Trong hàng trăm điểm di tích lịch sử gắn liền với cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945 của Nga tại Moscow, ga tàu điện ngầm Novokuznetskaya, được coi là biểu tượng đầy tính nghệ thuật của lòng dũng cảm vì được xây dựng và hoàn thành tháng 11/1943 trong những năm chiến tranh ác liệt nhất.
Với những người dân Nga hay bất kỳ một khách nước ngoài nào, sự hối hả, đông đúc của nhà gia Novokuznetskaya không làm lu mờ nét kỳ vĩ của công trình được đánh giá là sánh ngang cùng những viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất nước Nga nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, những bức tường và ghế băng dài bằng đá cẩm thạch tuyệt đẹp, các tấm tranh pano ghép thành mái vòm trần nhà và những chùm đèn chùm khổng lồ rủ xuống, còn giúp ga Novokuznetskaya mang dáng dấp của một căn phòng trong cung điện tráng lệ. Đặc biệt, do được xây dựng trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc Chiến tranh Vệ quốc nên nội thất của ga Novokuznetskaya đều được trang trí theo chủ đề chiến tranh. Những bức phù điêu mô tả một phần nhỏ trận địa của cuộc chiến đấu bảo vệ Leningrad - Stalingrad, Odessa - Sevastopol, hay những biểu tượng đặc trưng của quân đội như cờ và vũ khí bằng đồng có lồng chân dung của những tướng lĩnh chỉ huy các trận đánh có tính quyết định trong lịch sử quân sự Nga. Chỗ được trang trí bằng chân dung Quận vương Aleksandr Nevsky, vị danh tướng đã đánh bại quân Thụy Điển và quân Đức hồi thế kỷ XIII. Nơi thì là chân dung Quận vương Dmitry Donskoy, người đã đánh tan quân xâm lược Tatar - Mông Cổ trong thế kỷ XIV, và cả những vị tướng soái vĩ đại trong thế kỷ XVIII và XIX như Aleksandr Suvorov và Mikhail Kutuzov.
Trong khi đó, 6 tấm pano ghép hình trên trần nhà lại là hình ảnh thu nhỏ của đời sống thời bình khi mọi người trồng cây, luyện thép nóng, xây dựng cầu, điều khiển máy bay và tập luyện thể thao... Những bức tranh tươi sáng này do GS Vladimir Frolov thuộc Viện Hàn lâm nghệ thuật thực hiện dựa theo bản phác thảo của họa sĩ nổi tiếng Aleksandr Deineki. Khi thực hiện những tấm pano này, bất chấp tuổi tác (gần 70 tuổi) và lệnh phong tỏa của thành phố Leningrad, GS Frolov đã cùng với ba nhân viên lắp từng miếng ghép thành bức tranh dưới ánh sáng lờ mờ của cây đèn dầu. Năm 1942, sau khi ghép xong tranh cho nhà ga Novokuznetskaya, ông đã qua đời vì đói và kiệt sức. Nhằm tưởng nhớ lòng dũng cảm và những cống hiến cho nghệ thuật của GS Frolov, bức tranh ghép chân dung ông vừa được gắn tại ga Novokuznetskaya và lập tức thu hút được sự quan tâm của công chúng.