Nhằm bảo tồn, gìn giữ một nét tinh hoa văn hóa truyền thống, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đã thành lập các Câu lạc bộ Hát then thu hút đông đảo bà con dân tộc Tày, Nùng tham gia. Không chỉ có các cụ già, Câu lạc bộ còn thu hút các em nhỏ thường xuyên đến tập luyện. Trong các dịp lễ hội, Câu lạc bộ lại đem tiếng hát ngọt ngào, hòa quyện trong giai điệu đàn tính trầm bổng đi giao lưu biểu diễn trên khắp các nẻo đường đất nước…
Một ngày đầu năm 2013, chúng tôi có dịp về Thái Nguyên tham dự buổi tập của Câu lạc bộ Hát then huyện Định Hóa. Tiếng hát ngọt ngào trong vắt hòa quyện với giai điệu đàn tính trầm trầm và tiếng lục lạc khoan nhặt như níu bước chân du khách.
Từ các cụ già cho đến các em nhỏ, ai ai cũng phấn khởi, say sưa với những làn điệu then. Từng làn điệu then cất lên chứa đầy cảm xúc làm nao lòng người. Dưới sự hướng dẫn cần mẫn và tận tình của nghệ nhân, từng lời hát then được cất lên “tròn vành rõ chữ”. Chứng kiến những em nhỏ hát Then rất say sưa cùng ông bà, bố mẹ; những em học sinh biểu diễn hát then đàn tính trong các cuộc thi của trường tổ chức thời gian gần đây, chúng tôi hiểu đưa niềm say mê nghệ thuật đến với thế hệ trẻ, các nghệ nhân đang làm công việc “truyền lửa” của mình một cách thật giản dị, nhưng rất có ý nghĩa.
Bạn La Trấn Tú (thành viên Câu lạc bộ Hát then Định Hóa, năm nay 22 tuổi) cho rằng, bây giờ lớp trẻ rất ít người biết đàn tính, hát then của dân tộc, để bảo tồn và phát huy được bản sắc dân tộc cần phải có những Câu lạc bộ hướng dẫn, truyền dạy cho thế hệ trẻ: “Nói chung học cái gì cũng khó nhưng nếu mình đam mê, yêu thích và cô giáo chỉ bảo tận tình thì cũng học nhanh. Em học rồi em thấy đam mê, càng học càng muốn học nữa. Bây giờ văn hóa dân tộc thiểu số nói chung, văn hóa dân tộc Tày nói riêng nếu không khôi phục nhanh chóng thì sẽ bị mai một. Học xong lớp này, sau này có ai muốn học thì mình có thể truyền dạy lại cho họ”.
Chúng tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát then tỉnh Thái Nguyên khi bà đang dạy các lớp học hát then ở Định Hóa. Hằng tuần, bà vẫn đi 50km, từ Thành phố Thái Nguyên lên Định Hóa. Những ngày này trời rét và mưa suốt, do thay đổi thời tiết và giảng dạy một ngày mấy lớp, nên nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng đã mất tiếng, khản giọng. Dù vậy, bà vẫn cố gắng hướng dẫn các học viên, không để lớp nào phải nghỉ. Nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng truyền dạy hát Then cho các thế hệ vì lòng yêu thích, và hơn cả là niềm mong mỏi nét văn hóa này được lưu giữ và nhân rộng: “Do lòng đam mê và yêu nghề nên còn sức khỏe thì mình đi dạy. Trung tâm văn hóa mời sang dạy cho các chị, rồi mình lên dạy các huyện. Ở Định Hóa, xã nào cũng có câu lạc bộ hát Then”.
Định Hóa có hơn 40.000 người dân tộc Tày Thái Nguyên, đông hơn cả so với các địa phương khác trong khu vực, có 6 nghệ nhân hát Then, đàn tính. Đầu năm 2007, Câu lạc bộ Dân ca các dân tộc huyện Định Hóa được thành lập trên cơ sở nhóm nghệ nhân then. Rất đông người xin vào Câu lạc bộ, qua tuyển lựa đã kết nạp 42 hội viên của 4 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Kinh… Các hội viên của Câu lạc bộ hầu hết là nông dân, họ tranh thủ lúc nông nhàn để học đàn, hát các bài ca đã quen thuộc từ khi còn trong bụng mẹ.
Bà Hoàng Thị Hòa vì còn đang công tác nên không thể thu xếp thời gian để tham gia Câu lạc bộ, nhưng mỗi lần nghe thấy tiếng hát then là bà lại tranh thủ thời gian sang nghe: “Tôi rất ham mê nhạc điệu then nên mỗi khi nghe thấy nhạc then là tôi lại sang nghe, nghe có những âm điệu càng nghe rất là hay, vào lòng, có những âm điệu rất du dương. Tôi rất thích hát nhưng k có điều kiện học vì còn đi công tác, tôi nghĩ lúc nào nghỉ hưu tôi sẽ tham gia Câu lạc bộ hát then”
Nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc Tày ở Định Hóa, chính quyền địa phương và người dân đã thành lập Câu lạc bộ Hát then, từ đó đến nay đã thu hút rất nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Các nghệ nhân càng phát huy vai trò của mình, góp phần thành lập thêm nhiều Câu lạc bộ Hát then ở các xã, giúp nhiều người, nhất là thế hệ trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này.
Giữa bộn bề cuộc sống vất vả mưu sinh, người dân Định Hóa vẫn dành thời gian đắm mình với hát then, hồn dân tộc, hồn văn hóa đang được họ lưu giữ và phát huy như thế.