Một triển lãm sắp khai mạc bị "tuýt còi", đóng cửa. Một cuộc trình diễn đang đoạn cao trào bị đám đông phản đối, phải ngừng lại. Có những buổi biểu diễn để lại sự khó hiểu, ám ảnh về sự tù mù, quái dị của ý tưởng hay những hình ảnh, động tác đầy phản cảm của người trình diễn... Ðó là thực trạng thường thấy của không ít chương trình được gọi là "nghệ thuật đương đại" thời gian qua.
Có những buổi biểu diễn để lại sự khó hiểu, ám ảnh về sự tù mù, quái dị của ý tưởng hay những hình ảnh, động tác đầy phản cảm của người trình diễn... Ðó là thực trạng thường thấy của không ít chương trình được gọi là "nghệ thuật đương đại" thời gian qua.
Nỗ lực tìm tòi, thể nghiệm
Khoảng 20 năm trở lại đây, sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại với các hình thức sắp đặt, trình diễn, video art, video act... dần trở nên không còn xa lạ với giới nghệ thuật, tuy chưa thật gần gũi với số đông công chúng nước nhà. Nếu như trên thế giới, trào lưu này thịnh hành từ những năm 50-60 của thế kỷ 20, thì sự ra đời và tồn tại của nó ở Việt Nam dẫu muộn hơn nhưng cũng là một tất yếu trong sự phát triển của đời sống nghệ thuật. Mở đầu là một vài triển lãm đơn lẻ theo hình thức sắp đặt, đôi khi kết hợp trình diễn của một số tác giả như Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy... Họ thường tổ chức công khai hoặc bán công khai ở một số ga-lơ-ry, nhà riêng, Viện Gớt... Với những biểu đạt mới lạ, trực tiếp lúc bấy giờ như phản ánh tình yêu đồng giới, suy tư về thân phận con người và nỗi buồn nhân thế, phản kháng sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội... Dần dần, thực hành nghệ thuật đương đại trở thành trào lưu, công khai, ít nhiều tạo được những làn sóng, có cuộc được tổ chức với quy mô lớn, thu hút khá nhiều nghệ sĩ tham gia. Một số địa điểm có tiếng đã đi vào hoạt động như Trung tâm Mỹ thuật đương đại của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhà sàn Ðức, Ryllega Ga-lơ-ry do Quỹ Ðông Sơn Today tài trợ, Studio Anh Khánh, Gia Lâm (Hà Nội); Sàn Art (TP Hồ Chí Minh); Trung tâm nghệ thuật Không gian mới (Huế)... Bên cạnh đó là sự giúp đỡ tích cực cả về kinh phí và địa điểm tổ chức của Viện Gớt, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Việt Nam - Ðan Mạch (CDEF)...
Từ chỗ không chính thức, ít người biết và nhiều khi gặp phải sự phản đối, phê phán của dư luận, nghệ thuật đương đại dần được công nhận, có chỗ đứng nhất định trong giới nghệ thuật, được nhà trường và sinh viên Ðại học Mỹ thuật hưởng ứng, tổ chức các sự kiện nghệ thuật mang tính toàn quốc như Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần I và lần II (năm 2007 và 2011), Cuộc thi Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008, Biennale Mỹ thuật trẻ TP Hồ Chí Minh 2009...
Thế mạnh của hình thức biểu đạt
Ưu điểm nổi bật của nghệ thuật đương đại là khả năng tác động mạnh, trực tiếp đến thị giác người xem. Trong nghệ thuật đương đại, sắp đặt và trình diễn là hai thể loại thông dụng, phổ biến, trong đó sắp đặt chiếm ưu thế hơn. Phương tiện biểu đạt đa dạng, linh hoạt, có thể vận dụng ngay các chất liệu sẵn có, gần gũi với đời sống hằng ngày (trong sắp đặt) hoặc chính cơ thể người (trong trình diễn); khả năng truyền đạt nhanh ý tưởng và thông điệp của người nghệ sĩ, phù hợp nhịp điệu, lối sống của xã hội thông tin, công nghiệp; tạo ấn tượng thẩm mỹ bất ngờ, gây sốc, hài hước; ngôn ngữ biểu đạt bình dân, có thể mở rộng ra không gian sống, nơi công cộng nên thu hút được người xem, giúp họ dễ tiếp cận, cùng tham gia vào quá trình hình thành tác phẩm. Ðó là những thế mạnh nổi bật của nghệ thuật đương đại. Riêng với video art, số lượng các nghệ sĩ và triển lãm khiêm tốn hơn nhiều, bởi nó liên quan thiết bị và kỹ thuật cao trong lĩnh vực này. Chỉ một số nghệ sĩ trẻ năng động, hiểu biết và có khả năng học hỏi, đầu tư kỹ thuật, máy móc mới có thể nhập cuộc. Nhìn chung, nghệ thuật đương đại có hạn chế lớn là khả năng lưu giữ, bảo tồn kém bởi các tác phẩm sau khi triển lãm, trình diễn chỉ có thể được lưu lại bằng hình ảnh chứ không thể cất giữ trong bảo tàng, ga-lơ-ry như tranh, tượng.
