Tôn vinh những "Báu vật nhân văn sống"

08:10, 07/07/2013

Trong khi dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể sau gần mười năm vẫn chưa thể hoàn thiện vì nhiều lý do thì những "báu vật nhân văn sống" - như cách mọi người vẫn gọi các nghệ nhân như vậy, những người mà cả cuộc đời cống hiến cho văn hóa dân gian phi vật thể của nước nhà, đang ngày một già đi theo năm tháng và ít dần về số lượng.  

Âm thầm cống hiến, lặng lẽ ra đi

 

Ðã có nhiều câu chuyện kể về những nghệ nhân tâm huyết với nghề, trải dài theo thời gian, để rồi làm nên một lớp người sáng tạo và cống hiến, hy sinh hết mình vì tinh hoa nghề nghiệp. Họ chính là "dòng chảy" lưu truyền những giá trị văn hóa dân gian qua các thế hệ. Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - GS, TS Tô Ngọc Thanh bồi hồi nhớ về nữ nghệ nhân biểu diễn và truyền dạy hát hội chèo tàu - cụ Tiến Thị Lục: "Vài năm sau khi trao thưởng danh hiệu nghệ nhân với vỏn vẹn chỉ 700 nghìn đồng, tôi tìm đến thăm cụ và chúc Tết. Ðến nơi vẫn thấy chiếc phong bì đặt ngay ngắn dưới lớp kính, tôi ngạc nhiên hỏi: Mấy đồng tiền sao chị vẫn để đấy mà không lấy ra mua quà cho các cháu? Cụ Lục nạt lại: Ơ chú này lạ nhỉ? Tôi mà nằm xuống thì chúng nó cũng phải gỡ cái khung ra và cuộn cái phong bì bỏ vào áo để tôi còn có tiền xuống dưới đãi đằng người ta. Tôi hỏi chú bao nhiêu người được phong nghệ nhân? Không sướng à? Phải khoe chứ...". Năm đó, mới chỉ có vài chục nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhưng cái quan trọng nhất là đối với những lão nghệ nhân như cụ Tiến Thị Lục chính là niềm tự hào, là sự vinh danh cho cả một đời người cống hiến vì đam mê; còn tiền bạc vật chất, có lẽ không đáng gì. Ít năm sau, cụ qua đời và con cháu làm đúng theo di nguyện của người mẹ, người bà, người thầy có công khôi phục lại hát hội chèo tàu của địa phương sau 70 năm đứt đoạn.

 

Câu chuyện về một trong những người đầu tiên được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân trên đã lâu, nhưng đến giờ vẫn mang đầy đủ giá trị của nó. Con người đến lúc nằm xuống mới thấy giá trị tinh thần quý báu ra sao, song đối với những người ở lại, điều đó có đủ xứng đáng và bù đắp đủ những thiệt thòi mà các nghệ nhân như cụ Tiến Thị Lục hay bao nhiêu nghệ nhân khác đang phải chấp nhận như "số phận"?

 

Những người được nhận danh hiệu nghệ nhân xứng đáng được nhận sự quan tâm của xã hội, của đất nước? Ðược truyền nghề trực tiếp theo những phương thức dân gian cùng với năng khiếu, sự cần cù trau dồi tay nghề qua năm tháng và qua những sinh hoạt cộng đồng nghề nghiệp, đã giúp họ trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực làm nghề, được cộng đồng tôn vinh và tự hào. Chính họ sẽ là người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau các vốn liếng văn hóa mà cộng đồng đúc kết sau hàng bao nhiêu thế hệ. Ðó cũng là những tiêu chí nhìn nhận của Tổ chức UNESCO khi đề nghị tặng họ danh hiệu "Báu vật nhân văn sống" (Living Human Treasures).

 

Thấu hiểu điều đó, suốt 10 năm qua, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam không ngừng tìm kiếm, xác minh và trao tặng danh hiệu nghệ nhân cho những người xứng đáng. Ðến nay, hơn 300 người đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý nhất đối với các nghệ nhân dân gian Việt Nam. Ngoài danh hiệu, Hội cũng cố gắng để tìm thêm nguồn tài trợ nhằm có được sự ủng hộ động viên về kinh phí, chứ không chỉ là về tinh thần cho các nghệ nhân. Kết quả là từ 700 nghìn đồng, đến nay, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã nâng lên mức 1 triệu 200 nghìn đồng. Tuy vẫn ở mức "khiêm tốn" nhưng những nỗ lực của Hội qua một chặng đường dài để tìm lại vị thế xứng đáng và sự động viên đối với các nghệ nhân.

