Lễ hội cầu mùa: Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Sán Chay

17:35, 14/03/2013

Những ai đã từng dự Lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chay ở xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương thì khó có thể quên được nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc nơi đây. Đó là nghi thức cúng tế, là điệu nhảy Tắc xình, những câu hát Sấng Coọ (Sình ca), hát Ví độc đáo, ngọt ngào đắm say lòng người: là nét duyên dáng, đằm thắm của các bà, các mẹ, các chị trong trang phục truyền thống nhiều sắc màu… Và hơn cả là sự mộc mạc, chân chất và mến khách của người dân Đồng Tâm…

5 giờ chiều ngày 12/3 (tức 1/2 âm lịch), chúng tôi có mặt tại xóm Đồng Tâm, để tham dự Lễ hội cầu mùa và giao lưu văn hóa người Sán Chay - huyện Phú Lương năm 2013 do UBND huyện tổ chức. Hai bên đường dẫn vào xóm, nhà văn hóa, sân vận động và đình làng cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ thần tung bay trong nắng xuân. Tại nhà văn hóa xóm, sân vận động, những bài hát Sấng Coọ, hát Ví và cả bài hát nội dung tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được phát ra từ dàn âm thanh của Trung tâm Văn hóa và Thông tin tỉnh và Phòng Văn hóa Phú Lương như thúc giục, mời gọi người dân trong xã và du khách đến với Lễ hội. Trên đình làng, các cụ già và Ban Tổ chức Lễ hội tập trung kiểm tra, hướng dẫn những phần việc đã phân công cho các bộ phận để hoàn thiện công việc chỉnh trang đình, thổ công và miếu làng. Dưới tán rừng chò, già làng Trần Văn Định cho biết: “Đình làng được khôi phục lại năm 1996 để thờ Thành Hoàng làng - người đầu tiên khai phá, tạo lập ra làng (sau này được nhân dân gọi nôm na là nơi thờ ông thứ Chín và bà thứ Bẩy). Trước đây, một năm 3 lần, dân làng tập trung góp gạo tẻ, gạo nếp, lợn, gà để làm cỗ dâng lên cúng tế, đó là các ngày 2/2, 2/6 và 12/12 âm lịch. Trong những năm trở lại đây, ngoài góp gạo tẻ để nấu cơm ăn trong những lần cúng tế thì bà con còn đóng góp tiền mua gà, gạo nếp, một con lợn khoảng 50-70 kg và lễ vật để làm 9 mâm lễ rước lên đình, thổ công và miếu làng cúng tế”.

 

 

Bên ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn nhỏ của hai gia đình gần đình làng và nhà văn hóa xóm, mọi người quây quần phân công nhiệm vụ và chuẩn bị trang phục truyền thống, và các nhạc cụ cho nghi lễ cúng tế ngày hôm sau. Các bà, các mẹ, các anh chị và các em người thì tất bật chuẩn bị trang phục cho buổi tối giao lưu văn nghệ, người thì ngâm gạo, rửa lá để sáng hôm sau làm bánh, đồ xôi. Các chàng trai tập trung dựng cây còn, làm cà khoeo, cầu thăng bằng, còn các cô gái thì cần mẫn, ríu rít khâu quả còn phục vụ cho lễ hội…

 

7 giờ tối, mọi người đổ về sân vận động xã để thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Tại đây, khách mời và người dân được “đắm mình” trong những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Sán Chay. Đó là các bài hát Ví, Sấng Coọ, điệu nhảy Tắc xình của nghệ nhân và các Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Sán Chí (Sán Chay) của xóm Đồng Tâm, xóm Pháng 2 (xã Phú Đô), xóm Đồng Xiền (xã Yên Lạc)… Cụ Trạc Thị Căm, 88 tuổi ở xóm Đồng Tâm vẫn chống gậy ngồi xem và say sưa nhẩm theo bài Sấng Coọ, hát Ví. Nói chuyện với chúng tôi, cụ bảo: “Những lời hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, tình yêu đôi lứa bình dị, xuất phát từ cuộc sống, công việc hàng ngày của người dân. Còn các điệu nhảy Tắc xình là động tác mô phỏng động tác lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày như phát nương, vơ cỏ, tra hạt, chăm sóc cây, đuổi thú dữ, gặt hái, xúc tép, bắt cá... mong muốn một cuộc sống bình yên, no đủ”.

 

4 giờ sáng ngày hôm sau, bên bếp lửa ở cạnh miếu, nam giới được cắt cử thịt lợn, còn tại nhà anh Hầu Văn Lương, mọi người tập trung luộc bánh, đồ xôi ngũ sắc, thịt gà… 7 giờ, lễ vật và đồ cúng tế được chuẩn bị xong và được đưa lên nhà văn hóa xóm để sắp trên 9 mâm. Ngoài 1 mâm hoa quả, oản và các loại bánh, 8 mâm còn lại đều có 1 chai rượu, 1 quả cau lá trầu, một bát nước thả 1 chiếc tăm. Đúng 7 giờ 30 phút, các mâm lễ được rước lên đình, đi đầu là người thổi kèn pí lè, thầy cúng (già làng), hai nam giới trang phục nhảy Tắc xình, đi sau là 9 nam giới bê 9 mâm lễ vật, đoàn gõ nhạc, tiếp đó là các đồng chí lãnh đạo huyện, đại biểu, du khách và bà con trong xã. Khi các mâm lễ vật được đặt tại chính đình, thổ công và miếu làng, các chính chủ quỳ trước đình làng với tư thế trang nghiêm. Già làng với bộ áo lễ màu đen, đội khăn vấn, chân đi guốc mộc bắt đầu cúi lạy, cầu khấn và hành lễ cầu xin cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, muôn loài được sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc. Khi tiếng trống đình được đánh liên tục thì già làng xin âm dương, khi xin được âm dương cũng là lúc hồi trống kết thúc. Đây cũng là lúc phía dưới cách sân đình 50m diễn ra nhảy Tắc xình để tưởng nhớ tổ tiên, cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau...

 

Sau phần Lễ, mọi người cùng tham gia vào phần hội được tổ chức tại sân vận động với các hoạt động ném còn, kéo co, đi cà khoeo, đi thăng bằng, giao lưu văn hóa, văn nghệ... Cùng tham dự trò chơi ném còn, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Dân tộc Sán Chay ở Phú Lương chiếm khoảng 9,7% dân số của huyện, tập trung ở các xã: Tức Tranh, Phú Đô, Vô Tranh, Yên Lạc, Yên Đổ và Phấn Mễ. Lễ hội Cầu mùa của người Sán Chay ở Đồng Tâm, xã Tức Tranh là một trong 10 dự án phục dựng lễ hội đặc sắc của người dân tộc thiểu số Việt Nam được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện từ năm 2004. Hoạt động diễn ra trong Lễ hội là nhằm khai thác, quảng bá tiềm năng du lịch, phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cũng là để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo dấu ấn thu hút du khách đến với Lễ hội truyền thống này”.

 

Khi đồng hồ điểm 11 giờ trưa cũng là lúc khách mời và bà con xóm Đồng Tâm tụ hội lại tại nhà văn hóa và đình làng để cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Sán Chay, để khi chia tay ai cũng phải lưu luyến, mong ngóng đến Lễ hội năm sau.