Tác giả của nghệ thuật đương đại chủ yếu là các họa sĩ. Với những thế mạnh của loại hình, họ thật sự được cởi mở, phát huy cả về ý tưởng và phương thức biểu đạt trong sáng tạo nghệ thuật để tiếp cận và cộng hưởng cùng công chúng. Thậm chí, các loại hình này "dễ" ở chỗ chỉ cần có ý tưởng, không nhất thiết đòi hỏi tác giả phải được học hành, đào tạo cơ bản mới có thể làm được. Thời gian qua, nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam đã chạm được đến những vấn đề phức tạp không dễ thể hiện bằng ngôn ngữ hội họa, điêu khắc thuần túy, đó là: tự do và giới tính, con người và bản năng, triết lý nhân sinh, chiến tranh, bạo lực, đạo đức xã hội, ô nhiễm môi trường, những bất cập trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và sự phát triển xã hội... Nhiều tác giả có ý tưởng độc đáo đã làm nên thành công, đem lại những sáng tạo ấn tượng. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Ðất qua lửa - sắp đặt, 1994 và Rằm tháng bảy - sắp đặt, 1999 của Nguyễn Bảo Toàn; Tháp mâm - sắp đặt, 2004 của Ly Hoàng Ly; Váy cưới - sắp đặt, 2002 của Trương Tân; Người nông dân và máy bay trực thăng - sắp đặt kết hợp video art, 2006 của Lê Quang Ðỉnh; Thế giới xanh - video art, 2011 của Lê Trần Hậu Anh; các tác phẩm sắp đặt đầy tính dân gian của Ðặng Thị Khuê, một số chương trình biểu diễn sắp đặt kết hợp trình diễn ngoài trời với không gian hoành tráng và kỹ thuật dàn dựng công phu của Ðào Anh Khánh...
Những lạm dụng phi nghệ thuật
Bên cạnh những nỗ lực và thành công nhất định, nghệ thuật đương đại nước ta còn thể hiện những hạn chế đáng tiếc làm ảnh hưởng môi trường nghệ thuật chân chính. Một đặc điểm chung dễ nhận thấy của nhiều tác phẩm sắp đặt, trình diễn là sự nông cạn về ý tưởng, thiếu thông điệp rõ ràng. Các tác phẩm nhiều khi vu vơ, rời rạc, thiếu sự liên kết gắn bó giữa các thành tố để tạo được hình tượng và ý tưởng cô đọng, sắc sảo, có cảm giác họa sĩ chỉ dừng lại ở trò chơi chất liệu hay sự tìm tòi thẩm mỹ mới, lạ. Trong một hội thảo về nghệ thuật đương đại, họa sĩ Nguyễn Quân từng nhận xét: "Cứ tưởng các nghệ sĩ đương đại có một phong cách riêng với những dấu ấn cá nhân, nhưng hóa ra tác phẩm của họ rất giống nhau, đầy rẫy tính tập thể như nghệ thuật thời bao cấp. Không chỉ giống nhau về nguyên liệu, về ý tưởng mà giống cả nội dung sáng tác. Ði đâu cũng thấy tre pheo, túi ni-lông, cái ghế, cái bàn, rác thải kim loại, đồ nhựa".
