Chùa Keo - một mẫu hình về trùng tu di tích

10:36, 10/04/2013

Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như nguyên vẹn dáng dấp và nội thất ban đầu.   

Ngôi chùa có tên là Nghiêm Quang tự, do Thiền sư Dương Không Lộ (1016-1094) xây dựng ở ven sông Hồng năm 1061 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1167, đời vua Lý Anh Tông mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa được gọi là chùa Keo.

 

Ngoài kiến trúc độc đáo, chùa Keo còn tọa lạc trên một không gian thoáng đãng và yên bình rộng trên 4 ha. Đặc biệt, trong bán kính hơn 1km, không có ngôi nhà nào cao hơn gác chuông của chùa (13 mét). Điểm đặc biệt của chùa Keo là công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ lim và ghép với nhau bởi hệ thống mộng, kèo chứ không dùng đinh như một số ngôi chùa khác. Chùa bao gồm hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền Thánh thờ đức Dương Không Lộ - vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa. Tất cả được bao bọc bởi hai dãy hành lang và khu tăng xá dài hàng trăm mét với các dãy cột lim lớn... khiến cho toàn bộ di tích này giống như một cung điện.

 

Gác chuông chùa Keo.

 

Chùa Keo cũng là một trong những ngôi chùa còn bảo tồn được nhiều đồ thờ tự cổ nhất ở miền Bắc, trong đó phải kể đến những án hương, hệ thống tượng, ban thờ và đặc biệt là pho tượng làm bằng gỗ trầm hương được gìn giữ từ thời chùa cũ có cách đây ngót 900 năm. Một di sản nữa thuộc chùa Keo không thể không nhắc đến, đó là bộ cánh cửa cao 2m, rộng 2,6m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con chầu mặt nguyệt – biểu tượng cho kiến trúc đời nhà Lê. Nguyên bản của cánh cửa này đang được lưu giữ trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, 42 con sơn được chạm trổ hình rồng, phượng với tư thế rất khác nhau cũng là một nét kiến trúc độc đáo của chùa Keo. Tương truyền rằng, đó là 42 con sơn của 42 hiệp thợ xây dựng chùa tạo tác nên.

 

Ông Bùi Văn Thương - trưởng BQL di tích cho biết: “Trải qua gần 400 năm tồn tại, chùa Keo vẫn giữ được hình dáng ban đầu và chỉ có hai lần trùng tu lớn, năm 1941 với sự trợ giúp của Viện Viễn đông Bác cổ và lần gần đây là đợt trùng tu do Nhà nước đầu tư kéo dài 5 năm (1999 – 2004)”.

 

Chùa Keo không chỉ là một mẫu hình về công tác trùng tu không nóng vội làm mất đi linh hồn của di tích, mà còn là một mẫu hình về quản lý lễ hội rất đáng để nhiều địa phương học tập.