Văn hoá “tắt máy, dắt xe” qua cổng

09:31, 13/09/2012

“Tắt máy, dắt xe” là một trong những quy định bắt buộc của hầu hết các cơ quan Nhà nước khi vào cổng. Đó là việc làm cần thiết để bảo vệ của đơn vị kiểm soát được người ra, vào, nhất là với khách tới làm việc. Nhiều cơ quan do thực hiện không nghiêm quy định này đã dẫn đến việc kẻ gian trà trộn vào lấy cắp tài sản... Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến việc thực hiện dắt xe hiện nay ở một số công sở.

Theo ý kiến chủ quan của tôi, đã là quy định thì tất cả mọi người đều phải nghiêm túc chấp hành, dù là chủ hay khách, dù là thân hay sơ. Thế nhưng, ở nhiều cơ quan, quy định này chỉ thực hiện đối với khách, còn chủ thì “không tính”, điều này khiến cho việc chấp hành của nhiều người rơi vào tình trạng lúng túng.

 

Một lần, chị V đến UBND huyện P để làm việc. Vì thấy mọi người đều phóng xe máy qua cổng bảo vệ nên chị V cũng vô tư làm theo. Khi vừa dựng được chân chống xe, anh bảo vệ từ đâu hộc tốc chạy tới, chỉ vào mặt chị và nói như quát: Mày mù thì cũng phải nhìn thấy mờ mờ chứ. Biển dắt xe lù lù ở kia mà còn đi xe qua. Chị V biết mình có lỗi nên trong lòng tuy rất khó chịu trước lời lẽ thô tục của anh bảo vệ nhưng cố kiềm chế không nói gì, lặng lẽ bỏ đi. Chứng kiến sự việc đó, ông Chánh Văn phòng huyện P đã ra xin lỗi chị V vì thái độ khiếm nhã của nhân viên cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh bảo vệ cần cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói. Một số người đứng gần đó cho rằng: May mà người bị “mắng” hiền lành nên không có lời qua tiếng lại, chứ “vớ” phải người ghê gớm thì chắc chắn sẽ cãi nhau to. Kể từ hôm đó, văn phòng huyện P yêu cầu tất cả cán bộ công chức viên chức trong cơ quan đều phải dắt xe qua cổng, chứ không phải chỉ áp dụng với “khách” như trước đó.

 

Tình trạng “tắt máy, dắt xe qua cổng” chỉ áp dụng với khách trên thực tế diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan. Thậm chí, ở cơ quan U lại còn có chuyện cán bộ từ phó, trưởng phòng trở lên thì cứ vô tư phóng xe qua cổng, còn những nhân viên bình thường thì phải dắt xe. Tuy không “thành văn” nhưng việc áp dụng đó diễn ra khá rõ. Có những nơi thì lại thực hiện theo bảo vệ. Hôm nay, bảo vệ A trực thì không phải tắt máy dắt xe, nhưng hôm sau, bảo vệ B trực thì lại phải dắt...

 

Thiết nghĩ, đã là quy định thì mọi người đều nên tôn trọng thực hiện. Các cơ quan cũng không nên chỉ áp dụng với người này, nhóm người này mà không bắt buộc với người hay nhóm người khác. Để làm được điều đó, ngoài ý thức trách nhiệm của bảo vệ cơ quan, đơn vị, thì vai trò chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, mà trực tiếp là lãnh đạo văn phòng cơ quan cần phải quan tâm, thường xuyên nhắc nhở đối với đội ngũ bảo vệ. “Tắt máy, dắt xe” qua cổng tuy chỉ là việc nhỏ nhưng khi việc thực hiện không nghiêm sẽ mang đến những hình ảnh không đẹp mắt, mất đi sự nghiêm túc nơi công sở, thậm chí còn khiến nhiều người cho rằng có sự phân biệt đối xử giữa cán bộ với dân, giữa khách với chủ. Đây cũng là một trong những nét đẹp của một cơ quan văn hóa.