Một thực tế nổi cộm trong hoạt động nghệ thuật đương đại hiện nay là xu hướng lạm dụng loại hình này vì những mục đích phi nghệ thuật. Không ít tác phẩm tù mù khó hiểu hay bế tắc, lệch lạc về ý tưởng; hình thức thể hiện phản cảm, dung tục; thậm chí có khi lộ rõ ý tưởng không "vị nghệ thuật", cố tình gây sốc vì những động cơ, mục đích cá nhân. Chẳng hạn một tác phẩm sắp đặt với những khối nước đá làm từ nước thải sông Tô Lịch, sau mấy ngày tan chảy, bốc mùi hôi thối để lộ ra nhiều rác rưởi, trong đó có cả sách kiến thức, lý luận. Có tác phẩm video art là hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ quất mãi lên ngực trần một thanh niên để lại những lằn đỏ. Một nữ nghệ sĩ trình diễn đã khiến người xem "choáng" khi từ từ thoát y cho tới lúc khỏa thân hoàn toàn rồi đổ dung dịch lên người, phủ lông vũ dính thân thể, nhét con chim nhỏ vào miệng rồi lại há miệng cho nó bay đi. Một nam nghệ sĩ đương đại khác gây sốc cho người xem bởi sau khi giới thiệu về tác phẩm của mình đã tự tụt quần ngồi vào bồn cầu lấy sách đọc... Nghệ sĩ Ca-na-đa Brian Ring, người từng tham gia và gắn bó với nghệ thuật đương đại Việt Nam từ rất sớm nhận xét rằng: "Nghệ thuật đương đại của Việt Nam ngày càng phát triển. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức gây sốc cho người xem, những tác phẩm có chất lượng rất hiếm". Ðáng lưu ý là hoạt động này thường nhận được sự hưởng ứng và tài trợ, giúp đỡ của các đại sứ quán, tổ chức, quỹ, trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam. Ðã có những nghệ sĩ sau khi gây được chú ý trong dư luận (cả theo hướng tích cực lẫn xì-căng-đan vì bị phê phán, chỉ trích hay cấm biểu diễn) sau đó thường được tài trợ sáng tác hoặc mời đi nước ngoài tham gia chương trình này nọ. Ðó cũng chính là một lý do để họ cố tình làm "khác người" hay "lái" ý tưởng sang những lĩnh vực nhạy cảm để tạo tên tuổi. Con đường này có vẻ rất dễ "nổi tiếng" vì thực tế nhiều nghệ sĩ đương đại về chuyên môn, tay nghề mỹ thuật (hội họa, điêu khắc) yếu kém, mờ nhạt, dẫu có sáng tác nhiều năm cũng chưa chắc tạo ra được tác phẩm chất lượng, gây chú ý. Như thế, nghệ thuật đương đại đã trở thành công cụ, phương tiện để một số người lạm dụng vì mục đích, động cơ cá nhân. Và một nguyên nhân để tình trạng này tồn tại còn ở sự kém hiểu biết, thiếu nhạy cảm chính trị của một bộ phận báo chí, truyền thông. Nhiều công ty, trung tâm văn hóa, báo chí (đặc biệt báo điện tử, các trang mạng) thường hay vội vã nhập cuộc mà không tìm hiểu kỹ bản chất của sự việc mỗi khi có "sự cố" về nghệ thuật đương đại như một triển lãm không được cấp phép, một chương trình biểu diễn bị ngừng...
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, lâu nay nghệ thuật đương đại mới chỉ hoạt động ở các trung tâm, tụ điểm văn hóa nhỏ, triển lãm mang tính cá nhân. Nếu biết kết hợp đưa loại hình này đến các chương trình lớn như Festival, lễ hội..., nó sẽ tiếp cận được đại chúng, đem lại hiệu quả tốt hơn cho cả nghệ thuật và xã hội. Ông đồng thời bày tỏ quan ngại trước những khó khăn, bất cập về phương thức quản lý lĩnh vực này.
Có thể thấy, trong dòng chảy sôi động của đời sống nghệ thuật hôm nay, sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật đương đại là điều tất yếu, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm diện mạo nghệ thuật nước nhà. Song làm thế nào để hoạt động này đúng hướng, hiệu quả, thật sự vì nghệ thuật, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính lại là cả một thử thách không dễ dàng. Ở đó, vai trò, ý thức của người nghệ sĩ là điều trước tiên và quan trọng nhất. Làm thế nào để không đánh mất mình vì những động cơ, cám dỗ "phi nghệ thuật"; nỗ lực tìm tòi sáng tạo góp sức vào sự phát triển của một nền nghệ thuật hiện đại mà không mất đi bản sắc thẩm mỹ và đạo đức truyền thống. Ðó là trách nhiệm, là con đường và đích đến trong sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ đương đại Việt Nam.