Gìn giữ Phường rối Tày Ru Nghệ

09:14, 02/10/2012

Từ hàng trăm năm trước, trong lễ hội mùa Xuân, người Tày ở Định Hóa thường diễn trò múa rối Tắc Kè - Pú Cấy, với sự tham gia của phường rối cạn: Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh và Thẩm Rộc, xã Bình Yên. Qua năm tháng, rối Tày Ru Nghệ, nét đặc sắc văn hóa độc đáo từng một thời rực rỡ trên sân khấu gắn bó với cuộc sống lao động của người dân nay đã dần bị mai một. Thực hiện Đề án “Tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” giai đoạn 2011-2015, năm 2012, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án thực hiện sưu tầm, khôi phục, giữ gìn và bảo quản và phát huy hai loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc sinh sống trên địa bàn, trong đó có loại hình rối Tày Ru Nghệ.  

Tìm về xóm Ru Nghệ 2 vào một ngày cuối tháng 9, chúng tôi được ông Ma Văn Cười, Trưởng xóm Ru Nghệ 2 kể: Trước đây, ông theo cha là Ma Văn Lưu (sinh năm 1917), Trưởng phường rối Ru Nghệ thường đi biểu diễn các nơi và rất thích thú. Thông thường màn múa rối kéo dài khoảng nửa tiếng, mở đầu là màn diễn của các nghệ nhân mô phỏng hoạt động cày, bừa, câu cá, vòng đi vòng lại trên sân khấu. Cuối cùng và cũng là trung tâm của màn rối là biểu diễn Tắc Kè leo cây. Tích trò kể câu chuyện con Tắc Kè, đại diện cho loài vật vì cậy có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh giành với với Pú Cấy (con người) công làm ra các loại lương thực. Động tác của các nghệ nhân điều khiển con rối mô phỏng những động tác mạnh giữa con người và Tắc Kè như leo lên, tụt xuống chạy, nhảy, cào, cấu, giằng xé rất sinh động, mang đến cho người xem những tiếng cường sảng khoái. Khác với hình thức biểu diễn của rối cạn Thẩm Rộc, các con rối được điều khiển bằng que tre, kết hợp với tiếng đàn tính, sáo và hát then tạo thì trong rối Tày Ru Nghệ, các con rối được điểu khiển bằng tay, cùng với đó là tiếng trống rộn rã trong đoạn mô phỏng cảnh cày, bừa của nông dân, gây ấn tượng trên sân khấu…

 

Cũng tại xóm Ru Nghệ 2, chúng tôi tình cờ gặp các cán bộ Phòng Văn hóa huyện khi các anh đang đi khảo sát tại phường rối, chuẩn bị các công đoạn để có thể biểu diễn trong tháng 10 này. Anh Trần Doãn Khánh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Thực hiện việc khôi phục, bảo tồn và phát huy rối Tày Ru Nghệ, Tổ khôi phục đã được thành lập với 5 thành viên gồm 3 cán bộ văn hóa  huyện và 2 người ở địa phương. Qua gặp gỡ những người hiểu biết về Phường rối, ghi chép lời bài giáo trò và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương, Tổ khôi phục đã thành lập Phường rối cạn xóm Ru Nghệ 2 gồm 14 thành viên. Điều đặc biệt là các thành viên trong phường rối đều là nam, trong đó cao tuổi nhất là ông Hoàng Văn Nguyên (67 tuổi), trẻ tuổi nhất là Mai Hồng Hạnh, Ma Văn Tuấn (26 tuổi). Đến nay, các bước chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, Phường đã lên kế hoạch tập luyện và chờ ngày biểu diễn ra mắt công chúng. Trò chuyện với các đồng chí cán  bộ văn hóa trong Tổ khôi phục chúng tôi đều cảm nhận được sự say sưa, tâm huyết của các anh. Được biết, để có thể tham mưu cho cấp trên thực hiện Đề án này, các anh đã mất hằng năm trời mày mò, tìm hiểu và sưu tầm các thông tin tư liệu về rối Tày trên địa bàn huyện và cả trên mạng về loại hình rối cạn đặc sắc này. Anh Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1985, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện hồ hởi nói: Bản thân là người trong xóm nên từ bé tôi đã được các ông bà kể lại chuyện về Phường rối, gắn với lễ tịch điền trong hội làng xưa. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Văn hóa dân tộc thiểu số, về công tác tại địa phương, được giao nhiệm vụ trực tiếp đến nhà các cụ cao tuổi và nghệ nhân của xóm tìm hiểu nguồn gốc, lời giáo trò của Phường rối tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Ngồi nghe các nhân chứng, nghệ nhân của xóm kể về những năm tháng hào quang của loại hình nghệ thuật này cũng như trăn trở khi nó đang ngày bị mai một, tôi như được truyền lửa sự say sưa, yêu nghề và khát vọng lưu truyền tinh hoa văn hóa dân tộc mình. Tôi rất vui vì mình đã góp phần vào việc khôi phục nét đẹp văn hóa của chính quê hương...

 

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nguyên, người chuyên đẽo con rối cho phường Ru Nghệ và gặp một số thành viên của phường rối và một số người dân trong xóm đang tập trung ở đây. Vừa nhanh tay đục đẽo một con rối, ông Nguyên vừa vui vẻ nói với chúng tôi: Được giao làm con rối, tôi đã nhanh chóng tiến hành làm. Hiện, hai con rối đang được hoàn thiện. Còn bà Hà Thị Định, hiện là Chủ tịch Hội cựu giáo chức, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Thịnh cho biết: Thời điểm trước (2002), tôi là Bí thư Chi bộ Xóm Ru Nghệ 2 đã từng cùng mọi người khôi phục lại phường rối và biểu diễn được một vài năm. Tuy nhiên, sau vì phường tự hoạt động không có sự quản lý và hỗ trợ kinh phí của Nhà nước nên đã bị mai một.

 

Cũng giống như bà Định, một số người dân trong xóm đều có chung quan điểm: Nay huyện đã quan tâm gìn giữ loại hình này, chúng tôi hy vọng sau khi triển khai đề án này, rối Tày Ru Nghệ sẽ tiếp tục phát triển, được đông đảo nhân dân trong huyện, tỉnh và cả nước biết đến chứ không phải dừng lại sau đề án lại để đấy. Người dân  trong xóm đang rất mong chờ ngày phường rối biểu diễn…