 

Có thể nói, công lao giữ gìn các giá trị của lịch sử, bảo tồn tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc của các nghệ nhân là vô cùng lớn. Sự cố gắng vinh danh họ chính là bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, là niềm tự hào cho những tiếp diễn văn hóa của các thế hệ, nhưng nếu không nhanh và không kịp thời có được sự vinh danh đó, chúng ta sẽ phải hối hận khi các "báu vật nhân văn sống" ấy ra đi, khi đó một phần quá khứ và văn hóa dân tộc cũng mãi mãi không còn.

 

Chưa thống nhất giữa các cơ quan hữu quan

 

Dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang được chỉnh sửa thông qua những đóng góp thẳng thắn của rất nhiều chuyên gia. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thì việc truy tặng Nghệ nhân Nhân dân cho những nghệ nhân đã mất trước ngày Nghị định có hiệu lực năm năm là không có cơ sở thực tiễn. Thí dụ các cụ như: Cao Văn Lầu (1892-1976), Nguyễn Quang Ðại (người đặt nền móng cho đờn ca tài tử Nam Bộ),... là những người mất từ rất lâu, nhưng những gì cuộc đời, sự nghiệp của các cụ để lại đến nay vẫn là dấu mốc đáng tự hào chưa thể thay thế. Chưa nói đến bao nhiêu năm qua, hơn nửa số nghệ nhân lần lượt qua đời vì tuổi cao sức yếu, trong khi đó, một chút vinh quang của cái danh "báu vật sống" vẫn chỉ trong... hư vô.

 

Việc hiểu rõ khái niệm nghệ nhân để xét trao tặng cho đúng người, đúng việc cũng là vấn đề mà Nghị định tới đây cần phải làm chuẩn xác. Theo GS, TS Tô Ngọc Thanh: "Các loại hình như ca trù có cả người làm thơ, có cả người hát hoặc như hát xẩm thì có cô đào cũng phải có người chơi nhạc cụ dân tộc... Nếu cứ theo thói quen chỉ xét trao tặng cho người hát ca trù mà bỏ quên người viết thơ, trao tặng người hát xẩm mà lại không nghĩ đến người chơi nhạc thì quá là thiệt thòi trong khi vai trò của họ không hề nhỏ". Về hồ sơ và các thủ tục xét tặng cũng cần được kiện toàn hơn, hợp lý hơn. Trong đó kể cả việc cho phép một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, có trình độ đứng ra làm hồ sơ giúp các nghệ nhân không biết chữ (các nghệ nhân dân tộc thiểu số) hoặc không có đủ điều kiện sức khỏe (các nghệ nhân quá già yếu) để trực tiếp làm hồ sơ.

 

Những người được đề xuất xét tặng các danh hiệu trong dự thảo công nhận danh hiệu nghệ nhân vẫn còn nhiều bất hợp lý dẫn tới sự chồng chéo đến các điều, quy định khác. Các chuyên gia văn hóa cho rằng, Nghị định cần có phạm vi điều chỉnh cụ thể tới khu vực "Nghề thủ công truyền thống". Rõ ràng, Công ước về Di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 khẳng định: "Nghề thủ công truyền thống" là một trong năm hình thức thể hiện của Di sản văn hóa phi vật thể. Vậy dự thảo cho phép Bộ Công thương đảm trách riêng việc đề xuất phong tặng nghệ nhân nghề thủ công truyền thống là bất hợp lý và gây chồng chéo trong quản lý điều hành. PGS, TS Ðỗ Văn Trụ thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam góp ý: "Nếu đã xét tặng các danh hiệu về nghệ nhân, Nghị định cần quy về một mối là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nơi đóng vai trò tham mưu cũng như bảo đảm yêu cầu khoa học và tính khả thi cho công tác này". Chính vì sự bất hợp lý gây chồng chéo, mất nhiều thời gian cùng nhiều lý do khác mới dẫn đến việc 12 năm qua, mặc dù Luật Di sản văn hóa đã ra đời, song những quyền lợi cho các nghệ nhân vẫn cứ bị bỏ ngỏ.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến nay vẫn tiếp tục giải thích nhiều lý do cho sự chậm trễ trong việc hoàn thiện Nghị định công nhận hai danh hiệu nghệ nhân nêu trên. Trong đó có lý do là vì không thống nhất được với quan điểm của Bộ Công thương. Trước đó, trong Ðiều 65 của Bộ luật Thi đua - Khen thưởng năm 2009 thì việc xét tặng nghệ nhân chỉ trong phạm vi lĩnh vực thủ công truyền thống và đơn vị được Chính phủ giao quyền lại là Bộ Công thương. Nhưng xét thấy thực tiễn cần thay đổi vì sự bất hợp lý này, Quốc hội năm 2009 đã sửa đổi Ðiều 3 trong Bộ luật Thi đua - Khen thưởng: Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú sẽ được trao cho những người có công, có tài trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng như việc chủ trì công tác này được chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Công thương và các ngành liên quan. Ðáng tiếc là đến năm 2012, Bộ Công thương vẫn kiên quyết giữ nhiệm vụ trao tặng trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Chính sự nhùng nhằng này kéo dài cho đến bây giờ và dự thảo vẫn được đề xuất với việc sẽ có hai nghị định áp dụng trong việc phong tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú: một do Bộ Công thương soạn thảo (Nghề thủ công truyền thống), hai là do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo cho các lĩnh vực còn lại của văn hóa phi vật thể.

