Khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư năm 2013

09:09, 10/03/2013

Tối 9-3, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Ðác Lắc), UBND tỉnh phối hợp các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Cà-phê Việt Nam khai mạc Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư năm 2013 với chủ đề "Cà-phê Buôn Ma Thuột liên kết, phát triển".

Tới dự, có Ðại tướng Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ;  Cao Ðức Phát, Bộ trưởng  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,  cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các tỉnh Tây Nguyên và đông đảo nhân dân.

 

Lễ khai mạc đã mang lại cho người xem hình ảnh quá trình hình thành, phát triển cây cà-phê trên Tây Nguyên, việc đầu tư, chăm sóc và đưa hạt cà-phê đến với thế giới. Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc với chủ đề "Hương sắc Cao nguyên" có sự tham gia của 200 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lâm Ðồng, Ðác Nông, Gia Lai cùng với Ðoàn Ca múa nhạc dân tộc và nhiều nghệ nhân, học sinh, sinh viên của tỉnh Ðác Lắc.

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương ngành cà-phê Việt Nam nói chung và tỉnh Ðác Lắc nói riêng đã đạt được. Cà-phê Việt Nam đã đến với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm, Việt Nam xuất khẩu hơn một triệu tấn cà-phê nhân. Niên vụ cà-phê 2011-2012, cả nước đã xuất khẩu được gần 1,6 triệu tấn. Năm 2012, cà-phê là một trong những mặt hàng của cả nước có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (hơn 36%), đạt 3,4 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà-phê đứng đầu thế giới. Sản xuất, chế biến cà-phê theo hướng bền vững là hướng thoát nghèo, làm giàu cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Ðác Lắc nói riêng.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ tư năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với ngành cà-phê Ðác Lắc mà cả ngành cà-phê Việt Nam. Ðây là hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch có quy mô quốc gia, đồng thời cũng là dịp để du khách trong nước, bạn bè quốc tế chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ và bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại...

 

Trong thời gian năm ngày, Lễ hội diễn ra Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà-phê và sản phẩm thương hiệu Việt, đây là không gian chính của Lễ hội, nơi tập hợp các hoạt động giới thiệu, giao lưu của ngành cà-phê, giữa các doanh nghiệp trong ngành cà-phê với các sản phẩm phụ trợ, một không gian mở kết hợp văn hóa cà-phê với khung cảnh thiên nhiên. Tham gia hội chợ có 692 gian hàng của 209 đơn vị, doanh nghiệp thuộc 13 tỉnh, thành phố.

 

Chủ đề "Thế giới cà-phê - Cà-phê thế giới" với màn diễu hành xe hoa, múa lân, voi mang biểu tượng cà-phê, cồng chiêng, hóa trang, các vũ điệu văn hóa... biểu diễn trên các đường phố với sự tham gia gần 1.000 nghệ nhân và quần chúng... Hội thảo "Giá trị gia tăng của cà-phê trong chuỗi sản xuất và chế biến cà-phê" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Ðác Lắc đồng chủ trì có sự tham gia của Ðại sứ các nước sản xuất cà-phê lớn trên thế giới, Hiệp hội Trà và Cà-phê châu Á, đại diện các nhà rang, xay, các nhà nhập khẩu, xuất khẩu cà-phê trong và ngoài nước, giúp cho các nhà sản xuất nâng cao chất lượng cà-phê.

 

Hội thi nhà nông đua tài với chủ đề: "Nhà nông với sản xuất cà-phê bền vững và hội nhập", là cuộc thi tìm hiểu kiến thức khoa học - kỹ thuật về canh tác cà-phê bền vững giữa những người nông dân trồng cà-phê nhằm tôn vinh những nông dân sản xuất giỏi, nắm vững kiến thức về khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất cà-phê.