại ào về: “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa cho mùa thu làm lấy / Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá / Nó không là anh, nhưng nó là mùa…”