Thúc đẩy sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị

07:27, 23/07/2013

Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở nước ta đã có một số thành tựu nổi bật, đổi mới cả về hình thức cũng như nội dung, trong khi vẫn kế thừa, phát huy được bản sắc và các giá trị truyền thống, khẳng định được phần nào vai trò trong công cuộc mở cửa, hội nhập quốc tế.  

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, cũng tồn tại nhiều bất cập cùng những mặt hạn chế nhất định, chưa thật sự quan tâm huy động được các nguồn lực đầu tư, khai thác, tạo điều kiện một cách thuận lợi, phù hợp nhất để những tiềm năng được phát huy trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí còn dung túng, buông lỏng quản lý, dẫn đến thiếu định hướng, khiến các tác phẩm có giá trị và chất lượng nghệ thuật bị lấn át bởi các loại hình giải trí mang tính thị trường, thương mại hóa.

 

Có thể thấy rõ thực trạng nêu trên khi hoạt động sáng tác ở các loại hình nghệ thuật thời gian qua đều coi trọng nhu cầu giải trí và chịu nhiều ảnh hưởng, chi phối của văn hóa nước ngoài đang thâm nhập mạnh mẽ. Cũng vì vậy, đã và đang thiếu hụt các tác phẩm thể hiện tính tư tưởng nghệ thuật, gắn với các giá trị truyền thống, với lịch sử dân tộc và cách mạng. Trong lĩnh vực điện ảnh và sân khấu chẳng hạn, dòng phim thương mại đang dần chiếm lĩnh vị trí của phim nghệ thuật với xu hướng "ăn xổi", làm ẩu, coi thường khán giả. Nhiều bộ phim do tư nhân sản xuất đặt nặng doanh thu, chạy theo yếu tố giật gân, bạo lực và gợi dục mà bỏ qua giá trị nghệ thuật, trong khi phim Nhà nước đầu tư sản xuất không có điều kiện đến được với đông đảo công chúng. Phim truyền hình phát sóng chưa hay song cũng đang xuống cấp đáng báo động bởi đề tài lặp lại, quanh quẩn các câu chuyện tình yêu vô bổ, nhạt nhẽo, bối cảnh dàn dựng không phù hợp thực tế Việt Nam bởi mô phỏng, sao chép nguyên xi của các phim truyền hình nước ngoài. Có những đơn vị sân khấu kiên trì với các vở diễn nghệ thuật, hướng đến giá trị nhân văn cao đẹp đã gặp nhiều khó khăn do lượng khách kén chọn, không thu hút được một cách đại trà như những vở diễn giải trí, phản ánh quá mức các đề tài: đồng tính, ma quỷ, kinh dị... Sáng tác âm nhạc thời gian qua cũng chịu chỉ trích bởi sự lên ngôi của dòng âm nhạc thị trường dễ dãi, đơn giản hóa cảm xúc, thậm chí là dung tục, tác động đáng lo ngại đến thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Các loại hình ca nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc truyền thống dường như bị bỏ quên, không có sự quảng bá, tuyên truyền cần thiết và chỉ xuất hiện trong các sự kiện kỷ niệm, đối ngoại hay các kỳ liên hoan được Nhà nước đầu tư. Ðể dẫn đến tình trạng các tác phẩm mang xu hướng giải trí một chiều còn có một phần nguyên nhân từ việc phần lớn kinh phí đầu tư  từ tư nhân và đây chính  là tác nhân định hướng tác phẩm theo chiều hướng nêu trên.

 

 Ðể khắc phục, giải quyết thực trạng yếu kém và thúc đẩy hoạt động sáng tạo, xây dựng những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị đã đề ra, thiết nghĩ, cần phải có chiến lược phát triển và định hướng rõ ràng ở các lĩnh vực nghệ thuật từ cấp trung ương đến cơ sở về các mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn trong đầu tư, đào tạo nhân tài, giáo dục, tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện hỗ trợ cho hoạt động sáng tác cũng như thể hiện của tác phẩm nghệ thuật. Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai lấy ý kiến là một thí dụ cho thấy sự chuyển biến theo chiều hướng như vậy. Bên cạnh đó, nên xây dựng một hành lang pháp lý rõ ràng và nghiêm minh để thực thi các chiến lược phát triển, hoàn chỉnh hệ thống các quy định pháp luật về hoạt động văn hóa nghệ thuật; tăng cường hình thức khen thưởng, động viên và hỗ trợ, nâng cao giá trị các giải thưởng, tăng chế độ nhuận bút và bồi dưỡng sáng tác, biểu diễn cho các nghệ sĩ...

 

 Một yếu tố mang tính quyết định trong xây dựng các tác phẩm nghệ thuật là chủ thể các tác giả, nghệ sĩ tham gia sáng tạo phải thật sự có tài năng mới cho ra đời những tác phẩm tương xứng, có chất lượng cao. Chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các văn nghệ sĩ sáng tạo, cống hiến, đóng góp công sức và tài năng cho hoạt động nghệ thuật; đồng thời không ngừng tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và khai thác các tài năng văn học nghệ thuật trẻ. Ðiều này đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan chức năng có những cơ chế, chính sách thích ứng về lâu dài để đào tạo những thế hệ tiếp nối. Bên cạnh đó, bản thân văn nghệ sĩ cũng cần thấy rõ trách nhiệm và thiên chức của họ với sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà. Họ phải thật sự dấn thân, đấu tranh không khoan nhượng với những tiêu cực, không ngừng tìm tòi, đổi mới và trau dồi kiến thức, vốn sống, gắn bó và khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời lao động hết mình vì nghệ thuật, vì nhân dân.