Cau trầu trong văn hóa người Việt

16:54, 25/10/2012

Ngày 24/10, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khai mạc phòng trưng bày “Văn hóa trầu cau Việt Nam” tại Hà Nội nhằm giúp cho du khách hiểu rõ hơn về tục ăn trầu ở Việt Nam, góp phần gìn giữ, phát huy một nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tục ăn trầu ở Việt Nam, tương truyền xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng Chuyện Trầu Cau. Trong lịch sử, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp từ cung đình cho đến dân gian và đã trở thành một nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, vừa biểu hiện phong cách Việt Nam, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Triển lãm “Văn hóa trầu cau Việt Nam” trưng bày khoảng 100 hiện vật tiêu biểu có từ thời Lý trở về sau, gồm bình vôi, ống vôi, dao cau, cơi trầu, túi trầu…

 

Đặc biệt, có bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quý tộc thuộc bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn, là những cổ vật quý với chất liệu vàng, bạc, ngọc... được tạo dáng, trang trí độc đáo và tinh xảo; bộ đồ ăn trầu của tầng lớp bình dân lại được tạo dáng đơn giản, bằng chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải…Trưng bày còn có bộ dụng cụ ăn trầu của các dân tộc Kinh, Tày, Chăm, Khmer, Xơ đăng, Xtiêng với những nét rất riêng.