 

Bỏ qua việc liệu cách làm nào là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, nhưng sự kéo dài và chậm trễ suốt nhiều năm qua là sự thiệt thòi quá lớn đối với các nghệ nhân. Họ xứng đáng được tôn vinh, được nhận đủ quyền lợi sau những cống hiến cả đời cho văn hóa dân tộc thay vì việc theo đuổi một thứ gì đó khiến họ có cảm giác "xin - cho". Thiết nghĩ, để các "báu vật sống" được "sống" thì cơ quan quản lý phải nhập cuộc nhanh và hiệu quả hơn nữa.

 

Vui cho mình ít, vui cho nghiệp nhiều

 

Nghệ nhân dân gian ẩm thực Ánh Tuyết tâm sự: "Di sản là của nhân dân, có sự tiếp nối qua các thế hệ. Ở nước ngoài có cả những viện nghiên cứu cho một lĩnh vực cụ thể để lưu truyền, song ở Việt Nam thì các nghệ nhân cứ âm thầm bảo tồn, âm thầm lưu truyền chỉ vì đam mê mà không có mấy sự hỗ trợ từ bất cứ cơ quan nào là rất khó khăn". Ðối với nghệ nhân rối cạn phường rối Tế Tiêu (Hà Nội) Phạm Văn Bể thì những người gần đất, xa trời như ông, danh hiệu giờ cũng chẳng để làm gì. Nhưng ông cũng cho biết, điều đó lại rất quan trọng với con cháu đời sau vì cả đời cha ông cống hiến mà không được "một chút vinh danh" thì liệu có còn động lực để theo đuổi và bước tiếp? Nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Trung, người nổi tiếng với những tác phẩm mây tre đan hình Bác Hồ chia sẻ: "Ngay cả những người giỏi nhất để hoàn thiện được nghề cũng phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí cả cuộc đời. Người trẻ bây giờ thực dụng lắm, phải cho họ niềm tin mới giúp duy trì niềm đam mê". Một nghệ nhân quan họ ở Bắc Ninh khẳng định: "Sự tiếp nối đam mê của các thế hệ sau thật sự quan trọng. Liệu họ có đủ sự hỗ trợ cần thiết trước cuộc sống mới vốn có rất nhiều đổi thay so với thời cha ông? Ðiều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm và đồng lòng của các cấp quản lý".

 

Tựu trung lại, dù Nghị định công nhận danh hiệu nghệ nhân ra đời có đem lại sự vinh danh cho các nghệ nhân hay không, tuy nhiên hầu hết trong số họ đều "Vui cho mình một mà vui cho cái nghiệp suốt cả kiếp người mười lần". Một danh hiệu cũng chỉ có giá trị khi nó đem lại những hiệu ứng cho thế hệ sau thêm động lực, thêm sức mạnh tiếp bước trong nghề của cha ông và chỉ mong sao những hy vọng nhỏ bé, những mong muốn giản đơn đó sớm trở thành hiện thực. 

 

Tháng 4 vừa qua, Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng, đã thu thập được 60 ý kiến đóng góp từ các sở, hội nghề nghiệp và hơn 100 văn bản góp ý của các đơn vị liên quan để có cơ sở đưa ra một Dự thảo gồm 5 chương và 21 điều. Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðặng Bích Liên mới đây cũng đã khẳng định: Ban soạn thảo Nghị định công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, xin ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan chức năng, phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thiện Nghị định để trình Chính phủ ban hành. Với lời khẳng định này, các nghệ nhân và những người tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc đang kỳ vọng về sự ra đời sớm của Nghị định với sự thống nhất giữa các ban, ngành liên quan.