Cần làm rõ dấu ấn của một vương triều

09:04, 07/10/2012

Ngày 6/10, tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, huyện Phổ Yên và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Yên Bình tổ chức Hội hảo khoa học: “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của Vua Lý Nam Đế”

Lý Bí - vua Lý Nam Đế (503 - 548) là vị Anh hùng dân tộc, ông là người có công lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa đánh đổ ách đô hộ của Nhà Lương (năm 542), lập nên Nhà nước Vạn Xuân độc lập. Trong lịch sử Việt Nam, cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo đã để lại dấu ấn đậm nét trong chặng đường lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bền bỉ, dài lâu và gian khổ của dân tộc. Lý Bí là người đầu tiên xưng Đế sánh ngang hàng với các Hoàng đế Trung Hoa ở phương Bắc, thể hiện ý chí, khát vọng độc lập và tư tưởng tự tôn dân tộc của ông. Tuy nhiên cho đến nay, thân thế, quê gốc chính xác của ông từ nhiều năm nay vẫn là câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà sử học.

 

Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, xuất hiện những ý kiến hoàn toàn mới của các nhà nghiên cứu lịch sử được đăng tải trên một số tạp chí chuyên đề lịch sử về vấn đề quê gốc của Lý Bí: tác giả Minh Tú với bài Về Lý Nam Đế trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 254, tháng 1 năm 1991; nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh, người quê ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với bài Tìm hiểu thêm về châu Giã Năng và ấp Thái Bình thời Lý Bí, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 295, tháng 11-12 năm 1997… Những bài viết đều tập trung đưa ra nhiều cứ liệu lịch sử chứng minh quê gốc của Lý Bí thuộc Thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

 

Xuất phát từ thực tiễn trên, với tình cảm đối với Anh hùng dân tộc Lý Bí, trách nhiệm với lịch sử nước nhà, được sự đồng ý chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Huyện Phổ Yên tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê gốc của Vua Lý Nam Đế”. Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 6-10-2012, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, với sự tham gia của các Nhà sử học hàng đầu Việt Nam, những nhà nghiên cứu lịch sử tâm huyết và đặc biệt là sự tham gia của đại diện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong địa bàn huyện Phổ Yên. Một nội dung quan trọng của cuộc Hội thảo là bàn về quê hương của vua Lý Nam Đế, một vấn đề đang còn nhiều ý  kiến khác nhau.

 

Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc “Ăn qủa nhớ người trồng cây”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Phổ Yên luôn biết ơn và kính trọng đối với vị Anh hùng dân tộc Lý Nam Đế, từ tinh thần trách nhiệm với lịch sử nước nhà, nhiều năm nay vẫn tin tưởng và kiên trì sưu tầm các nguồn sử liệu, tài liệu liên quan gửi tới các nhà sử học, các cơ quan khoa học mong được làm sáng tỏ. Những sử liệu truyền miệng và những sử liệu thành văn về vua Lý Nam Đế sẽ góp phần vào việc làm sáng tỏ những nghi vấn lịch sử về quê hương gốc của Người.

 

Môt điều đặc biệt là: Trước khi các nhà sử học, các nhà khoa học xác định được đâu là quê hương của vua Lý Nam Đế, thì nhân dân xã Tiên Phong (Phổ Yên, Thái Nguyên) và nhân dân làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội) đã có nhiều cuộc trao đổi thông tin. Nhân dân làng Giang Xá, nơi có đình, đền thờ vua Lý Nam Đế và có chùa Giang Xá, nơi Đức vua tu hành thời trẻ, đã mặc nhiên thừa nhận thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), nơi có chùa Hương Ấp, là quê hương của vua Lý Nam Đế. Nhân dân làng Giang Xá, về mặt tâm linh đã thừa nhận xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên là quê hương của vị thần Thành hoàng làng mình.

 

 Cùng nằm trong những tình cảm đó, từ đầu năm 2012 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức được 13 cuộc điền dã thực địa ở các vùng: Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kết hợp với tư liệu Thần tích, thần sắc, truyền thuyết… còn lưu giữ tại các xã Giang Xá, Lưu Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội, để phục vụ hội thảo và đi tới nhận định Vua Lý Nam Đế có quê gốc là thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày nay.

Như đã nói ở trên, cuộc Hội thảo sẽ có sự tham gia của các Nhà sử học hàng đầu Việt Nam, những nhà nghiên cứu lịch sử tâm huyết. Đây là dịp để các nhà khoa học phát biểu ý kiến về vấn đề tôn vinh xứng đáng đối với công lao, sự nghiệp của vị Anh hùng dân tộc - Đức vua Lý Nam Đế, đồng thời, trao đổi để đi đến thống nhất kết luận về quê hương của vua Lý Nam Đế.

 

Với mong muốn của nhân dân 2 địa phương là: Phổ Yên - Thái Nguyên - quê gốc của vua Lý Nam Đế và Hoài Đức - Hà Tây (Hà Nội) - quê hương thứ 2, nơi Người dựng nghiệp, bằng sự kính trọng vị Anh hùng dân tộc Lý Bí, cùng những thông tin, những nguồn sử liệu, tài liệu có được, hơn nữa đây là trách nhiệm lớn với lịch sử nước nhà, với tổ tiên, dân tộc, mong rằng các nhà sử học, nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn, các đại biểu tham dự Hội thảo, nghiên cứu, đi đến thống nhất để khẳng định chính xác: Quê hương Anh hùng dân tộc Lý Bí (vua Lý Nam Đế) là ở: thôn Cổ Pháp - xã Tiên Phong - huyện Phổ Yên - tỉnh Thái Nguyên.