Đây là ngôi mộ cổ của một phụ nữ quý tộc vào khoảng đầu thế kỷ XVIII nên có rất nhiều điểm trang trí và kiến trúc độc đáo.
Ngôi mộ cổ hợp chất Cầu Xéo có giá trị văn hóa lịch sử với niên đại hơn 300 năm đã được các nhà khảo cổ khai quật nghiên cứu năm 2011 tại huyện Long Thành (Đồng Nai).
Trong khi hài cốt và các đồ tùy táng quý đang được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai thì phần dương của ngôi mộ với nhiều dấu tích văn hóa độc đáo vẫn chưa được phục dựng, đang nằm bên lề đường khiến không ít người dân và du khách xót xa, tiếc nuối.
Hai năm nay, người dân Đồng Nai và du khách khi đến thăm Trung tâm văn miếu Trấn Biên (phường Bửu Long, TP Biên Hòa) bất ngờ với nhiều khối hình thù đa dạng nằm trên vỉa hè cạnh trung tâm.
Trên những khối hình đã rêu mốc thuộc phần dương của ngôi mộ này, có thể nhìn thấy trụ cổng hình búp sen, tượng tròn linh thú chầu bên, bình phong kiểu “chân quỳ” cùng các họa tiết hình chim thú, hoa lá...
Đây là ngôi mộ cổ của một phụ nữ quý tộc vào khoảng đầu thế kỷ 18 nên có rất nhiều điểm trang trí và kiến trúc độc đáo, mới lạ mang dấu ấn văn hóa của cư dân Việt thời bấy giờ. Theo báo cáo khoa học, phần dương của ngôi mộ cổ được xây dựng từ vôi sống, cát, mảnh san hô và vỏ nhuyễn thể nghiền vụn, than hoạt tính, giấy dó, rơm, rạ băm nhỏ được kết dính với nhau bằng nhựa thực vật, nhựa đường...
Ông Nguyễn Quang Toại, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi khai quật mộ cổ Cầu Xéo, do là ngôi mộ cổ có nhiều giá trị văn hóa lịch sử nên đoàn khai quật quyết định đưa phần dương của ngôi mộ về phục dựng để phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu học tập tại nghĩa trang Võ Hà.
Tuy nhiên, do không được sự đồng ý của một số người trong dòng họ Võ Hà nên lăng mộ trên chưa được phục dựng như dự kiến ban đầu. Trong lúc chờ UBND tỉnh phê duyệt dự án khu di tích kiến trúc mộ táng và đưa vào hoạt động ở khu vực trên, Trung tâm văn miếu Trấn Biên sẽ tạm thời đưa phần dương của ngôi mộ vào gìn giữ tại văn miếu Trấn Biên để bảo quản./.