Lễ Mộc Dục:Điểm nhấn trong Lễ hội Đền Đuổm năm 2013

10:35, 06/02/2013

Lễ hội Đền Đuổm được tổ chức chính hội vào mùng 6, tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - người có công đánh đuổi giặc phương Bắc, với mong muốn, cầu Đức Thánh Đuổm ban cho một năm mới mọi sự tốt lành, mùa màng bội thu, no ấm. Đây không chỉ là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh mà còn là một hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của huyện, tỉnh với du khách thập phương…

Năm 2012, Lễ hội Đền Đuổm được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn và tiết kiệm. Điểm nhấn trong Lễ hội là khai mạc Hội Báo Xuân Nhâm Thìn với hơn 500 đầu báo, tạp chí, ấn phẩm của các cơ quan báo chí Trung ương và tỉnh được trưng bày tại ngày khai hội. Khép lại năm Nhâm Thìn, đền Đuổm đã thu hút trên 200 nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài đến chơi hội, dâng hương và du ngoạn. Tổng thu các hoạt động tại Đền Đuổm năm 2012 khoảng 1,5 tỷ đồng. Nguồn thu này đã được sử dụng cho hoạt động duy trì Ban Quản lý đền, đối ứng để trùng tu, tôn tạo di tích cũng như phục vụ cho hoạt động Lễ hội năm 2013… Đến hẹn lại lên, Lễ hội Đền Đuổm Xuân Quý Tỵ 2013 đang gần kề. Để Lễ hội diễn ra đảm bảo đúng chuẩn mực nghi lễ, mang đậm nét truyền thống dân tộc, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và quảng bá được du lịch của địa phương đến với du khách, Phú Lương đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nội dung hoạt động diễn ra trong lễ hội cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm...

 

 

Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương cho biết: Lễ hội năm 2013 sẽ được tổ chức vào ngày 14 và 15/2 (tức mùng 5 và mùng 6, tháng Giêng âm lịch) với nhiều hoạt động. Ngày mùng 5, tại khu vực sân khấu ngoài trời khu vực đền Đuổm sẽ diễn ra một số hoạt động như: Khai mạc Năm Du lịch và quảng bá du lịch Phú Lương 2013; 16 xã, thị trấn trang trí trại không gian để trưng bày các sản vật đặc trưng của từng địa phương; thi trình diễn xao chè, giã bánh dày, gói bánh chưng; tổ chức trò chơi kéo co, bóng chuyền, biểu diễn nghệ thuật… Và từ 22 giờ đến 24 giờ cùng ngày, tổ chức đoàn rước lấy nước tại giếng Dội để thực hiện nghi lễ Mộc dục (tắm tượng) và nghi lễ gia quan tại đền Đuổm - Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất và là điểm nhấn trong Lễ hội năm nay. Tương truyền, rước nước là nghi lễ quan trọng trong hội tế Thành Hoàng làng hàng năm, với mục đích lấy nước làm lễ Mộc Dục. Mọi người dâng nước trước đền (đình), sau đó làm lễ Mộc Dục bày tỏ lòng thành kính với người có công dựng nước. Không chỉ vậy, Lễ rước nước còn biểu dương sức mạnh đoàn kết, một lòng của nhân dân Phú Lương trong đấu tranh gìn giữ và xây dựng quê hương. Sang ngày mùng 6, thực hiện nghi lễ rước lễ vật vào Đền, tế lễ và khai mạc Lễ hội, dâng hương. song song với các hoạt động như thi văn nghệ, trò chơi bắt lươn, trạch trong chum, tung còn, đi cà khoeo, bịt mắt đập niêu…, Ban Tổ chức sẽ tiến hành chấm trại, trình diễn sản vật của 16 xã, thị trấn. Lễ hội sẽ được bế mạc vào 17 giờ cùng ngày.

 

Về cơ sở vật chất, ngoài chỉnh trang sân khấu, sân hội, phân khu vực làm trại trưng bày của 16 xã, thị trấn, khu vực bán hàng… Ban Quản lý di tích đền Đuổm và Ban tổ chức Lễ hội đang đôn đốc nhà thầu tập trung hoàn thiện công trình Nhà sắp lễ đúng tiến độ phục vụ lễ hội. Nhà sắp lễ có tổng kinh phí xây dựng trên 700 triệu đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Để thực hiện nghi lễ Mộc dục và nghi lễ Gia quan tại Đền Đuổm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Ban Quản lý di tích đã chuẩn bị xong phương tiện, đạo cụ, trang phục của người Tày, Dao, Mông, Sán Chí cũng như luyện tập các bước để thực hiện nghi lễ rước nước, rước lễ vật vào Đền… Bên cạnh các nghi lễ chính, các xã, thị trấn cũng đã chuẩn bị các sản phẩm, đặc sản của địa phương, trong đó nhấn mạnh văn hóa trà gắn với quảng bá sản phẩm chè với du khách góp phần tiếp nối cho sự kiện Liên hoan trà Quốc tế - Thái Nguyên lần thứ 2 sẽ được tổ chức cuối năm 2013.

 

Ngoài công tác chuẩn bị cho phần lễ và phần hội thì vấn đề quản lý các hoạt động diễn ra tại lễ hội, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được các cấp, ngành chức năng lên kế hoạch thực hiện. Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: Phương châm của huyện là tổ chức một lễ hội vui tươi, lành mạnh, nhưng phải an toàn và tiết kiệm. Đó là, không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày mà rút ngắn xuống còn 1 ngày rưỡi; huy động tối đa các trang thiết bị, phương tiện sẵn có của huyện để phục vụ công tác tổ chức lễ hội. Không dùng tiền ngân sách để chi phí cho hoạt động lễ hội mà thực hiện chủ trương “lấy lễ hội nuôi lễ hội”. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh, mang tính giáo dục cao.

 

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho Lễ hội, huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an, Quân sự huyện phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ xã Động Đạt và thị trấn Đu lên phương án bảo vệ, phân luồng giao thông trước, trong và sau Lễ hội. Bố trí lực lượng ở khu vực phía núi, trong và ngoài Đền để kịp thời nhắc nhở du khách không leo núi; dâng hương, thắp hương, hóa tiền vàng đúng quy định. Đồng thời, lập phương án phòng, chống cháy nô, sẵn sàng đối phó khi có tình huống xấu xảy ra… Đội Kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các dịch vụ văn hóa, ngăn chặn các trò chơi mang tính chất cờ bạc trá hình, mê tín dị đoan... Để kiểm tra, kiểm soát hàng giả, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành chức năng đã tổ chức hướng dẫn cho các chủ cơ sở có quầy quán tại lễ hội đăng ký và cam kết về chất lượng sản phẩm, giá cả dịch vụ theo quy định…